Cảm phục cô học trò làng trẻ SOS đạt giải quốc gia

Cảm phục cô học trò làng trẻ SOS đạt giải quốc gia
Nhà nghèo, bố em Lê Thị Hòa bị tai nạn, một mình mẹ vất vả nuôi cả nhà. Từ năm lớp 3, Hòa phải xa bố mẹ vào làng trẻ SOS ở. Nhưng gần 10 năm qua, Hòa luôn vượt khó vươn lên trong học tập. Mới đây em giành giải Nhì quốc gia môn Sử.

Gặp em Lê Thị Hòa tại Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) sau giờ kết thúc buổi học, nhìn cô học trò xinh xắn trong bộ quần áo đồng phục, ít ai biết em có một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sinh ra trong gia đình có 5 chị em gái, Hòa là con thứ tư nhưng đã chịu vất vả từ nhỏ.

Hòa vẫn nhớ như in năm lên 4 tuổi, bố em không may bị tai nạn lao động nằm liệt giường, sau nhiều cố gắng luyện tập rồi cũng ngồi dậy được nhưng cũng không làm được việc gì. Người mẹ tảo tần trở thành trụ cột trong gia đình.

Cảm phục cô học trò làng trẻ SOS đạt giải quốc gia ảnh 1

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Hòa luôn có nghị lực vươn lên trong học tập.

Mới ngày nào cô bé lớp 3, vì hoàn cảnh nhà nghèo, phải xa gia đình lên thành phố cùng cô em gái út vào làng trẻ SOS để ăn học. Nhắc đến làng trẻ SOS, Hòa không quên công ơn giúp đỡ của ban lãnh đạo và sự chăm sóc của các mẹ ở làng.

Mọi người không chỉ biết về Hòa với hoàn cảnh khó khăn mà còn bởi em có một bảng thành tích học tập đáng khâm phục. 5 năm học tiểu học, năm nào Hòa cũng được học sinh tiên tiến và trong bốn năm cấp THCS, em vẫn luôn giữ vững thành tích học tập của mình. Những cố gắng của Hòa đã được đền đáp bằng thành tích năm lớp 9, em được giải Ba cuộc thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch Sử.

Cô học trò nghèo mang bao hoài bão, với mơ ước của mình, đã quyết tâm dự thi và đậu vào trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). Những năm theo học tại đây, Hòa đều đạt học sinh giỏi của trường. Đặc biệt, năm lớp 12, em được giải Nhì tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sử (không có giải Nhất).

“Ban đầu em không nghĩ mình học Sử, nhưng từ năm cấp hai đi thi được giải, nó giúp em có thêm động lực, cùng với sự giúp đỡ, định hướng của thầy cô giáo nên em quyết định chọn môn Lịch Sử”, Hòa chia sẻ.

Nhắc đến cuộc sống hàng ngày sau mỗi giờ đến trường, với nhiều bạn bè muốn gì được nấy khiến đôi khi em cảm thấy tủi thân. Cũng bởi thế mà cô học trò nghèo mong muốn học thật tốt để thay đổi cuộc sống sau này.

Hòa khiêm tốn cho biết, phương pháp học tập của em cũng không có gì đặc biệt, ở nhà em đọc trước bài học theo cách chọn ý chính, đến lớp chú ý nghe giảng bài, ghi những ý hay và hỏi thầy cô những chỗ chưa hiểu. “Lịch Sử có rất nhiều sự kiện, để có thể ghi nhớ, em áp dụng phương pháp liên hệ vào thực tế cuộc sống đời thường. Rồi em còn viết vào các tờ giấy dán lên tường trước khu vực bàn học để lúc nào quên lại nhìn vào”, Hòa "bật mí".

Bên cạnh nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của thầy cô giáo, sự động viên, chia sẻ của bạn bè thì một động lực lớn với em đó là hình ảnh người mẹ. Khi nhắc về mẹ, cô học trò nghèo cúi mặt xuống như cố dấu đi đôi mắt đang rớm lệ: “Mẹ là một người tần tảo sớm hôm, dù vất vả nhưng không bao giờ thể hiện là mình vất vả. Trước mặt các con, mẹ luôn nở nụ cười lạc quan. Mẹ luôn động viên an ủi, dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng học tập thật tốt”.

Giờ đây, khi đã gần học xong phổ thông, nhớ lại những ngày đầu lên làng trẻ, Hòa nhất quyết không đi, vì nhớ mẹ, nhớ gia đình. Mẹ em vẫn hứa, nếu không lên làng trẻ, ở nhà mẹ cũng sẽ cố gắng cho con ăn học đến nơi đến chốn. Rồi những lần em có chuyện buồn, mẹ vẫn luôn động viên em. Dù ở quê công việc bề bộn, nhưng mẹ vẫn hay đến thăm em ở làng trẻ.

Kể về những thành tích trong học tập của mình, Hòa không quên công ơn của cô giáo chủ nhiệm. Những ngày mới bước vào cấp ba, mỗi lần đi học thêm, biết em có hoàn cảnh khó khăn nên cô giáo không thu tiền, và khi thấy em có dấu hiệu sa sút, cô giáo liền hỏi thăm, động viên em.

Cảm phục cô học trò làng trẻ SOS đạt giải quốc gia ảnh 2

Phía sau thành tích của Hòa là sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè.

Chiếc xe đạp mà em vẫn đi học hàng ngày là món quà của hội phụ huynh cùng các bạn trong lớp tặng em từ ngày em mới bước chân vào trường. Khi được hỏi về ước mơ sau này của mình, Hòa cho biết em mong muốn trở thành một luật sư.

Cô Nghiêm Thị Huyền - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Sử, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ: “Hòa là một học sinh hiền lành, chăm chỉ, được bạn bè yêu quý, sống hòa đồng. Đặc biệt, em có một nghị lực vượt lên hoàn cảnh và học rất giỏi. Ban giám hiệu, các ban ngành, đoàn thể trong nhà trường rất quan tâm giúp em, tạo điều kiện để em có thể đạt được kết quả cao nhất”.

“Có những hôm rất thương khi thấy bạn bè có bố mẹ đưa đón, còn em cứ một mình đạp xe đến trường, hết buổi học lại một mình đạp xe về làng. So với các bạn có cùng điều kiện khó khăn Hòa có nghị lực vượt lên, điều đó được chứng minh bằng kết quả học tập của em. Trong lớp có ba học sinh đạt giải thì Hòa là người có số điểm cao nhất”, cô Huyền chia sẻ thêm.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.