Đối tượng tham nhũng có khả năng tẩu tán tài sản
Theo Báo cáo nghiên cứu, tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành và có tính tổ chức, biểu hiện lợi ích nhóm của một số vụ việc ngày càng rõ nét hơn. Thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra ngày càng lớn. Trong khi đó, công tác đấu tranh, thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) còn nhiều bất cập, tỷ lệ thu hồi thấp. Năm 2013, tỷ lệ số tiền, TSTN thu hồi được chưa đến 10%; năm 2014 đạt trên 22%, thấp hơn nhiều so với số tiền, tài sản thực tế bị tham nhũng.
Theo Báo cáo nghiên cứu, việc thu hồi TSTN thấp do tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ học vấn và chuyên môn, am hiểu pháp luật về quản lý kinh tế, nên họ có khả năng nhận biết những kẽ hở của hệ thống pháp luật để phạm tội. Họ cũng là những người có điều kiện tạo dựng được các mối quan hệ có khả năng “che chắn”, “bảo vệ” hành vi sai phạm. Thậm chí, các đối tượng còn có sự chuẩn bị chu đáo khi phạm tội nên khi thực hiện xong đã chủ động xóa hết mọi dấu vết, tiêu hủy giấy tờ, chứng từ, hóa đơn, sổ sách, che giấu, tẩu tán TSTN. Nhiều đối tượng còn sẵn sàng chấp nhận hình phạt để thụ hưởng TSTN, nên khi bị phát hiện thường không hợp tác với các cơ quan tố tụng, che giấu, tẩu tán tài sản.
Ngoài ra, cơ chế kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập, quản lý các giao dịch lớn ở nước ta hiện nay còn khá lỏng lẻo. Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân nói chung và những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước nói riêng, nên rất khó khăn trong việc xác định TSTN để thu hồi. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, chưa có quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền chủ động kiểm tra, xác minh để bảo đảm tính trung thực; chưa công khai rộng rãi kết quả kê khai để người dân giám sát…
Miễn giảm hình phạt tù nếu bồi thường, trả lại tài sản
Để nâng cao hiệu quả trong thu hồi TSTN, Báo cáo nghiên cứu đề nghị cần hoàn thiện quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng: Nếu đối tượng kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc của tài sản tăng lên một cách đáng kể thì ngoài việc đối tượng kê khai bị xử lý theo quy định của pháp luật, tài sản tăng lên đó phải bị tịch thu, nộp vào ngân sách nhà nước. Cùng với đó, sớm hoàn thiện, ban hành Đề án về kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn.
Với Bộ luật Hình sự, Báo cáo nghiên cứu đề nghị nghiên cứu sửa đổi theo hướng chú trọng vấn đề thu hồi TSTN. Trong đó, quy định tăng mức phạt tiền, giảm hình phạt tù có thời hạn và các hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả, giúp tăng khả năng thu hồi TSTN. Đối với tội phạm kinh tế nói chung, các tội phạm về tham nhũng nói riêng, nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã trả lại hết TSTN, đã bồi thường đầy đủ thiệt hại do tham nhũng gây ra thì có thể xem xét áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt. Trong trường hợp đặc biệt, có thể miễn trách nhiệm hình sự, chuyển xử lý hành chính.
Ngoài ra, Báo cáo nghiên cứu đề nghị bổ sung các quy định về việc cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt với một số loại tội, trong đó có các tội về tham nhũng như: ghi âm, nghe điện thoại, kiểm tra thư tín, tài sản ngân hàng… giúp nhanh chóng phát hiện, làm rõ hành vi cũng như tài sản tham nhũng. Đối với cơ quan thanh tra, được phép thực hiện các biện pháp ngăn chặn như phong tỏa, thu hồi tài sản…
Để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài, Báo cáo nghiên cứu đề nghị cần quy định cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài. Đây là quy định giúp phòng ngừa, phát hiện tội phạm về tham nhũng có yếu tố nước ngoài; phòng ngừa khả năng đối tượng tham nhũng tạo dựng cơ sở kinh tế để trốn ra nước ngoài sau khi đã thực hiện hành vi tham nhũng ở trong nước.