> Muốn tịch thu tài sản bất minh phải bổ sung luật
Cụ thể, Chính phủ có thêm một số đề xuất như: Quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý; mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả những người có chức vụ, quyền hạn...
Một trong những giải pháp khá mới là, cán bộ, công chức khi mua những tài sản giá trị lớn phải thanh toán qua tài khoản; bổ sung quy định về việc trong một số trường hợp cụ thể sẽ xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo khi chưa bị phát hiện; quy định việc điều động khỏi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn để xem xét giải quyết tố cáo hoặc khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng cần tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Ngoài ra, sẽ bổ sung một số quy định về trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; hoàn thiện chính sách hình sự đối với tội phạm tham nhũng...
Theo Báo cáo của Chính phủ, 5 năm qua, có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, kỷ luật 577 trường hợp: Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đắk Lắk(38 người), Cao Bằng (31 người)…
Cũng trong 5 năm qua, đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo; đã thu hồi về ngân sách nhà nước 1.061,6 tỷ đồng, 218,8 ha đất.