Cần giảm áp lực thi cử, luyện thi

0:00 / 0:00
0:00
TP - TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, học sinh học chương trình mới và năm đầu tiên thi tốt nghiệp đối mặt với không ít thách thức, bất cập đòi hỏi Bộ GD&ĐT có phương án điều chỉnh phù hợp.

Phân tích về chương trình GDPT 2018, TS Khuyến nói rằng, học sinh có lợi thế là được phân hóa từ sớm và tự chọn tổ hợp để học theo năng lực, trong đó có những môn học mới như: Công nghệ, giáo dục Kinh tế và Pháp Luật…

Tuy nhiên đó không phải là những cơ bản quen thuộc để hướng nghiệp cho học sinh. Việc học sinh bắt buộc phải chọn tổ hợp môn học từ đầu cấp THPT trong khi các em chưa được định hướng, nhận thức về nghề nghiệp một cách chắc chắn cũng có nguy cơ lựa chọn sai lầm và khi muốn đổi tổ hợp lại vướng nhiều khó khăn, bất cập.

Cần giảm áp lực thi cử, luyện thi ảnh 1

Chỉ còn một học kỳ nữa, học sinh lớp 12 năm nay sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Với xu hướng tuyển sinh ĐH từ năm 2025, hàng loạt trường ĐH có thể sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng mang tên “đánh giá năng lực”, “đánh giá tư duy”.

Nhiều trường top dưới còn đưa ra vô số phương thức tuyển sinh “lạ”, phi truyền thống nhằm mục đích vơ vét thí sinh cho đủ chỉ tiêu đào tạo gây khó khăn và tốn kém cho thí sinh, phụ huynh do phải thi cử nhiều lần, phải chấp nhận ghi danh ở nhiều “lò luyện”, học thêm tại trường, học luyện thi, học luyện đánh giá năng lực, học luyện IELTS,….

Ủng hộ phương án siết chặt tỉ lệ xét tuyển sớm, TS Khuyến còn cho rằng, Bộ GD&ĐT cũng cần thống nhất quy định chọn kết quả thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chí chính để tuyển sinh giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp như chỉ đạo tại Nghị quyết 29: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH”.

Bộ cũng cần quy định thống nhất tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ các tổ hợp “lạ”. Khi đó, các trường ĐH chỉ nên đặt tiêu chí phụ đối với những ngành năng khiếu, ngành hot. “Với cách làm đó, sẽ giảm áp lực học tập, luyện thi không cần thiết đối với học sinh”, TS Khuyến nêu.

“Hoạt động tuyển sinh vào đại học và cao đẳng ngày càng lộn xộn, kém hiệu quả, tạo ra sự mất bình đẳng về cơ hội được tiếp cận giáo dục ĐH đối với các đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội” TS Lê Viết Khuyến

TS Võ Thế Quân, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) cho rằng, cần tạo cơ chế đồng bộ liên thông giữa phổ thông với ĐH một cách khoa học, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Các trường ĐH không nên đưa ra nhiều phương thức xét tuyển mà nên lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển truyền thống phổ rộng đáp ứng nhu cầu đào tạo các lĩnh vực KHTN, Kỹ thuật, Công nghệ, Khoa học kinh tế, Khoa học sức khỏe, Khoa học xã hội…

Trong từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp có thể đặt yêu cầu cao hơn về một môn học nào đó. Ví dụ: nếu tuyển vào Sư phạm Toán/ Cử nhân Toán có thể môn Toán lấy hệ số 2.

Các trường THPT có điều kiện tổ chức học tập - hướng nghiệp cho học sinh có trọng điểm, đảm bảo chất lượng thi tốt nghiệp và các trường ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển có nguồn tuyển sinh phong phú hơn, công tác tuyển sinh cũng gọn nhẹ hơn, chất lượng, hiệu quả hơn.

MỚI - NÓNG