Cần chú trọng dân chủ trong Đảng

Ông Phạm Thế Duyệt trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh: CN
Ông Phạm Thế Duyệt trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh: CN
TP - Tin tưởng và đánh giá cao Nghị quyết T.Ư 4, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ vẫn phải giữ vững, nhưng lúc này cần làm mạnh về dân chủ thì mới phát huy được trí tuệ của toàn Đảng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

> Cần nhanh chóng làm rõ đúng sai

Ông Phạm Thế Duyệt trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh: CN
Ông Phạm Thế Duyệt trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh: CN.

Nghị quyết rất đúng lòng dân

Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với phương châm nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhân dân cả nước. Từng kinh qua những vị trí lãnh đạo cao cấp của Đảng, ông có nhìn nhận gì về vấn đề này ?

Tôi theo dõi từ khi Trung ương còn đang họp, từ bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi khai mạc, bế mạc cũng khá rõ, nhưng khi có Nghị quyết ban hành chính thức thì tôi đánh giá là rất tốt. Nói gì thì nói chứ chẳng ai nghĩ hơn thế, những vấn đề nhận thức đặt ra phải làm trong Nghị quyết nói cũng khá rõ, những vấn đề trọng tâm, bước đi, cách làm cũng nói khá rõ. Tôi thấy rất mừng !

Nói như vậy là vì tôi từng có trách nhiệm trong việc triển khai và ban hành Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, khóa VIII về Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nên rất hiểu từ đó cho đến nay làm chưa được bao nhiêu, làm chưa tốt. Mặc dù chúng ta có nhiều tiến bộ về kinh tế - xã hội, về hội nhập, đối ngoại nhưng rõ ràng về xây dựng Đảng vẫn tồn tại rất nhiều yếu kém. Phải nhìn thẳng sự thật như thế, không thể nói khác được, đừng nên tránh né.

Cho nên khi Trung ương ra được Nghị quyết này là rất đúng lòng dân, đúng với tinh thần của Đảng, với những việc cần phải làm để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Nó khá rõ cả, nói cái gì nhiều cũng không cần thiết mà cũng không thể nói khác được với Nghị quyết đó.

Tôi rất hoan nghênh Trung ương khóa XI đã ra Nghị quyết này với quyết tâm giải quyết những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng nhất là vấn đề tổ chức, vấn đề cán bộ, vấn đề người đứng đầu...

Tôi nghĩ nhân dân vẫn tin ở Đảng, mong Đảng giữ được vị trí lãnh đạo hơn 80 năm nay để xứng đáng với truyền thống của những bậc tiền bối, nhất là Bác Hồ đã xây dựng Đảng, đúng với mong muốn của nhân dân. Xu thế hội nhập này nhiều nhận thức phức tạp lắm, Đảng nhất định phải vững vàng, phải có bản lĩnh, trình độ và uy tín với dân, uy tín trong nước, ngoài nước.

Nghị quyết vừa rồi là rất tốt, báo chí nên tập trung khai thác, tuyên truyền những khía cạnh của vấn đề chứ không cần phải bàn nhiều nữa. Tôi chỉ mong rằng, Đảng ta lãnh đạo cả hệ thống chính trị, nên Đảng cần làm cho cả hệ thống chính trị đều mạnh, đều hiệu quả, hữu ích, hệ thống chính trị ở đây chính là tổ chức cán bộ chứ không gì khác.

Đảng lãnh đạo ra lãnh đạo, Nhà nước quản lý trong đó có lập pháp, hành pháp, tư pháp cho thật rõ ràng, Mặt trận và các đoàn thể đại diện cho dân có vị trí rõ ràng, đừng hình thức, đừng để vô vị, theo kiểu bảo gì làm nấy thì nó mất tác dụng, mà như thế Đảng không thể mạnh được.

Xây dựng chỉnh đốn Đảng không phải là chỉ nói vấn đề của Đảng, mà phải làm thế nào để các cơ quan tổ chức ngoài Đảng cũng phải hoạt động thực chất, không hình thức. Ai cũng có nhiệm vụ rõ ràng, đừng có ai hình thức. Cho nên những người đã từng kinh qua như tôi, đôi khi nghĩ đến những chỗ nào còn hình thức thì thấy buồn lắm, không thể vui được. Đã là hình thức thì còn mang lại kết quả gì nữa, mà hình thức thì ai chả biết !

