'Cần câu' bền vững từ bảo tồn cây bản địa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các tổ chức, nhóm bảo tồn đa dạng sinh học ở miền Trung đã trao những “cần câu” bền vững cho người dân địa phương thông qua việc bảo tồn và ươm trồng các loài cây bản địa quý hiếm.

Đầu năm 2023, Quỹ hỗ trợ phụ nữ (HPN) phát triển tỉnh Quảng Bình triển khai dự án “Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh”. Tổ hợp tác được thành lập sau đó với 35 thành viên do HPN xã Hải Ninh quản lý. Đây là nhóm nòng cốt trong truyền thông, quản lý, hướng dẫn các kỹ thuật trồng, bảo tồn Sa Sâm bản địa.

'Cần câu' bền vững từ bảo tồn cây bản địa ảnh 1

Các chuyên gia hướng dẫn thành viên Tổ hợp tác kỹ thuật trồng sa sâm cũng như xây dựng vườn ươm giống sa sâm ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)

Theo ông Nguyễn Công Huy, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình, sa sâm vốn là một loại dược liệu quý trong tự nhiên trên vùng đất cát xã Hải Ninh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của môi trường, loài dược liệu này có nguy cơ tuyệt chủng.

Vườn ươm giống Sa Sâm đầu tiên được xây dựng trên vùng đất cát xã Hải Ninh với diện tích 200m2. Chỉ sau 2 tháng chăm sóc, vườm ươm đã cung cấp được 10.400 cây giống đạt tiêu chuẩn cho các hộ trồng thí điểm. Ngay sau đó, 2 đợt trồng sa sâm thí điểm được triển khai, mỗi đợt cách nhau một tháng tại 6 hộ dân của 4 thôn trên địa bàn xã Hải Ninh với tổng diện tích 800m2.

'Cần câu' bền vững từ bảo tồn cây bản địa ảnh 2

Sa sâm Hải Ninh là sản phẩm VietGap và được bán ra thị trường với nhiều hình thức như: sa sâm tươi, trà sa sâm…

Qua 9 tháng triển khai, hiện, diện tích vườn sa sâm được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ ở Hải Ninh là 2.500m2 tại các thôn Tân Định, Tân Hải, Hiền Trung, Cửa Thôn… Trong tháng 8 và tháng 9/2023, sản lượng thu hoạch sa sâm của xã là 170 kg lá và 15 kg thân.

Cũng từ đầu năm 2023, mô hình bảo tồn và phát triển cây thuốc nam của bà con Cơ Tu ở Huế được Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) được triển khai tại xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông, tỉnh TT- Huế) - thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã. Với mục tiêu bảo tồn cây thuốc nam thông qua thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương, dự án đã tổ chức được 4 đợt khảo sát sự phân bố của các loài cây thuốc nam với sự tham gia của các BQL rừng cộng đồng Cha Măng, Mụ Nằm, La Hố, Dỗi (xã Thượng Lộ).

Trong các đợt sưu tầm này, người dân thu thập được nhiều loài thuốc nam quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng như: lá khôi tía, hoàng đằng, vàng đắng, bổ béo trắng, sâm xuyên đá, râu hùm…. Bên cạnh đó, một số loại cây thuốc nam mà trước đây cộng đồng người Cơ Tu địa phương chưa từng biết đến cũng được phát hiện như: sâm xuyên đá, ba kích vàng, vàng đắng…

Đó là 2 trong nhiều dự án ở khu vực miền Trung nhận được sự hỗ trợ từ dự án Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững TP Đà Nẵng” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng làm chủ dự án, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Viện Gustav-Stresemann (GSI) phối hợp thực hiện với nguồn tài trợ đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Trong 42 tháng thực hiện (từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2023), dự án tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho 25 sáng kiến, dự án liên quan. Trong đó, có nhiều dự án tạo sinh kế bền vững cho các nhóm yếu thế tại địa phương gắn với hoạt động bảo tồn các giống cây bản địa.

MỚI - NÓNG