Cán bộ kiểm lâm tố bị 'nhà xe' giam giữ, hành hung

Anh Lê Duy Trọng và những vết thương trên cổ. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Anh Lê Duy Trọng và những vết thương trên cổ. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO – Ông Lê Duy Trọng - công tác tại Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy Chữa cháy Rừng số 1 Thanh Hóa - tố cáo bị "nhà xe" giam giữ, nhiều lần hành hung trên chuyến xe mang BKS 29Z–6945.
Anh Lê Duy Trọng và những vết thương trên cổ. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Anh Lê Duy Trọng và những vết thương trên cổ. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Hành khách: Tôi bị đánh!

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) sáng nay (10-2), ông Lê Duy Trọng (SN 1982, trú tại xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), có nhiều vết xước trên người, cho biết:

Sáng 8-2, ông nhận nhiệm vụ vào Thừa Thiên Huế công tác. Chiều 9-2, ông mua vé giường nằm đi xe khách loại 45 chỗ mang BKS 29Z-6945, của Công ty TNHH Du lịch Lạc Đà (Camel Travel), từ Huế ra Hà Nội.

Xe chuyển bánh lúc 17h cùng ngày. Đến khoảng 3h sáng (10-2), xe đến địa phận huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa thì bị lực lượng CSGT cùng Kiểm lâm yêu cầu dừng, kiểm tra (trước đó lực lượng này nhận được tin báo trên xe có chở lâm sản).

Sau khi kiểm tra, lực lượng liên ngành không phát hiện lâm sản nên xe tiếp tục chuyển bánh.

Khi đến địa phận tỉnh Ninh Bình, ông Trọng muốn xuống xe nhưng “lái xe không những không cho tôi xuống mà còn đổi lái cho phụ xe, rồi lôi tôi ra đánh đập. Lái xe này dùng tay, chân liên tiếp đấm đá vào người khiến tôi bị thương nhiều chỗ và còn bị nhà xe ép đi về Hà Nội” – ông Trọng nói.

Vết thương trên cổ anh Trọng do bị nhà xe hành hung. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Vết thương trên cổ ông Trọng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Cũng theo ông Trọng, “trên đường đi, nhiều lần tôi xin xuống nhưng mỗi lần như vậy đều bị lái xe đánh đập. Lái xe không cho tôi gọi điện thoại cầu cứu và tôi cũng không dám gọi, sợ bị đánh tiếp. Sau đó, tôi bí mật nhắn tin cầu cứu với lãnh đạo Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy Chữa cháy số 1 Thanh Hóa”.

“Lái xe vu khống tôi ăn cắp đồ trên xe rồi đánh đập. Tôi đã cởi hết đồ đạc cho lái xe kiểm tra nhưng không có gì, nhà xe vẫn không cho tôi xuống xe mà bắt ra Hà Nội".

"Đến gần trụ sở Công ty TNHH Du lịch Lạc Đà trên đường Trần Khất Chân, lái xe gọi thêm một người, tiếp tục lôi tôi ra đánh... Sau đó, họ lôi tôi vào phòng Giám đốc Công ty Lạc Đà, một lúc sau thì Cảnh sát 113 đến giải cứu, đưa tôi về công an phường Thanh Nhàn trình báo” – Ông Trọng kể tiếp.

Theo hành khách này, “nhiều lần làm nhiệm vụ, kiểm tra xe khách chở lâm sản..., nên có thể họ nhận ra tôi là cán bộ kiểm lâm... Khi bị kiểm tra ở Thanh Hóa, có thể họ nghĩ tôi thông báo cho lực lượng chức năng nên vu khống tôi ăn cắp để hành hung ”.

Ông Hoàng Quốc Tuế - Giám đốc công ty TNHH Du lịch Lạc Đà trao đổi với phóng viên. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Ông Hoàng Quốc Tuế - Giám đốc công ty TNHH Du lịch Lạc Đà trao đổi với phóng viên. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

"Nhà xe": Không có chuyện hành hung

Trung tá Vũ Hữu Việt - Trưởng Công an phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay:

“Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát 113, đến trụ sở Công ty TNHH Du lịch Lạc Đà. Tại đây, chúng tôi thấy anh Trọng đang nói chuyện với Giám đốc công ty này.