“Kiểm điểm từ trên xuống, chỉ ra ai chịu trách nhiệm mới trúng”

Trong quá khứ, Đảng ta đã thực hiện chỉnh đốn nhiều lần. Lần này Nghị quyết nêu rõ quyết tâm chính trị rất cao với phương châm làm từ trên xuống: “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo”. Theo ông để làm được việc này có khó không ?

Đó mới là thử thách của Đảng. Việc đó là khó, đừng nói là dễ, nói rất khó cũng được nhưng không phải không làm được. Nếu là bản chất Đảng Cộng sản thì không thể không làm được, bản chất theo tư tưởng của Bác Hồ thì không thể không làm được, bản chất với truyền thống của những người đại diện cho đội tiền phong của nhân dân Việt Nam, của giai cấp công nhân, của những người lao động, của trí tuệ Việt Nam thì không thể không làm được. Những gì đến nay không làm được thì phải tìm cho ra nhẽ mà thực hiện.

Còn cách làm thì phải từ trên xuống, nhấn mạnh cái đó là đúng, trên không làm tốt thì dưới không thể làm tốt được. Thời gian qua có nhiều nguyên nhân làm không tốt. Thứ nhất, tôi cho rằng có nguyên nhân là trên không nghiêm, không làm tốt từ các đồng chí có trách nhiệm chính cho nên không làm được bên dưới. Không làm tốt ở Đảng thì không thể làm tốt ở Chính phủ, không làm tốt được ở Đảng thì không thể làm tốt ở Quốc hội, không làm tốt ở Đảng thì không thể làm tốt ở Mặt trận và các đoàn thể.

Nghị quyết cũng nêu lên các giải pháp nhằm tăng cường dân chủ trong Đảng, trong đó có việc “Ban hành quy chế để hằng năm Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban chấp hành đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên ban thường vụ cấp ủy cấp mình”. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Cái đó là điều tất yếu phải làm. Nhưng Đảng phải chủ trương cho rõ, vấn đề phản biện xã hội, vấn đề giám sát, hai cái này phải làm chặt chẽ, thể chế hóa thành pháp luật để làm. Quốc hội giám sát, phản biện những cái gì ? Ông là Ủy viên Trung ương nhưng ông ngồi vào đây là Đại biểu Quốc hội thì phải làm gì, có quyền gì thì mới dám nói, chứ nếu không chỉ để cho mấy ông chuyên nghiệp nói, cứ thế nói đi nói lại, chẳng ai nói cả, biết cũng không nói.

“Từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị tự kiểm điểm, tự phê bình là rất tốt nhưng cố gắng hãy tự mình viết lấy bản tự kiểm điểm... Tôi chưa bao giờ để những người giúp việc nói hộ mình, viết hộ mình. Có thế thì nói mới thật chứ tự phê bình mà toàn để cho người khác chuẩn bị hộ, ra đó nói mấy câu thì chẳng có ý nghĩa gì cả”- Nguyên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt.

Vấn đề là phải phát huy được dân chủ. Dân chủ là chìa khóa, là điều lý giải vì sao chúng ta với một Đảng lãnh đạo mà vẫn vững vàng, được lòng dân, vẫn phát huy được trí tuệ của toàn đảng, toàn dân.

Phản biện xã hội và giám sát tốt tức là đã thực hiện tốt dân chủ. Dân chủ ở đây là dân chủ có lãnh đạo chứ không phải dân chủ, vô nguyên tắc.

Theo tôi nguyên tắc “tập trung dân chủ” vẫn phải giữ vững, nhưng lúc này phải làm mạnh về dân chủ thì mới phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Kiểm điểm từ trên xuống là đúng, nhưng nếu cách làm không cẩn thận sẽ lại rơi vào hình thức, không trúng. Ví dụ Bộ Chính trị mới được một năm, mới bắt đầu thì khó mà kiểm điểm được nhiều, trong khi có những vấn đề liên quan đến các khóa trước, trách nhiệm của khóa trước thì cũng phải kiểm điểm, làm rõ. Như thế thì việc kiểm điểm mới trúng.

Trong trường hợp là Bộ Chính trị thì các đồng chí cũ còn ở lại có trách nhiệm rất lớn, phải kiểm điểm sâu sắc trách nhiệm về công việc mà thời gian qua mình đã gánh vác, về việc mà Bộ Chính trị đã phân công cho mình. Tôi muốn nói cách kiểm điểm từ trên xuống, từ người đứng đầu xuống đều đúng cả, nhưng mà kiểm điểm việc gì, ai làm, ai chịu trách nhiệm thì mới trúng.

