Cách tưởng niệm vụ khủng bố Boston Marathon độc đáo

Cách tưởng niệm vụ khủng bố Boston Marathon độc đáo
TP - Đã có nhiều lễ tưởng niệm diễn ra không chỉ Boston mà trên khắp nước Mỹ. Nhưng có lẽ đây là hoạt động tưởng niệm có hình thức độc đáo, nhân văn nhất.

> Nghi phạm đánh bom Boston muốn đến New York để ăn mừng
> Dzhokhar đánh bom Boston có thể do sùng đạo

Một cậu bé tần ngần đứng trước những hiện vật và những bông hoa tươi. Ảnh: Lê Anh Hoài
Một cậu bé tần ngần đứng trước những hiện vật và những bông hoa tươi. Ảnh: Lê Anh Hoài.

Chiều 23/6 (giờ địa phương), tôi có mặt tại địa điểm người dân Mỹ tổ chức tưởng niệm nạn nhân chết trong vụ khủng bố tại giải Boston Marathon trước đó hơn 2 tháng (xảy ra ngày 15/4).

Đây không phải một lễ tưởng niệm trong vài giờ, mà chính xác là một hoạt động tưởng niệm kéo dài nhiều ngày. Không biết những người tổ chức có ý như vậy không, nhưng tôi chợt liên tưởng đến cụm từ “tưởng niệm marathon”. Quả là rất phù hợp, rất gợi!

Nơi đây là điểm đích đến của các cuộc thi Marathon Boston danh tiếng và lâu đời (năm đầu tiên tổ chức là 1897, cuộc thi Marathon Boston được xếp hạng là một trong sáu cuộc thi marathon lớn nhất thế giới). Địa điểm này nằm trên đường Boylston - một trục đường chính của thành phố Boston, nơi có nhiều trung tâm thương mại lớn.

Vị trí này cũng nằm rất gần hai nhà thờ cổ của Boston. Nơi tổ chức tưởng niệm là một công viên nhỏ sát đường, trên vỉa hè vẫn còn đó hai cột mốc được dựng từ lâu, trên có phù điêu về cuộc thi Marathon Boston; trên mặt vỉa hè cũng có một vòng tròn khá lớn ghi tên cuộc thi.

Theo những người dân đang có mặt tại lễ tưởng niệm, hoạt động này được tổ chức ngay sau vụ nổ. Trên một diện tích khoảng 200m2 là rất nhiều giày, dép, mũ và các vật dụng khác của các nạn nhân vụ khủng bố và đám đông hoảng loạn bỏ lại hiện trường.

Tất cả được treo lên như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, luôn thu hút nhiều người dân thành phố tới thăm. Nhiều hoa tươi, nến. Ngày nào cũng có hoa tươi. Có những đôi tình nhân và có bà mẹ mang cả con nhỏ tới. Không khỏi rùng mình xúc động trước hàng ngàn vật dụng - chính là dấu vết gần gũi nhất của con người - trong sự kiện đẫm máu ấy.

Đôi giày mang đôi cánh. Ảnh: Lê Anh Hoài
Đôi giày mang đôi cánh. Ảnh: Lê Anh Hoài.

Ở khu vực trung tâm, ngay trên đất, có một đôi giày thật được phun sơn trắng và gắn đôi cánh. Biểu tượng giản dị nhưng rất tuyệt vời. Nó vô cùng đa nghĩa. Có thể hiểu nó như tinh thần hòa bình của cuộc thi Marathon Boston mãi mãi không thể chết, bất chấp những kẻ khủng bố tàn bạo. Nó cũng như một dấu ấn bi thương không chỉ của nước Mỹ…

Xung quanh, treo trên hàng rào hay để ngay dưới mặt đất, là rất nhiều những dòng chữ “Strong Boston” (tạm dịch: Boston mạnh mẽ). Cũng có rất nhiều ảnh 3 nạn nhân đã chết trong vụ khủng bố, đặc biệt là ảnh cậu bé 8 tuổi Martin Richard.

Nhiều dòng chữ như “You will always be loved and remembered” (Các bạn sẽ mãi còn trong tình yêu và trí nhớ), “Forever in our Hearts” (Mãi mãi trong trái tim chúng tôi). Chắc chắn hoạt động đầy ý nghĩa này thu hút nhiều người dân trên đất Mỹ. Tôi đọc được một tấm biển ghi “Love and Prayers from Texas” (Tình yêu và những lời cầu nguyện từ Texas”…

Bà Rebecca, tự giới thiệu là người thuộc giáo đoàn Nhà thờ Boston, nói không chỉ nhà thờ của bà, mà rất nhiều nhà thờ trong thành phố đã tổ chức cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ khủng bố từ đó đến nay. Cũng đã có nhiều lễ tưởng niệm diễn ra không chỉ Boston mà trên khắp nước Mỹ. Nhưng có lẽ đây là hoạt động tưởng niệm có hình thức độc đáo, nhân
văn nhất.

Chúng tôi cũng rất may mắn có mặt vào thời điểm này để được chứng kiến. Bởi theo một cảnh sát có mặt tại đây, vào ngày mai (24/6 - giờ địa phương), hoạt động tưởng niệm tại đây sẽ chấm dứt. Chính quyền thành phố đang có kế hoạch xây bảo tàng, tượng đài cho sự kiện này.

Lê Anh Hoài
Từ Boston, Mỹ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG