Cần kiểm tra toàn diện

Cần kiểm tra toàn diện
TP - Nhiều nhà khoa học sau khi trực tiếp khảo sát đập thủy điện Sông Tranh 2 và dự hội thảo phát triển thủy điện bền vững ở tỉnh Quảng Nam ngày 7-5 khẩn thiết đề nghị kiểm tra toàn diện đập.

> Công nghệ nửa vời vì ham giá rẻ?

Tình trạng nước thấm qua thân đập không phải giảm hẳn như thông tin mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra.

Một bức ảnh được chụp trước khi vào tham quan lòng đập và bị ban quản lý thu giữ máy ảnh
Một bức ảnh được chụp trước khi vào tham quan lòng đập và bị ban quản lý thu giữ máy ảnh.

Nước qua thân đập vẫn rào rào

Đoàn nhà khoa học và quan chức địa phương chia thành ba nhóm, mỗi nhóm trên chục người, trực tiếp khảo sát tình trạng đập trước khi bước vào hội thảo. TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý TP Hồ Chí Minh (HASCON), thành viên một trong ba nhóm khảo sát kể, nhóm của ông khảo sát hai trong số ba hành lang gom nước.

Đấy là hành lang trên cùng và hành lang dưới cùng, mỗi hành lang cao ba mét và rộng ba mét, cách nhau gần 100 m theo chiều cao thân đập.

Đi vào mặt tiền cửa hành lang trên cùng và ra cùng ở cửa đó, đoàn khảo sát thấy vết trét bít ở mặt tiền hạ lưu vữa còn mới, chưa khô. “Chả hiểu sao vẫn có động tác bít khe ở phía hạ lưu”, TS Phúc thắc mắc. “Làm như thế chỉ tổ om nước trong thân đập, càng dễ khiến các thành phần của thân đập hư hỏng nhanh hơn”.

Hành lang trên cùng gần như khô hoàn toàn vì nó đã nằm trên mực nước hồ ở thượng lưu đập. Một cán bộ ban quản lý nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 cho đoàn khảo sát hay, mực nước hồ hiện còn cao hơn mực nước chết 15 m.

Vị chi lượng nước cần phải xả cho đến mực nước chết còn khá lớn, chứ không phải đã xuống mực nước chết như thông báo trước đó, và lượng nước xả thực tế cũng mới được 300-400 triệu m3.

“Xuống đến hành lang dưới cùng, tôi nghe thấy tiếng gì rào rào, ầm ầm”, TS Phúc nhớ lại. “Chúng tôi hỏi thì được bảo đấy là tiếng nước chảy”. Đến giữa hành lang vẫn thấy nước chảy như suối. Nhân viên nhà máy thủy điện tiến hành đo rồi thông báo lưu lượng nước chảy ở đây là 36 lít/giây.

“Như vậy lưu lượng này còn lớn hơn lưu lượng EVN và cơ quan giám định của Bộ Xây dựng thông báo hồi tháng 3, khi lần đầu tiên sự cố được báo chí đề cập”, TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, nói.

Bằng kinh nghiệm kỹ thuật của mình, TS Phúc bèn tự kiểm tra một cách thủ công và ông nhận định, lượng nước chảy trên máng là 4,5 tấc khối, tức 45 lít/giây. Nếu tính tổng cộng hai máng, tổng lượng nước chảy là 90 lít/giây.

Phải kiểm tra toàn diện

Khi thấy dòng nước ào ạt phun từ mặt đập phía hạ lưu hôm mùng 6-5, TS Phúc đặt vấn đề: “Trong thân đập, ngoài việc có tồn tại các khe nứt hay không, còn phải xét đến việc có tồn tại các khoảng trống có áp lực kẽ rỗng nước và không khí hay không.

EVN chưa kiểm chứng có hay không khoảng trống trong thân đập, từ đó chưa kiểm chứng được trọng lượng thật của đập. Như vậy không thể yên tâm tin nó là an toàn”.

TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ và là thành viên trong đoàn khảo sát, cho hay một trong những nguyên nhân chính gây sự cố vỡ đập trên thế giới có nguyên nhân thủy lực, nguyên nhân nước thấm qua thân và nền đập. Các nhà khoa học đề nghị EVN kiểm tra toàn diện đập trước khi tiến hành khắc phục sự cố.

Theo TS Phúc, trong điều kiện hiện nay, không khó để kiểm tra và cũng không nhất thiết cần đến chuyên gia nước ngoài. Bằng máy thăm dò địa chấn, hoàn toàn có thể thăm dò toàn bộ kết cấu của thân đập và nền đập.

Dựa vào đó, có thể xây dựng bản đồ chính xác về tình trạng thân đập như vị trí, kích thước, số lượng của các khe nứt và của các khoảng trống hay hố tử thần nếu có, xác định chính xác bên trong khe nứt và khoảng trống đó là nước hay không khí.

Máy dò địa chấn cũng sẽ xác định chính xác kích thước của các tầng đất đá của nền đập. Từ đó có thể tính toán và đánh giá lại tính ổn định của nền đập.

Sau khi có bản đồ thực trạng thân đập và nền đập, việc còn lại là các đơn vị có trách nhiệm phải phối hợp chặt chẽ với nhau để tính toán và xác định các khả năng xử lý đập.

Nếu không có khả năng khôi phục đập hoặc nền đập theo đúng thiết kế ban đầu thì sao?

TS Nguyễn Bách Phúc: Phải chấp nhận đau đớn là chấm dứt hoạt động của đập và nhà máy thủy điện. Thật lãng phí và tai hại khi cứ bỏ hàng chục hàng trăm tỷ đồng vào sửa chữa trong khi chưa xác định khả năng sửa chữa khắc phụ có hiệu quả hay không. Cũng vì thế, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ đưa câu chuyện Đập Sông Tranh 2 ra nghị trường Quốc hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.