Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định cần làm rõ các hình thức xử lý đối với người có thẩm quyền xử phạt VPHC khi ra quyết định xử phạt sai như vậy.
Về trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý VPHC, Khoản 2 Điều 16 Luật Xử lý VPHC quy định: “Người có thẩm quyền xử lý VPHC mà sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản khác của người vi phạm, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng tính chất, mức độ vi phạm, không đúng thẩm quyền, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng quy định như vậy là chung chung, chưa có hình thức xử lý cụ thể.
Bà lấy ví dụ, có trường hợp đáng ra phải bị phạt 20 triệu đồng nhưng chỉ phạt 10 triệu đồng, hoặc phải tịch thu tang vật nhưng quyết định xử phạt lại không nêu việc này, vẫn chưa có căn cứ nào để xử lý những người ra quyết định sai.
Cũng tại buổi họp, nhiều ý kiến bàn về thủ tục nộp tiền phạt. Điều 78 của luật quy định thủ tục nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước.
Dự thảo Nghị định dự kiến đưa thêm vấn đề ủy thác nộp tiền phạt, trách nhiệm của ngân hàng trong vấn đề chuyển khoản và ủy thác.
Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Tài chính nêu ý kiến ủng hộ nộp tiền phạt qua tài khoản, ủy thác.
Vị này lấy ví dụ: Nếu lái xe từ Hà Nội vào miền Trung vi phạm bị xử phạt, sau đó, người vi phạm lại từ Hà Nội vào miền Trung lần nữa để nộp phạt, gây khó khăn tốn kém.
Một vấn đề nữa cũng được nhiều đại biểu quan tâm, là nên hay không công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính? Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng cần cân nhắc, bởi lấy tiền ở đâu để đăng tin.
Mặt khác, người vi phạm có thể còn khiếu nại rằng họ đã nộp tiền sao còn bêu riếu tên họ lên báo.