Tại Dự thảo Luật Ðầu tư sửa đổi trình Quốc hội, Bộ KH&ÐT đề xuất, đưa ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh sách ngành nghề cấm kinh doanh. Theo lý giải của Bộ KH&ÐT, thời gian qua, tình trạng một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng của dịch vụ này, hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.
“Việc xem xét, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý chặt chẽ dịch vụ đòi nợ thuê là hết sức cần thiết, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê từ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sang ngành, nghề bị cấm kinh doanh cần được xem xét, đánh giá tác động cụ thể đối với môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó là xem xét tác động của việc cấm này đến hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề luật không cấm theo quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và Luật Ðầu tư”, lãnh đạo Bộ KH&ÐT cho biết.
Trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh sách ngành nghề cấm kinh doanh. Thay vào đó, nên đưa dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trao đổi về ý kiến này, một lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ÐT), đơn vị soạn thảo Dự thảo Luật Ðầu tư sửa đổi cho rằng, hiện nay ngành dịch vụ đòi nợ thuê không rõ nội hàm. Vì vậy, rất khó miêu tả ngành nghề đòi nợ thuê với các đặc điểm cụ thể.
“Chúng tôi đề xuất đưa ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê vào danh sách ngành nghề cấm kinh doanh vì chưa rõ nội hàm của ngành này. Bên cạnh đó, nếu cấm ngành nghề đòi nợ thuê, với khuôn khổ pháp lý hiện nay, người dân, doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện việc đòi nợ”, vị chuyên gia này cho biết.
Theo đại diện CIEM, dịch vụ đòi nợ thuê là một tổng hợp các hoạt động mà pháp luật vẫn cho phép làm. Tiêu biểu như văn phòng luật sư có thể đại diện cho thân chủ để thực hiện hoạt động pháp lý gửi thư đòi nợ.
“Về mặt vĩ mô, hệ thống tư pháp được cải thiện sẽ không còn ngành đòi nợ thuê. Bởi lẽ, các quy định pháp luật hiện nay hoàn toàn thực hiện được việc đòi nợ giữa các tổ chức, cá nhân thông qua kiện ra toà án, gửi đơn đòi nợ… Ðưa dịch vụ đòi nợ thuê vào ngành nghề cấm kinh doanh sẽ chấm dứt được tình trạng biến tướng trong đòi nợ theo kiểu “hoạt động chân tay, đối tượng đòi nợ đến cửa nhà con nợ ngồi đòi nợ”, đại diện CIEM cho biết.