Đường phố Hà Nội ngày thay đổi giờ làm và giờ học. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Cần điều chỉnh giờ học buổi chiều
Theo đánh giá của nhiều trường, việc điều chỉnh giờ học buổi sáng như hiện nay bước đầu có hiệu quả tốt, giảm ùn tắc. “Vấn đề là ở ca chiều. Mùa đông thì có thể chưa ảnh hưởng tới sức khoẻ của học sinh, còn sang mùa hè 7 giờ tối mới tan dễ mệt mỏi, chưa kể mùa hè, ai đảm bảo điện không bị cắt? Nếu bị cắt điện các cháu lấy đâu ánh sáng để học?”, thầy Nguyễn Hoàng Kim, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân), nói.
Thầy Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên, đánh giá: “Cả giáo viên và học sinh đều khó khăn, nhưng giáo viên thì có thể cố gắng sắp xếp được, điều khiến tôi băn khoăn là học sinh.
Việc tan học lúc 7 giờ tối không chỉ ảnh hưởng tới nhịp sinh học của các em mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác. Vì thế mà tâm lý phụ huynh không ai muốn để con mình, nhất là con gái tự đi từ trường về nhà lúc đó”.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cũng cho rằng nên điều chỉnh giờ học buổi chiều tan khoảng 6 giờ chiều thì hợp lý hơn.
Còn thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng – Đoàn Kết, cho rằng nên học thật sớm để học sinh tan học trước 5 giờ. Chẳng hạn 12 giờ 15 học, 4 giờ 15 – 4 giờ 30 tan. Giờ tan học chỉ cần chênh 10 – 15 phút cũng giải quyết kha khá vấn đề.
Hiệu quả không cao
Nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị) nói: “Nếu làm tốt, chặt chẽ vẫn có hiệu quả nhưng không cao và vẫn còn ùn tắc dù đã giảm được khoảng 3-5%”. Theo đó, song song với phân làn, lệch giờ, cần chú tâm tới việc xây dựng tàu điện ngầm, tàu trên cao.
Ông Thủy phân tích: “Các đối tượng học sinh, sinh viên không đáng kể. Theo tôi tính toán Hà Nội có khoảng 320 nghìn học sinh mầm non, 360 nghìn học sinh trung học và 400-500 nghìn sinh viên. Cuối ngày, hết giờ học thì học sinh về, nhà trường không nhốt được đâu. Trong 10 triệu người đi làm thì chỉ có khoảng 4,5 triệu người làm theo giờ, còn lại đa số lao động tự do không đi làm theo giờ. Như vậy dù có đổi giờ thì hiệu quả vẫn không cao”.
Vị chuyên gia này cho rằng, đổi giờ học, giờ làm, các nước đã làm từ lâu nhưng phương tiện công cộng của họ đã tốt. Do đó khi đổi giờ, người đi làm hoặc học sinh chỉ cần lên xe buýt hay tàu điện để đi không cần người thân đưa đón.
Còn ở Hà Nội, dự án tàu điện trên cao từ Nhổn đi ga Hà Nội khởi động từ lâu, nhưng tới nay vẫn chưa tới đâu. Là một chuyên gia giao thông đô thị, tiến sỹ Thủy chia sẻ cụ thể: “Mỗi năm, Bộ GTVT được cấp từ 25-30 nghìn tỷ đồng.
Vấn đề là bộ này dành bao nhiêu cho giao thông đô thị, thay vì đầu tư cho sân bay, đường cao tốc... những hạ tầng chưa bức thiết bằng.
Chiều 2-2, trao đổi với Tiền Phong, Trưởng phòng CSGT Hà Nội Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết chưa thể đánh giá hết tình hình hiện tại dù buổi sáng đường phố thông, chiều hơi ùn ứ một số nơi.
Mời bạn đọc tham gia chuyên mục ỐNG KÍNH GIAO THÔNG Hưởng ứng năm thiết lập kỷ cương, trật tự an toàn giao thông (ATGT) 2012, báo Tiền Phong phối hợp Ủy ban ATGT Quốc gia mở chuyên mục ỐNG KÍNH GIAO THÔNG. Chuyên mục sẽ chuyển tải những thông tin nóng hổi nhất về ATGT trên cả nước: Từ chính sách, quy định mới của pháp luật về ATGT; Những bất cập trong tổ chức giao thông, biển báo. Bạn đọc cả nước có thể tham gia chuyên mục bằng cách gọi đến số điện thoại 0915.062.664 hoặc gửi tin, bài, ảnh, video qua email: giaothongtp@gmail.com. |