Cách đây 61 năm, khi tôi mới chân ướt chân ráo từ Trung Quốc về và nhập học ở trường PTTH Việt Đức bây giờ, có nhiều sự kiện vui. Một là việc đổi tên trường. Sau hòa bình, ngôi trường ở số nhà 47 Lý Thường Kiệt có cái tên Trường con em cán bộ, năm đó Thủ tướng Đức Grotovon đã đến thăm trường, đi cùng có bác Phạm Văn Đồng và ngay sau đó nhà trường mang tên mới có 2 chữ Việt Đức. Hai là trường vinh dự đón vợ chồng nhà vô địch Olympic Emil Zatopek, chúng tôi xếp hàng hai bên và khi hai ông bà xuống xe bọn tôi hô to “Nhiệt liệt hoan nghênh 2 nhà thể thao Emil Zatopek và Dana Zatokpva” – Nhiệt liệt! Nhiệt liệt! Hai ông bà ra sân thực hiện một số động tác và bài tập thể dục tay không và với tạ, mọi người trầm trồ.
Năm ấy là năm cuộc chạy Việt dã Tiền Phong đầu tiên được tổ chức ở khu vực vườn Bách Thảo, Hà Nội, và trường tôi được cử 25 học sinh tham gia chạy cổ vũ. Thày dạy thể dục của trường là Bùi Hợi, một trong 2 tiền vệ của CLB Hoàng Diệu (người kia là An Hợi) dẫn bọn tôi đi bộ lên khu Bách Thảo, chờ cho các VĐV chính thức (gần 70 người) chạy đến thì nhập vào luôn. Buồn cười thật, bọn tôi chả có giày chạy, đứa quần dài đứa quần sooc và đa số chân đất và cứ việc chạy quanh núi Nùng hồi đó còn lởm chởm sỏi đá, có một ông gì đó cầm cái loa tay chỉ huy…mà không ngờ mình là chứng nhân một cuộc thi đấu có bề dày truyền thống vào hàng đầu của Việt Nam.
Những kỷ niệm này tôi đã từng chia sẻ trong một bài viết dành riêng cho báo Tiền Phong. Tôi cũng không biết ngày hôm ấy, trong đám “chính thức” kia có một nhân vật sau này được xem như huyền thoại của đường chạy marathon Việt Nam – đó là kiện tướng Bùi Lương. Sau đó ít lâu, tôi lại được trường trao cho cây đàn acorrdeon 96 bass – to nhất hồi ấy, để phục vụ việc văn nghệ nhà trường.
Lão tướng Bùi Lương, huyền thoại trên đường chạy Việt dã Tiền Phong (giải Marathon Tiền Phong)
Huyền thoại Bùi Lương và chiếc cúp đầu tiên của Tiền Phong Marathong.
...Ngót 10 năm sau, tôi gặp lại Bùi Lương khi chúng tôi là thành viên của đoàn TTVN đi tập huấn dài ngày ở Thượng Hải, anh Bùi Lương ở đội điền kinh còn tôi bóng rổ. 4 tháng trời khá nhiều kỷ niệm, vui nhất là tại ngày kỷ niệm lễ quốc khánh 2-9, đoàn TTVN có một đêm văn nghệ rất hoành tráng, mở đầu là hoạt cảnh “Cách mạng Tháng Tám” khá công phu. Một số “vai diễn” rất đạt là anh Lãng. HLV trường đội BC nữ vào vai tên sỹ quan Nhật rất giống, hai anh Hoạt (y sỹ) và Bùi Lương (ĐK) do gày gò nên tôi đã bố trí vào vai nông dân kéo cày, anh Dũng BC vào vai gã Tây đen cầm cây roi, các anh Khúc, Tư vào vai trí thức, nhóm bóng đá vào vai bộ đội còn Mạc Châu Lưu bên đội bóng bàn bé nhỏ được giả làm đội viên thiếu nhi tháng Tám, còn tôi ngồi ôm đàn chơi bài “19-8” cho tôp ca hát phụ họa.
Ngày chia tay, anh Bùi Lương tặng tôi cái ảnh đang chạy ở Nhổn và mấy câu thơ giản dị:
Vai kề tụ nghĩa dưới cờ/ Dây leo dậu quấn đậm đà tình thân/ Chí trai rực lửa thanh xuân/ Tới Lưu hình bóng thân tình của Lương.
Mấy năm trước, giải thể thao mang tên Cúp Chiền thắng do tôi là người khởi xướng, tôi đã gặp anh Bùi Lương rồi đã chúc mừng ông bạn nhận giải dành cho nhà thể thao trọn đời vì sự nghiệp.
Và năm nay, giải chạy báo Tiền Phong đã nâng cấp và tổ chức tại đảo Lý Sơn, tôi có may mắn được BTC mời tham dự, cùng ông bạn Bùi Lương năm nào. Thế là chúng tôi lại có thêm nhiều kỉ niệm bên nhau…
Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 61- năm 2020 chính thức khai mạc tại đảo Lý Sơn vào lúc 6 giờ ngày 5/7/2020, xuất phát từ hang Câu theo lộ trình dọc biển. Các VĐV chuyên nghiệp và phong trào sẽ thi đấu tranh giải cá nhân ở các cự ly: 42,195km marathon nam, nữ hệ tuyển và hệ phong trào; 21,1km bán marathon nam, nữ tuyển và phong trào; 10km nam tuyển, nam trẻ, nam, nữ phong trào; 5km nữ tuyển, nữ trẻ.