Cảm nhận 'Cánh đồng bất tận'

Cảm nhận 'Cánh đồng bất tận'
TPO - Giữa thập niên trước, truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” ra mắt độc giả, từng gây nhiều xôn xao dư luận. Khen nhiều và chê không ít. Cuối cùng thiên truyện ngắn xuất sắc đã giữ chắc chỗ đứng của mình trên văn đàn.

> 'Cánh đồng bất tận' trong buổi ra mắt tại Mỹ 

Bằng kịch bản chuyển thể cùng tên của Ngụy Ngữ, Nguyễn Phan Quang Bình đã chế tác thành phim, cũng gây xôn xao dư luận. Khen cũng nhiều và chê cũng không ít. Và rồi bộ phim đang tạo dấu ấn riêng một cách chắc chắn trên thị trường điện ảnh nước nhà.

Nhiều phim chuyển thể nổi tiếng của các nước cho thấy, tác phẩm văn học thường chỉ là cơ sở dựa vào để khai thác, sáng tạo một thế giới mới cho tác phẩm điện ảnh, khi từ khía cạnh này, khi từ ý tưởng khác của nguyên tác. Trường hợp “Cánh đồng bất tận” không hoàn toàn theo công thức ấy.

Nguyên tác được phục hiện gần như trọn vẹn, từ cốt truyện đến nhân vật, từ xung đột trung tâm đến hình tượng tác phẩm. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là ở phương thức và tần suất thể hiện các chốt mâu thuẫn xung đột – trên phim có vẻ gay cấn và dồn dập hơn, so với truyện ngắn.

Cả phim và truyện, đều cô đặc cảnh đời của bốn nhân vật vào một không gian hạn hẹp ở trong và quanh con thuyền luôn trôi dạt đơn côi. Tại đó, tấn bi kịch khác thường được phô diễn trên tấm phông hiện thực ẩn chứa bao điều kì bí, đặc sệt dấu ấn có một không hai của miền đất chan hòa cỏ cây với trời nước.

Bốn con người rời rã, gần như tách biệt nhau trong tâm khảm lại buộc phải sống cạnh và cọ xát nhau triền miên trong chuỗi sự kiện kéo dài với nhiều tình huống, chi tiết dẫn đến xung đột, từ đó bộc lộ cá tính, tư chất, thân phận từng cá thể, cùng mối quan hệ đa chiều giữa họ.

Nghệ thuật tác dựng cốt truyện và mổ xẻ nhân vật tỉ mỉ, nhiều chiều trong không gian hẹp như vậy rất giống kiểu miêu thuật đặc trưng của Hollywood, và đó là một trong những bí quyết thành công của nhiều tác phẩm tâm lý cũng như hành động mà trung tâm điện ảnh này từng giành được.

“Cánh đồng bất tận” của nguyễn Ngọc Tư và phim của Nguyễn Phan Quang Bình đều sắp đặt sự tồn tại song song cạnh nhau cái ương ác với cái nhu thiện, khiến tấn bi kịch tâm trạng của các nhân vật có cơ cháy âm ỉ và từng lúc bùng lên dữ dội. Nó luôn kéo căng cực độ nhưng không tới mức làm gãy đứt mối ràng buộc giữa họ.

Các tác giả khéo léo dựng lên hai cực đối chọi nhau như thế giữa sự bạc nhẫn với tình thương, giữa thái độ bất cẩn với cử chỉ nhân ái trách nhiệm. Phương pháp tạo đồng điệu trong tương phản ấy thúc đẩy hình tượng nhân vật tới gần hơn đời số nghiện thực, đồng thời tạo điều kiện xoáy sâu và gây ấn tượng mạnh hơn.

Nguyễn Ngọc Tư, qua lối kể chân mộc hồn hậu rất đỗi tự nhiên, gợi tưởng sâu sắc miền đất đặc trưng Nam Bộ bằng nghệ thuật sử dụng chi tiết sống động, tình huống kịch độc đáo và ngôn từ miêu thuật mang sắc thái riêng biệt.

