Bất động sản là một trong những tài sản cần kê khai. Ảnh : Chinhphu.vn |
Thanh tra Chính phủ vừa có Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 của Chính phủ về Minh bạch tài sản, thu nhập.
Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 16/3/2010, các đối tượng có nghĩa vụ kê khai là những người có chức vụ từ Phó trưởng phòng UBND cấp huyện và tương đương trở lên, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện, trong các cơ quan quân đội, công an nhân dân (không phải là hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng),...
Ngoài ra, Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước,... cũng phải kê khai tài sản, thu nhập.
Kỷ luật khiển trách nếu kê khai chậm trên 15 ngày
Mức kỷ luật này áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai hoặc người có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo về vấn đề này nếu thực hiện chậm trên 15 ngày đến 30 ngày so với quy định.
Hình thức kỷ luật cảnh cáo sẽ được áp dụng đối với trường hợp kê khai chậm hoặc người có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo thực hiện chậm trên 30 đến 45 ngày. Ngoài ra có thể áp hình thức kỷ luật nặng hơn mức này đối với người chậm kê khai, chậm tổ chức việc kê khai, chậm báo cáo kết quả kê khai trên 45 ngày.
Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, tổng hợp kết quả kê khai, xác minh, kết luận công khai bản kết luận trong phạm vi cả nước.
Phải kê khai tài sản thường niên
Sau hơn 2 năm kể từ ngày thực hiện Nghị định 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, đến thời điểm cuối năm 2009 đã có 32 Bộ, cơ quan ở Trung ương và 26 địa phương hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2008. Trong đó, 388.404 người kê khai lần đầu, 238.455 người kê khai bổ sung.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý.
Việc công bố công khai tài sản của tất cả các cán bộ, công chức khi thực hiện kê khai đến đâu, sẽ do các cơ quan có trách nhiệm quyết định. Khi có yêu cầu về bổ nhiệm cán bộ, xác minh làm rõ theo đơn thư tố cáo, hoặc những việc mà cơ quan quản lý yêu cầu, sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh. Kết quả thẩm tra, xác minh nếu không đúng, người kê khai sẽ bị xử lý tội không trung thực.
Như vậy, với các quy định chặt chẽ được ban hành về minh bạch tài sản, điển hình như Nghị định 37/2007/NĐ-CP, Thông tư số số 2442/2007/TT-TTCP và đến tại thời điểm này là Thông tư số 1/2010/TT-TTCP, thì bản kê khai minh bạch tài sản của cán bộ, công chức là một trong những cơ sở để xác minh, phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Theo Chinhphu.vn