>> Nỗi kinh hoàng của 'người rừng' sống trong hang đá
>> Phát hiện 'người rừng' trốn trong hang đá
>> Tìm được gia đình cho 'người rừng' trốn trong hang đá
Đinh Văn Diết vẫn đang phải nhờ anh trai cõng . Ảnh: Nguyễn Thành |
Một tháng ở hang đá
Một tuần sau khi được người dân xã Phước Công (Phước Sơn, Quảng Nam) phát hiện trong rừng sâu, sức khoẻ của người rừng Đinh Văn Diết vẫn chưa thể bình phục, những vết thương ở tay và chân vẫn còn lở loét. Hôm qua (29-10), tiếp xúc với PV Tiền Phong, Diết tỉnh táo hơn, nhưng nét mặt vẫn thất thần, hoảng loạn.
Diết kể, tháng 9 vừa rồi, em cùng nhiều thanh niên trong thôn đi lên Phước Sơn làm vàng. Lên đến xã Phước Thành, Diết theo một nhóm vào làm cho một chủ bãi tên Tý. Vừa vào tới bãi, Diết bị bắt chui hầm làm vàng. Sức khỏe yếu, em không chịu thì bị đánh đập. Chịu được hơn 1 tuần, Diết quyết định bỏ trốn.
“Em phải bỏ trốn đến lần thứ hai mới thoát được. Lần đầu, em bị bắt lại và bị đánh đập. Thoát khỏi bãi vàng, em chạy miết để rồi lạc vào rừng. Không còn chỗ trú ngụ em đành chui vào hang đá ẩn náu” - Diết kể.
Chiếc áo cuối cùng còn lại, Diết phải xé đi để băng bó vết thương. Trong hang đá, không thức ăn, đồ uống, Diết sống nhờ chuối rừng và nước suối, trong khi da thịt ở những vết thương đang dần hoại tử.
Sức cùng lực kiệt, ngày 22-10, Diết tìm ra suối tại một khu rừng xã Phước Công và được người dân đưa về Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn điều trị. Năm ngày sau, hai anh của Diết là Cường và Trung biết tin nên xin chủ bãi vàng ra huyện đưa em về quê.
Những lao động khổ sai
Người rừng Đinh Văn Diết kể, trong bãi vàng mà em bị đối xử như tù khổ sai có khoảng 50 lao động cùng độ tuổi như em, cũng bị đánh đập nhưng không dám bỏ trốn vì sợ.
“Làm việc cật lực cả ngày nhưng không hề được nhận đồng lương nào từ chủ bãi. Bị chủ bãi bắt làm việc từ 6 giờ sáng cho đến tận 6 giờ tối, sống trong những lán trại cũ nát, em chịu không nổi. Cai bãi ác lắm” - Diết nói.
Đinh Văn Trung (SN 1983) anh trai của Diết, kể: “Em làm thuê cho một chủ bãi vàng ở xã Phước Chánh từ tháng 4. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chủ bãi mới trả cho em đúng 2 triệu đồng. Hôm nghe tin Diết bị nạn, em và anh trai phải van xin mãi chủ bãi mới đồng ý cho chúng em ra huyện đưa em về. Thoát khỏi bãi vàng, thấy em trai bị nặng thế này bọn em không dám quay lại nữa”.
Lao động trẻ em tại bãi vàng Phước Sơn . Ảnh: Nam Cường |
Tại làng Tân Hiệp, khi PV Tiền Phong lên tìm hiểu, người làng xúm đến kể tội cai bãi vàng đánh đập trẻ em. Em Đinh Văn Thổi (SN 1993) cũng bị lừa đi lao động ở bãi vàng Phước Sơn, do bị bóc lột nên bỏ trốn. Sau nhiều ngày sống chui nhủi trong rừng sâu, đầu tháng 9, Thổi lưu lạc đến xã Bình Lâm (Hiệp Đức) thì được người dân tìm thấy và đưa về nhà.
Thổi cho biết: “Những ngày làm việc tại bãi vàng, em khổ lắm. Ban đầu người ta hứa trả 2 triệu đồng/tháng. Làm mấy tháng trời không lương, em không thể chịu nổi nên bỏ trốn”.
Dân thôn Tân Hiệp chủ yếu là người dân tộc Ca Dong, Cor. Ông Dương Tấn Hoàng - trưởng thôn nói: “Do thật thà, nhẹ dạ, nhiều người, có cả trẻ em bị dụ đi làm ở các bãi vàng tại Phước Sơn. Họ tự ý đi, không báo, nên thôn không nắm được”.
Ông Hoàng cho hay, cả thôn Tân Hiệp hiện có 20 lao động biệt tăm tung tích, trong đó có 7 phụ nữ đi làm thuê, không thấy liên lạc với gia đình, và chính quyền xã cũng không biết họ đi từ khi nào và làm ở đâu! Trong số những người này, phần lớn dưới 18 tuổi, không được học hành, gia đình nghèo, không có việc làm ổn định.
Chính quyền bó tay?
Ông Hoàng Hoa - Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Sơn cho hay, vấn đề lao động trẻ em tại các bãi vàng là một sự thật nhức nhối bao lâu nay mà chính quyền huyện vẫn chưa tìm ra cách giải quyết.
Trẻ em không làm vàng thì cũng cõng chuyển hàng cung cấp cho các bãi vàng ở Phước Thành, Phước Sơn. |
Theo ông Hoa, hiện ở Phước Sơn có khoảng 14 đơn vị khai thác vàng có phép, kéo theo đó là gần 2.000 lao động, tập trung chủ yếu ở Phước Thành, Phước Chánh, Phước Hiệp. Tuy nhiên, quản lý lao động trẻ em tại các bãi vàng rất khó khăn.
“Các chủ bãi khi đăng ký số lao động qua công an huyện và Phòng LĐ-TB&XH đều làm đúng thủ tục. Lao động có chứng minh nhân dân đều đúng tuổi, không xảy ra bất kỳ vấn đề gì. Đa số trẻ em làm ở bãi vàng đều là làm chui, mà thường ở các địa phương khác đến nên rất khó quản lý”.
Cũng theo ông Hoa, UBND huyện Phước Sơn nhiều lần tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra vấn đề này nhưng kết quả chỉ là con số không tròn trĩnh.
“Những bãi vàng nằm ở vùng rừng núi xa xôi, đường đi hiểm trở. Trong lúc đó tai mắt của chủ bãi khắp nơi. Khi chúng tôi vào kiểm tra, tất nhiên không thể đi lén lút, và kết quả là các chủ bãi đều biết và tìm cách đối phó” - ông nói. UBND huyện đang chỉ đạo công an huyện điều tra vụ người rừng Đinh Văn Diết và sắp tới, khi hết mưa sẽ chính thức kiểm tra, rà soát lại lao động trẻ em ở bãi vàng.
Ông Mai Đức, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Trà My, nhận định: “Nhiều kẻ đã lợi dụng lòng tin để dụ dỗ trẻ em đi làm phu vàng. Lỗi này một phần do chính quyền địa phương cơ sở buông lỏng quản lý”.