Sáng 26/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan hành chính đã tiếp gần 256 nghìn lượt người về hơn 206 nghìn vụ việc.
Đối với TAND các cấp đã tiếp 430 lượt người về 380 vụ việc; VKSND các cấp tiếp 7 lượt người, trong khi đó, Kiểm toán nhà nước không có công dân đến khiếu nại tố cáo.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong |
Chính phủ cho hay, tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền đạt 81,4%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 83%.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện mới có 45/63 địa phương gửi kết quả báo cáo, dẫn đến khó đánh giá sát được tình hình.
Để tăng cường kỷ luật công vụ, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, chấn chỉnh không để lặp lại tình trạng này trong năm sau.
Thường trực Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị các cơ quan xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt cần thực hiện trong năm 2025, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu thực tế.
Chỉ rõ cơ quan ít tiếp công dân
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ chấn chỉnh việc chậm gửi báo cáo. Đồng thời, bà Nga cũng đề nghị chỉ rõ các trường hợp tiếp công dân tốt cũng như ít tiếp công dân.
Nói về tình trạng đơn trùng, bà Nga cho biết, có trường hợp photo hàng tạ đơn, gửi đến rất nhiều cơ quan, trả lời đơn lòng vòng. Do vậy, phải có phần mềm lọc đơn trùng, qua đó biết đơn nào đang giải quyết, đã giải quyết và đang ở giai đoạn nào để công dân nắm rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng việc báo cáo của một số địa phương không đúng thời gian dẫn đến rất khó đánh giá. Vì vậy, đề nghị Thanh tra Chính phủ công khai lên cổng thông tin và báo chí.
"Tại sao còn mười mấy đơn vị không báo cáo? Sức mạnh của giám sát là công khai, minh bạch, khuyến cáo, kiến nghị, cảnh tỉnh, răn đe. Cần công khai lên cho người dân thấy", ông Phương nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, với những trường hợp Ban tiếp công dân mời người đứng đầu mà không đến cũng cần phải công khai. “Mời lãnh đạo tỉnh, chủ tịch hay phó chủ tịch UBND tỉnh đến để giải quyết, không đến là công khai trên báo chí”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quang Phương, việc này phải rõ ràng và Chính phủ cần có công văn phê bình, cấp ủy, chính quyền kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm. “Cứ công khai lên, nếu còn ngại ngùng, sợ va chạm, cứ để kéo dài mãi, làm sao giải quyết dứt điểm được", ông Phương nêu rõ.
Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong lý giải, việc các địa phương chậm gửi báo cáo vì đây là năm đầu thực hiện quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với yêu cầu mới về thời gian tổng hợp số liệu.
Theo ông năm đầu tiên này chỉ nên coi là “năm nháp”, chứ chưa phải chính thức. Vì thế, ông mong nhận được sự chia sẻ, và khẳng định trong năm tới sẽ có báo cáo đầy đủ, nếu có thì sẽ công khai trong năm 2025.
Về trách nhiệm tiếp công dân, ông Phong nêu rõ, theo quy định của luật, bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh mỗi tháng tiếp công dân 1 ngày. Ông cũng chỉ rõ số lượng ngày tiếp của các bộ trưởng đang tính theo 21 bộ, ngành, 45 địa phương và trong 10 tháng. "Báo cáo đã toát lên việc tiếp công dân của người đứng đầu, tức là bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp, kể cả tiếp trực tiếp, ủy quyền", ông Phong cho hay.