Cảm lạnh sẽ nặng hơn nếu tiếp xúc với trẻ bị chảy nước mũi

Cảm lạnh sẽ nặng hơn nếu tiếp xúc với trẻ bị chảy nước mũi
TPO - Một nghiên cứu mới cho thấy tiếp xúc với trẻ độ tuổi đi học khiến người bị bệnh phổi do cảm lạnh tăng các triệu chứng như chảy nước mũi, đau họng và ho.

> Súp gà chữa cảm lạnh

Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Clinical Virology, các tác giả đã xem xét một ngân hàng dữ liệu gồm 1.000 mẫu đờm và các dịch tiết mũi của những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease – COPD).

Cảm lạnh sẽ nặng hơn nếu tiếp xúc với trẻ bị chảy nước mũi ảnh 1

Giáo sư Ann Falsey thuộc Trường đại học Rochester và là chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Rochester cho biết kết quả thu được là rất đáng ngạc nhiên. Trước khi thực hiện nghiên cứu, họ dự kiến các yếu tố khác - có thể là mức độ nặng của bệnh ẩn dưới, tình trạng sức khỏe toàn thân của người bệnh - sẽ cho biết những người thực sự phải chịu đựng các triệu chứng cảm lạnh. Tuy nhiên, tiếp xúc với trẻ ở tuổi đi học là yếu tố nguy cơ duy nhất mà các tác giả phát hiện được. Nó làm tăng cả nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ mắc các triệu chứng khi họ bị cảm lạnh.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người bị cảm lạnh nhưng họ không có triệu chứng và không phát hiện được mình mắc bệnh. Hơn 1/3 số người bị nhiễm rhinovirus (loại vi-rút gây ra phần lớn các trường hợp cảm lạnh) không có triệu chứng.

Phân tích thêm thấy những người bị nhiễm bệnh và có các triệu chứng thực thể - như sung huyết, chảy nước mũi, đau họng, khản giọng, v.v… - dễ tiếp xúc với trẻ ở tuổi đi học hơn gấp khoảng 2 lần so với những người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Để tránh cảm lạnh, mọi người cần thực hành vệ sinh tay sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi hắt hơi hoặc che miệng để ho, tránh sờ tay lên mắt và mũi, tránh tiếp xúc với trẻ bị ốm.

Hoàng Thái
Theo Futurity

Theo Dịch
MỚI - NÓNG