Ngày 12/12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị Tổng kết Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam.
Theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 phê duyệt tại Quyết định số 188 của Thủ tướng đã được thực hiện từ năm 2012 đến nay đạt được những kết quả nhất định.
Trong đó, nổi bật là hệ thống văn bản pháp luật về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản được hoàn thiện nhằm tiến tới mục tiêu phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững và hiệu quả, bảo tồn giữ gìn đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển và nội địa Việt Nam.
Từ năm 2010 đến nay, hoạt động điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản trên các vùng biển đã đánh giá được hiện trạng thành phần loài, trữ lượng các nhóm nguồn lợi…
Giai đoạn 2011-2015 đã xác định được 1.081 loài thủy sản, bao gồm 881 loài cá, 115 loài giáp xác, 41 loài động vật chân đầu, 44 loài thuộc nhóm khác. Trữ lượng cá biển, giáp xác và động vật chân đầu ở vùng biển được điều tra là 4,36 triệu tấn.
Trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản ở vùng ven bờ và vùng lộng là 1.368 ngàn tấn (chiếm 31,4%); vùng khơi là 2.996 ngàn tấn (chiếm 68,6%).
So với giai đoạn 2000-2005, trữ lượng nhóm cá nổi nhỏ giảm 3,2%; nhóm hải sản tầng đáy giảm 41,7%, nhóm cá nổi lớn giảm 10,2%.
Trữ lượng các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu thấp hơn 13,9% (tương đương khoảng 710 ngàn tấn); về tỷ trọng trong tổng trữ lượng: nhóm cá nổi tăng; nhóm hải sản tầng đáy giảm; nhóm cá nổi lớn ổn định.
Khả năng khai thác cho phép trung bình ước tính khoảng 2,45 triệu tấn (dao động trong khoảng 2,27 đến 2,63 triệu tấn), trong đó, nhóm nguồn lợi tầng đáy đã chạm ngưỡng giới hạn; nhóm cá nổi (cá nổi lớn và cá nổi nhỏ) vẫn nằm trong giới hạn khai thác cho phép, một số nhóm nguồn lợi ở các vùng biển vẫn còn tiềm năng khai thác.
Về Quy hoạch khu bảo tồn biển, Tổng cục Thuỷ sản cho biết, theo quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 742 (ngày 26/5/2010), cả nước có 16 khu bảo tồn biển.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Đến nay, Bộ NN&NPTNT cùng với các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vịnh Nha Trang- Hòn Mun (Khánh Hòa), Hòn Cau (Bình Thuận); Phú Quốc (Kiên Giang) (KBTB Phú Quốc hiện nay đã sát nhập vào VQG Phú Quốc), Cô Tô - Đảo Trần (Quảng Ninh, gộp 2 KBTB Cô Tô và Đảo Trần thành một KBTB Cô Tô – Đảo Trần); Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bộ NNPTNT đã xây dựng quy hoạch chi tiết, bàn giao cho UBND các tỉnh để phê duyệt thành lập 4 khu bảo tồn biển là: Hòn Mê (Thanh Hóa), Nam Yết (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Hải Vân - Sơn Chà (Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế).
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm bàn giao, UBND các tỉnh nói trên chưa phê duyệt thành lập mặc dù Bộ NN&PTNT đã tổ chức đoàn công tác để kiểm tra, hướng dẫn và có nhiều văn bản chỉ đạo, nhắc nhở.
Ngoài ra, kết quả điều tra nguồn lợi hải sản biển Việt Nam thuộc nhiệm vụ số 8 thuộc Đề án 47 đã xác định thêm được 8 khu vực có tiềm năng bảo tồn biển để bổ sung vào hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương và các cơ quan nghiên cứu tiếp tục mở rộng điều tra, khảo sát, thu thập số liệu các khu vực biển có đa dạng sinh học cao, quan trọng đối với bảo tồn biển để mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển nhằm thực hiện mục tiêu về bảo tồn biển đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Na Uy).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản; tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra; tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cả ngoài biển và trong vùng nội địa, chịu sức ép lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế và du lịch.
Nghị quyết 36 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, nhưng hiện mới chỉ đạt 1,8%.
“Nếu không nhận thức vai trò, vị trí của công tác bảo tồn thì chắc chắn sẽ không có một ngành kinh tế biển phát triển bền vững”, Thứ trưởng Tiến nói.
Do đó, trong chiến lược phát biển bền vững kinh tế biển Việt Nam, cần giảm khai thác thủy sản từ 3,9 triệu tấn/năm xuống còn 2,8 triệu tấn/năm. Để làm được điều đó, một mặt chúng ta giảm số lượng tàu thuyền khai thác hoặc giảm cường độ khai thác. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh gia tăng diện tích nuôi biển để giảm áp lực cho thủy sản khai thác.