Đây là nội dung phát biểu của PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện KHNNVN (VAAS) tại Diễn đàn “Phát triển Hệ sinh thái Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức vào ngày 17/12/2020 tại Hà Nội – với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP.
PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện KHNNVN (VAAS)
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi đó ở Braxin là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%. Mức độ phát triển như của Việt Nam, đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp lẽ ra nên ở mức 0,86% GDP nông nghiệp, tức là cần gấp 4 lần so với hiện nay. Ứng dụng công nghệ tăng giá trị sản xuất trở thành vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Đào Thế Anh, trong thời gian tới, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần ưu tiên các vấn đề cụ thể như:
Thứ nhất, nghiên cứu để bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, an ninh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Trong đó tập trung xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến nhằm sử dụng hợp lý chi phí đầu vào, giảm thiểu sử dụng hoá chất theo hướng nông nghiệp sinh thái nhằm nâng cao chất lượng nông sản.
Thứ hai, tập trung vào nghiên cứu sản xuất rau quả, tạo điều kiện để phát triển ngành rau quả ở nước ta, tiếp tục đầu tư nghiên cứu trong giai đoạn tới để nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung quốc…
Thứ ba, nghiên cứu về sản xuất thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng để duy trì tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững.
Thứ tư, nghiên cứu về sản xuất dược liệu, thực phẩm chức năng, phát triển cây thuốc gắn việc sản xuất với chế biến ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu tiến tới xây dựng một ngành công nghiệp dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Thứ năm, nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản đặc biệt là rau, hoa, quả tươi để bảo đảm chất lượng trong quá trình lưu thông, tiêu thụ, tiếp tục nghiên cứu công nghệ chế biến sâu để làm đa dạng các mặt hàng nông sản và nâng cao giá trị gia tăng.
Thứ sáu, nghiên cứu về thủy lợi phục vụ cho các cây rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả và phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đào Thế Anh cũng cho biết, để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nhà nước cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thị trường khoa học công nghệ.
Trong đó, đầu tiên là tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường đầu tư kinh phí cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam đạt mức tương đương với các nước trong khu vực (0,5% GDP nông nghiệp). Hoặc có thể đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp bằng cách, đề xuất với Chính phủ trích 0,5% kim ngạch xuất khẩu để đầu tư lại cho khoa học công nghệ.
Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng về chuyên môn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ cao và nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ). Mặt khác, cần xem xét về chế độ đãi ngộ để không bị chảy máu chất xám đối với cán bộ nghiên cứu và để cán bộ làm công tác khuyến nông yên tâm công tác có hiệu quả
Thứ nữa là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân làm khoa học công nghệ phát huy tối đa tính sáng tạo, chủ động, tinh thần trách nhiệm đối với kết quả cuối cùng. Chuyển trọng tâm từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra và hiệu quả của sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng vào sản xuất. Thực hiện triệt để hơn các cơ chế khoán tài chính trong khoa học công nghệ. Cải tiến các thủ tục, không biến người làm khoa học công nghệ thành nhân viên hành chính, phải đối phó, mất nhiều thời gian cho các thủ tục rườm rà, nhất là các quy định về tài chính.
Và cuối cùng là phát triển thị trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chất lượng và hàm lượng chất xám cao; Đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, có khả năng áp dụng vào sản xuất quy mô lớn; và mang lại lợi nhuận cho sản xuất, kinh doanh.