Logistics và quản lý chuỗi cung ứng hiện được đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động ở lĩnh vực xuất - nhập khẩu, vận tải hàng hóa, thu mua, cung ứng nguyên vật liệu, hải quan,… Nhiều trường đại học, học viện trên cả nước đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cũng là một hướng đào tạo đáp ứng xu thế chung phục vụ cho thị trường thương mại quốc tế. Hiện cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics và quản lý chuỗi cung ứng và con số này dự đoán sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Nhắc đến ngành học này, phải kể đến một đặc điểm mà nhiều thí sinh chung suy nghĩ, điểm trúng tuyển cao. Lý giải cho yếu tố này nhiều chuyên gia cho rằng, vì xu hướng tuyển dụng cao và đáp ứng ngành nghề nên thí sinh quan tâm theo học ngày càng nhiều, cạnh tranh cao dẫn đến điểm chuẩn theo đó cũng tăng.
Thống kê sơ bộ điểm trúng tuyển năm 2020 ở một số trường có thế mạnh đào tạo từ Bắc và Nam như Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh ngành này với điểm chuẩn 28, Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM đều ở mức 27,25 điểm. Tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), điểm chuẩn trúng tuyển theo kết quả thi THPT ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là 24.
Theo ThS. Đỗ Thị Thu Hà – Trưởng ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng UEF cho biết. “Mặc dù điểm xét tuyển ngành này cao nhưng đây cũng là cơ hội để bản thân các bạn trẻ nhận diện ra được tiềm năng của mình đối với ngành này, bởi Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là lĩnh vực đòi hỏi sự kết hợp khéo léo và có hệ thống kiến thức từ rất nhiều mảng, đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn với các kỹ năng toán học và giải quyết vấn đề, để từ đó người học có thể tích lũy được các kiến thức tổng hợp trong lĩnh vực kinh doanh”.
Điểm đầu vào cao đi liền với chất lượng đầu ra, sinh viên được cung cấp nền tảng kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu cùng kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, khả năng ngoại ngữ lưu loát, dễ dàng chinh phục mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thử thách đối với sinh viên, nhất là trong bước chọn lựa môi trường đào tạo phù hợp.
Các vị trí công việc dành cho người chọn học ngành này khá đa dạng. Sinh viên sau khi ra trường có thể đảm nhiệm các vị trí như Nhân viên xuất nhập khẩu, Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu, Nhân viên thu mua, Nhân viên quản lý hàng hóa, Nhân viên quản lý điều hành hoạt động vận tải, Nhân viên kinh doanh Logistics,…
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đưa ra kết quả khảo sát giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc, trong đó ngành Logistics chiếm 5% tương đương 15.000 việc làm ở lĩnh vực này.
Thí sinh có nhiều hướng lựa chọn ngành học này ở các trường bằng nhiều phương thức, trong đó có xét tuyển học bạ THPT hiện là cách thức phổ biến mà các bạn chọn xét tuyển. Hầu hết các trường đào tạo ngành này áp dụng xét học bạ để thí sinh nắm thêm cơ hội vào đại học, giảm tính cạnh tranh về điểm chuẩn so với một số phương thức khác.
ThS. Phạm Doãn Nguyên – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh UEF cũng đưa ra những lời khuyên bổ ích cho thí sinh khi lựa chọn xét tuyển bằng học bạ ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng: “Các bạn nên tranh thủ nộp hồ sơ sớm để được ưu tiên khi xét tuyển. Và khi đã trúng tuyển bằng phương thức nào thì nên thực hiện nhập học sớm, không nên “đứng núi này trông núi nọ” vì thường thì đợt đầu có thể đủ chỉ tiêu hoặc những đợt xét tuyển bổ sung sau điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn”.
Tại UEF, phương thức xét học bạ cũng là cách xét tuyển đại học được nhiều sự quan tâm từ phụ huynh và thí sinh. Đối với xét tuyển học bạ, trường xét theo 2 cách thức: theo tổ hợp 3 môn lớp 12 và theo tổng điểm trung bình học bạ THPT 5 học kỳ (không bao gồm học kỳ 2 của lớp 12).