Cán bộ tiếp tay, nhận hối lộ, làm ngơ cho các đối tượng gây bức xúc dư luận

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, xảy ra trong thời gian dài gây bức xúc trong dư luận còn xảy ra.
Cán bộ tiếp tay, nhận hối lộ, làm ngơ cho các đối tượng gây bức xúc dư luận ảnh 1

Ủy viên Thường trực UBTP Nguyễn Công Long

Sáng 9/9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 7. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Ủy viên Thường trực UBTP Nguyễn Công Long cho biết, tổng số vụ phạm pháp về trật tự xã hội xảy ra 33.693 vụ (giảm 9,75%); thiệt hại về kinh tế hơn 1,3 triệu tỷ đồng (giảm 18,12%).

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 396 vụ, tăng 33,33%, chứng tỏ công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngày càng làm quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn. Đáng chú ý là số vụ tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tăng cao.

"Đặc biệt, tội nhận hối lộ trước đây thường khó phát hiện, khó chứng minh, nay nhờ sự tăng cường giám sát của nhân dân, sự tích cực của cơ quan chức năng nên số lượng phát hiện nhiều hơn", ông Long nhận định.

Đáng lưu ý, thời gian qua nổi lên một số vụ án có quy mô, phạm vi đặc biệt lớn, như các vụ án mua bán, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước. Đặc biệt, liên quan các vụ việc trên còn có cả những bị can nguyên là cán bộ cấp cao đã lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi.

"Vẫn xảy ra tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, xảy ra trong thời gian dài gây bức xúc trong dư luận", Ủy viên Thường trực UBTP nhấn mạnh.

Cán bộ tiếp tay, nhận hối lộ, làm ngơ cho các đối tượng gây bức xúc dư luận ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM)

Còn bao nhiêu vụ tương tự vụ Việt Á, Cục Lãnh sự...?

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề cập đến tình trạng cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước nhận hoa hồng, nhận hối lộ, quà cáp trong thi hành công vụ, điển hình trong vụ Việt Á, Cục Lãnh sự, vụ án xảy ra tại FLC, Tân Hoàng Minh… Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, có thể đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Còn bao nhiêu vụ việc tương tự đang diễn ra mà chưa được phát hiện?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Đáng lưu ý, vụ Việt Á, Cục Lãnh sự, hay FLC, Tân Hoàng Minh cũng có cán bộ công chức tham gia, nên phải nêu ra cho đúng tính chất, mức độ, chứ không chỉ là con số tăng hay giảm… “Người được đưa lên rất cao, rồi lại đứng trước vành móng ngựa”, trước thực trạng này, theo ông Nghĩa, vấn đề phòng chống tội phạm trong trong cán bộ, công chức.

“Hàng nghìn cán bộ, công chức liên quan bị án tù rất đau xót. Ngăn chặn từ sớm, từ xa thì bao nhiêu tổn thất chúng ta có thể tránh được. Còn xảy ra rồi mới xử lý, bỏ tù, kiểm tra, kỷ luật, đó là vế thứ hai”, ông Nghĩa cho hay.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) quan tâm đến tình trạng thờ ơ, vô cảm của lãnh đạo UBND tỉnh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Qua tiếp dân hàng tháng, ông cho biết, người dân đều phản ánh sau khi gặp tiếp xúc với Chủ tịch UBND họ đều thấy không thoải mái, và còn bức xúc hơn. Rồi người dân tiếp tục khởi kiện ra toà, dù là chủ thể bị kiện nhưng lãnh đạo tỉnh lại không đến dự phiên toà, càng gây bức xúc hơn.

Đại biểu đề nghị cần đánh giá rõ hơn thực trạng trên. “Cần làm rõ số lượng cụ thể bao nhiêu vụ Chủ tịch UBND không tham dự phiên toà, nếu cần thiết phải chỉ rõ ra”, ông Tuấn cho hay.

Liên quan đến vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc, đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, không thể chấp nhận quán karaoke cháy làm chết 33 người như vừa qua. Vụ việc xảy ra rồi, giờ mới đi rà soát, kiểm tra, như vậy không giải quyết được cái gốc của vấn đề.

“Báo chí phản ánh, quán karaoke này năm nào cũng kiểm tra. Phòng ngừa ở đây không phải đi kiểm tra mỗi năm mấy lần, tất nhiên, kiểm tra là đúng, nhưng khi xuống cơ sở, họ cũng làm đúng, không phát hiện vi phạm, nhưng khi đoàn kiểm tra về rồi, họ mới làm chuyện nọ chuyện kia, rồi lúc nào đó lại xảy ra hoả hoạn”, theo ông Nghĩa, phòng ngừa ngăn chặn ngay từ đầu không xảy ra là vấn đề phải suy nghĩ và cần có biện pháp khác.

MỚI - NÓNG