Một điều nữa là từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị tự kiểm điểm, tự phê bình là rất tốt nhưng cố gắng hãy tự mình viết lấy bản tự kiểm điểm, đừng nên chỉ kiểm điểm với mấy chữ gạch đầu dòng, qua loa. Tự nghĩ ngợi, suy ngẫm về những khuyết điểm của mình, như thế mới là làm thật, mới là của mình. Chứ nếu cứ để văn phòng giúp việc làm thì khó mà có giá trị thực chất được.

Tôi nói đây là từ bản thân chúng tôi đã kinh qua cái đó. Tôi chưa bao giờ để những người giúp việc nói hộ mình, viết hộ mình. Có thế thì nói mới thật chứ tự phê bình mà toàn để cho người khác chuẩn bị hộ, ra đó nói mấy câu thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Thực tế đã có như thế, yêu cầu cấp dưới làm thì thường rất nghiêm nhưng trên thì làm đơn giản, sơ sài. Lý do thường được đưa ra là mắc công việc nọ kia nhưng thực ra cũng là vì nể nang nhau, nếu chuẩn bị tốt rồi thì hẵng phê bình, không nên vội.

Cuối cùng, các cơ quan tham mưu, các tổ chức trong hệ thống như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo... hãy cố gắng phản ánh cho Bộ Chính trị, cho các cấp ủy những thông tin tin cậy, thẳng thắn, có trách nhiệm, trung thực, có tính đấu tranh rõ ràng để khi kiểm điểm không phải chỉ có bản kiểm điểm của Bộ Chính trị, của cá nhân đồng chí này kia mà sẽ có thông tin đầy đủ từ nhiều phía khác nhau.

“Bản thân tôi cũng có phần trách nhiệm”

Thời ông còn đương chức thì công tác phê và tự phê ở cấp cao ra sao ?

Về ý thức thì bao giờ cũng nêu đúng nhưng rõ ràng thực hiện chưa tốt, mình phải nói như thế. Tùy mức độ nhưng tôi nói đây không phải tùy tiện đâu mà thực sự tôi đánh giá, vì tôi cũng dự nhiều cuộc kiểm điểm của Ban Bí thư từ khóa VI, khóa VII, khóa VIII, tôi hiểu, trước đây các đồng chí cũng rất nghiêm túc, cũng rất mạnh mẽ nhưng chất lượng theo tôi chưa phải là tốt.

Trách nhiệm càng lớn càng phải chuẩn bị kiểm điểm kỹ càng, những điều cần phải suy nghĩ, phải lãnh đạo, làm gương. Đó là điều phải rút kinh nghiệm. Những điều này tôi cũng đã nói với nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, và tôi cũng ý thức được rằng bản thân mình có phần trách nhiệm cho những tồn tại, yếu kém của ngày hôm nay.

Nghị quyết T.Ư 4 vừa rồi có đề cập việc đề bạt cán bộ phải trình bày đề án, chương trình hành động của ứng cử viên, các nước làm nhiều nhưng ta từ xưa đến nay hình như mình chưa làm ?

Điều này rất tốt. Đảng làm công tác cán bộ qua đề bạt thì phải thực thi dân chủ. Còn muốn khảo sát cán bộ có đủ tầm hay không thì phải có trình bày đề án, chương trình hành động. Lựa chọn một cán bộ phải có sự thẩm định xem xét kỹ, từ những người có liên quan cho đến chương trình hành động của cán bộ.

Rồi phải trình bày và bảo vệ chương trình hành động đó, đây là điều rất quan trọng vì qua khả năng trình bày, hùng biện, người đó mới chứng tỏ được bản lĩnh thật, trình độ thật của mình.

Việt Hùng- Cao Nhật thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Techcombank cùng 33 anh tài “hâm nóng” không khí tại Vinhomes Ocean Park 3, bất chấp nhiệt độ ngoài trời 15 độ
Techcombank cùng 33 anh tài “hâm nóng” không khí tại Vinhomes Ocean Park 3, bất chấp nhiệt độ ngoài trời 15 độ
Ngay từ sáng sớm, khu vực tổ chức concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai tại Vinhomes Ocean Park 3 đã đón một lượng lớn khán giả tập trung, háo hức chờ đến giờ check-in. Người hâm mộ đã sẵn sàng cho một bữa tiệc âm nhạc bùng nổ, “thủng nóc, bay trần, tung trời” cùng 33 Anh tài, ban tổ chức và nhà đồng đầu tư – ngân hàng Techcombank.
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.