Chúng tôi đã đưa anh Trọng về trụ sở Công an phường Thanh Nhàn để trình báo vụ việc, đồng thời mời lái xe đã hành hung anh Trọng lên làm việc. Sơ bộ, chúng tôi đã nắm bắt được vụ việc và đang tiến hành điều tra”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Quốc Tuế - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Lạc Đà (trụ sở tại 459 Trần Khất Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tài xế chuyến xe đó là Hoàng Quốc Tuấn. Không có chuyện lái xe của chúng tôi hành hung hành khách mà chỉ là hai bên giằng co, dẫn đến thương tích của anh Trọng".

Ông Tuế nói rằng: "Sau khi anh Trọng về đến trụ sở công ty, tôi đã đuổi lái xe ra ngoài và mời anh Trọng vào trong phòng làm việc nói chuyện. Tôi ghi lại địa chỉ, thông tin của hành khách này. Kiểm tra điện thoại của ông ta thấy có nhiều cuộc liên lạc với lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa. Vừa được khoảng năm phút thì Cảnh sát 113 đến làm việc”.

Theo ông Tuế: Khoảng 3h20 sáng nay (10-2), một cán bộ pháp chế thuộc Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy Chữa cháy Rừng số 1 Thanh Hóa gọi điện báo rằng, họ nhận được nguồn tin của nhân dân về chiếc xe 29Z-6945 chở lâm sản trái phép, yêu cầu tài xế dừng xe để thực hiện lệnh khám theo yêu cầu của giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa.

“Tài xế Hoàng Quốc Tuấn yêu cầu cán bộ kiểm lâm lên xe đọc lệnh khám cho tất cả hành khách nghe, sau đó mới có thể tiến hành khám xe. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm không lên xe đọc. Ông Tuấn yêu cầu xem lệnh, lực lượng kiểm lâm giơ ra cho ông Tuấn xem qua” – ông Tuế nói.

“Tài xế trình bày rằng, chỉ thấy có dấu đỏ, không có chữ ký ở lệnh khám xe nên không cho khám xe. Sau đó, anh Tiến (cán bộ pháp chế thuộc Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy Chữa cháy Rừng số 1 Thanh Hóa - PV) gọi điện cho tôi và tôi yêu cầu lái xe để lực lượng kiểm lâm khám xét theo lệnh” – ông Tuế kể.

Sau khi tiến hành khám xét toàn bộ xe nhưng không phát hiện lâm sản, hai bên ký biên bản khám xe rồi để xe tiếp tục hành trình.

Theo ông Tuế, trước thời gian xe bị khám ở Quảng Xương (Thanh Hóa), khi đi tới Quảng Bình, trong lúc tài xế xuống xếp xe máy của một hành khách vào cốp ô tô thì phát hiện một hành khách sờ đồ đạc, để ý hành lý của người khác.

“Khi xe bị lực lượng kiểm lâm kiểm tra, hành khách này vẫn ở trên xe. Sau đó, đến Ninh Bình, ông này lại đòi xuống. Tài xế nghi ngờ người này bắt xe từ Huế ra Hà Nội nhưng lại đòi xuống giữa đường, có biểu hiện lạ trước đó, hơn nữa lại sợ mất đồ đạc của khách nên kiên quyết không cho xuống xe. Hai bên xảy ra xô xát, giằng co. Sau đó, tài xế vẫn cho xe tiếp tục chạy về Hà Nội” – ông Tuế nói.

“Rất nhiều trường hợp đã đến trình báo với công ty chúng tôi rằng họ bị mất cắp ví tiền, điện thoại. Mới đây, lái xe Đinh Văn Đức của công ty phải đền hơn 10 triệu đồng cho trường hợp khách bị mất máy tính xách tay. Vì thế, chúng tôi phải cảnh giác tất cả các trường hợp” – ông Tuế chia sẻ.

Lý giải việc khi về gần đến trụ sở công ty, lái xe gọi thêm người hành hung khách, ông Tuế phủ nhận. “Thường thường, khi xe về đến Hà Nội thì có một người làm xe ôm hoặc lễ tân của một số khách sạn lên tiếp thị mời hành khách sử dụng dịch vụ của họ chứ không phải như lời anh Trọng nói” - ông Tuế nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.