Nguyễn Phan Quang Bình với phong cách thể hiện phóng khoáng, quyết liệt khắc họa tận tường cảnh sống trong đó hòa quyện con người với cảnh vật thiên nhiên, đồng thời bộc lộ nỗi niềm chung và riêng của bốn thân phận bất hạnh.

Ném nỗi đau gay cấn của nhân vật vào giữa khung cảnh an bình thơ mộng của thiên nhiên, các tác giả khui bật lên mối tương phản nghịch chiều giữa nội tâm với ngoại cảnh, khiến người xem cảm nhận tận đáy thực trạng tấn bi kịch.

Trong lúc bằng ngôn từ, truyện ngắn mô tả thân phận Út Võ và Sương nổi cộm, đậm nét hơn; thì bằng hình ảnh, phim tạo dựng hình tượng Nương và Điền xốn xang hơn, khiến hai nhân vật này, nhất là Nương trở nên có chỗ đứng riêng trong tác phẩm.

Út Võ là nhân vật xương sống của chuyện phim. Lý do anh ta thay đổi tính nết đã được giải thích. Tuy nhiên rõ ràng trước khi bị vợ phản bội, anh ta là người chồng, người cha rất đỗi tình cảm. Cú quay ngoắt cách sống, khư khư đối xử cộc cằn dai dẳng với những đứa con tôi nghiệp ở một con người vốn là như thế, thực có điều gì bất ổn trong nhận diện bản chất con người.

Có vẻ điều đó không mấy thuận hợp với dòng chảy thông thường trong logic phát triển cốt cách một con người có lý trí, gây nên cảm giác áp đặt và thiếu chân thật. Sẽ sâu sắc và thuyết phục hơn nếu giảm bớt mức độ cường điệu đến cực đoan thái độ trái tính của Út Võ, và nên gán cho anh ta một thái độ uyển chuyển hợp đời hơn.

Phim xây dựng khá nhiều tình tiết gây ấn tượng. Song lại để xuất hiện một số tình tiết thoạt đầu ngỡ quan trọng nhưng sau đó lại không thấy phát huy vai trò. Bình thường, sự hoang lạc giữa Út Võ và Sương không phải sự kiện bước ngoặt trong quan hệ giữa hai người, vì họ đến với nhau có phần bằng tình cảm. Vậy nhưng, trước và đặc biệt sau sự kiện này, không hề diễn ra diễn biến đáng kể nào tác động đến đường dây câu chuyện hoặc cuộc sống nhân vật.

Tiếp đến, cánh đoàn kiểm dịch thiêu hủy đàn vịt của Út Võ được miêu tả quá chi tiết: trong khuôn hình cận, hai chú vịt xấu số hốt hảng tháo chạy trên những bao tải chứa đồng loại, một chú bị đất vùi thảm thương, chú còn lại quẫn bách tháo chạy bất lực.

Cảnh nhỏ này gây ấn tượng khá mạnh. Chính ấn tượng ấy đã đẩy mạch cảm xúc hình thành trước đó ở người xem sang một hướng khác, không có chủ đích. Kinh nghiệm cho thấy trường hợp cần bổ sung chi tiết nằm ngoài mạch chính đang vận hành của chuyện phim, tránh đưa vào những chi tiết vụn, mang tính thông tấn, vì có nguy cơ làm chùng lại hoặc làm lạc mạch cảm xúc.

Trong điều kiện mạch chính của phim chảy theo dòng ngầm dữ dội của cuộc xô xát tâm trạng dưới vỏ bọc lặng thầm êm ả, đòi hỏi người diễn phải lắng mình, thâm nhập sâu vào tâm khảm nhân vật và thể hiện chủ yếu bằng kỹ thuật “nội diễn”.

Dustin Nguyễn giữ được lối diễn cá tính với một phong thái nhất quán, khắc đậm hình dạng nhân vật trong một khuôn dáng không bị trộn lẫn, bằng những cử chỉ lặng lẽ mà biết nói qua sắc mặt, ánh mắt cũng như bước chân uể oải, nặng chắc … Tuy nhiên, anh đã cường điệu hơn mức cần thiết trong một số động thái nội tâm, khiến vai diễn có phần xa cách.

