TPO - Trong buổi tọa đàm sáng ngày 4/4 về “Cấm xe máy tại Hà Nội: Giải pháp nào?”, ông Thân Văn Thanh - Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia - đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết.
Tại buổi tọa đàm Cấm xe máy tại Hà Nội: Giải pháp nào? do báo Tiền Phong tổ chức vào sáng nay (4/4), ngoài ý kiến từ các vị đại diện sở GTVT Hà Nội, phòng CSGT Hà Nội, nhiều đóng góp từ các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng thu hút được sự quan tâm.
Ngay từ khi bắt đầu phát biểu, ông Thân Văn Thanh - Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa ra một điều hết sức thực tế: "Từ nay đến năm 2030 còn 10 năm nữa, bây giờ tăng đầu tư mức độ xe buýt lên gấp đôi lại còn phải bù đắp cho số xe hết hạn hàng năm. Vậy thì nguồn lực và đầu tư không có gì đột biến có đáp ứng được không? Còn các phương tiện khác ở Hà Nội như đường sắt trên cao đều đang chậm tiến độ xây dựng. Như vậy, chúng ta phải lường trước được tính khả thi chứ không thể làm những gì mang tính chất đột biến".
Ông Thân Văn Thanh - Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại buổi tọa đàm do báo Tiền Phong tổ chức. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
Theo ông Thanh, các phương tiện công cộng hiện tại vẫn chưa đáp ứng được lưu lượng người dùng tăng cao nếu người dân bỏ xe máy. Trong khi đó, nguồn đầu tư cho các loại hình vận tải hành khách này sẽ phải tăng lên khá nhiều so với hiện nay. Thậm chí, ông Thanh cũng cho rằng "từ nay đến năm 2030, thì lực lượng xe buýt vẫn là chủ yếu, còn tàu điện metro hay các phương tiện khác cũng không thể đáp ứng".
Điều thứ hai mà Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia mang đến đó là phải cân nhắc tính khả thi của việc cải thiện vấn đề khi so sánh số lượng phương tiện tham gia giao thông với số người dân tại Thủ đô: "Hiện nay, Hà Nội đang có hơn 645.000 ôtô và khoảng 5,8 triệu xe máy đang hoạt động. Với thành phố 10 triệu dân, thì vấn đề này cũng phải tính cho khả thi".
Về việc dùng 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương để thí điểm "hạn chế xe máy", ông Thanh cũng chia sẻ đôi lời: "Tất cả các sự việc có tính chất xã hội cao đều cần thí điểm. Nhưng địa điểm và địa bàn thí điểm được chọn thường có mức độ trung bình chứ không ở nhưng nơi có cường độ cao. Hiện nay, hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương có mật độ giao thông rất lớn".
Nói thêm về vấn đề phương tiện công cộng, ông cũng đưa ra ý kiến để cải thiện việc này thay vì chỉ mở các tuyến xe buýt, tàu metro. "Thực tế, mỗi người dân đều có hành trình riêng, họ đi làm kết hợp đón con, đi chợ. Cái người ta mong muốn là công bố từ các ga của tuyến đường sắt đô thị, những tuyến xe buýt nào sẽ chở họ đi đâu, rồi từ các nơi họ sẽ đi đâu tiếp và bằng loại phương tiện nào thì đến giờ này vẫn chưa ai biết thông tin đó. Rồi lại nửa kín nửa hở đưa ra thông tin cấm này tạo ra một làn sóng không đáng có".
Tọa đàm về vấn đề 'Hạn chế xe máy tại Hà Nội' diễn ra sáng ngày 4/4 tại trụ sở báo Tiền Phong.
Về việc tuyên truyền vận động về vấn đề "hạn chế xe máy" và xử phạt sau đó, ông đề nghị: "Công tác tuyên truyền và vận động phải đi vào từng nhóm người, cư dân theo từng hình thức khác nhau thì người ta mới thấm được. " Đồng thời, ông cũng yêu cầu các đội CSGT và lực lượng chức năng "cần tăng cường hơn, nghiêm khắc hơn."
Ông Thanh cũng không quên nhắc đến các công ty bảo trì và kết cấu đường bộ và cho rằng họ đang "chưa mẫn cán với việc khắc phục các công trình hư hỏng, ví dụ như nắp cống thoát nước hỏng hàng tuần vẫn không được sửa chữa, thay thế khiến người dân phải cắm cành cây để đánh dấu."
Cuối cùng, ông kết luận "những thứ này cần phải làm đồng bộ tất cả, nếu chỉ bằng chính sách, những biện pháp tự nhiên xuất hiện cũng rất khó khăn để thành công".