Đỗ Hải Yến nhập vai nhẹ nhàng, tự tin, thể hiện hết mình với lối diễn tiết chế hình thức, đi sâu vào nội cảm. Song ở mức độ nào đó, cô chưa hoàn tạo đủ độ lắng mong mỏi, có lẽ vì có lúc bị vướng vào căng cứng trong xử lý động tác hình thể, và có lẽ chưa thực sự khớp hợp về ngoại hình với nhân vật.

Lan Ngọc và Võ Thanh Hòa gây bất ngờ thú vị trong các vai diễn. Cùng lối thể hiện chân chất tự nhiên, hai diễn viên trẻ đã khắc họa thành công nhân vật được giao. Đặc biệt, Lan Ngọc đã gây ấn tượng nghệ thuật thực sự khi giữ được nhịp và phong thái tự chủ, đầy cảm hứng nội tâm trong hàng loạt cảnh quay. Kết hợp khá nhuyễn phản ứng nội tâm với phản ứng ngoại hình trong các pha diễn quan trọng, nữ diễn viên này tỏ rõ khả năng diễn đạt sâu sắc các trường hợp mô tả tâm lý phức hợp.

Bối cảnh của phim thực sự đặc sắc, hầu hết là ngoại cảnh đầy ấn tượng và đó là cơ hội tuyệt vời cho ống kính tha hồ khai thác. Bộ phim đã chứng kiến những cảnh quay toàn cảnh đẹp như tranh vẽ. Song người xem vẫn còn tiếc khi chưa được tận hưởng đến cùng vẻ đẹp nguyên sơ xốn xang của cảnh sắc nơi đây, bằng những cú quay gần hoặc những cảnh quay chộp chọn lọc trong thời tiết và ánh sáng đặc biệt.

Đáng tiếc hơn là còn thiếu những cảnh cận hoặc đặc tả qua diễn xuất của mặt, cơ mặt, khóe môi, bàn tay… của diễn viên trong những tình huống nổ ra xung đột nội tâm cao độ, từ đó khai thác thấu triệt tầng ý nghĩa ngầm ẩn của tình tiết.

Nhiều người quan tâm đến cách thức mở đầu và kết thúc bộ phim “Cánh đồng bất tận” mở màn bằng những trường đoạn dồn dập hành động. Hoạt náo, bất ngờ, căng thẳng… là những yếu tố có sức hút người xem ngay từ phút đầu, và đó cũng là ưu thế của bộ phim. Vậy nhưng, ngay sau đó lại là hang loạt trường đoạn chỉ tồn tại hành động của nhân vật mà thiếu vắng hành động của phim, khiến nhịp độ câu chuyện bị chững lại trong sự kéo dài uổng phí.

Trong các phương thức kết thúc phim thông thường, các tác giả chọn phương thức lật ngược hoàn cảnh cũ và tạo ra tình thế mới, là cách có thể đem lại bất ngờ. Tuy nhiên, ở trường hợp này, với Nương –một cô gái mới lớn, mới trải qua tai nạn khủng khiếp, còn mang nặng tâm lý uất nhục, mà chỉ sau cú chuyển cảnh đột ngột (mặc dù có thể hiểu là đã trôi qua một thới gian), bỗng rạng rỡ, hạnh phúc với bào thai bất đắc dĩ và tỏ ra tràn đầy hy vọng vào cuộc sống tương lai – một cuộc sống chưa hề rõ ràng đối với em, thì khó đủ sức thuyết phục người xem.

Mặc dù còn đó những điều có thể bàn luận, song nhìn từ tổng thể, “Cánh đồng bất tận” là kết quả của một cố gắng lớn và là thành công rất đáng ghi nhận của phim truyện Viêt Nam trong thời gian gần đây.

Theo Viết
MỚI - NÓNG