DNNN thiếu quyền tự chủ?
Tại hội thảo kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại DNNN đến năm 2030, kế hoạch 2021- 2025 ngày 23/9, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, DNNN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. DNNN đóng góp gần 30% tăng trưởng kinh tế, giữ tỷ trọng đa số hoặc chi phối một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như ngân hàng, tài chính, tín dụng, năng lượng.
Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư vốn nhà nước thấp hơn so với hiệu quả đầu tư vốn của thành phần kinh tế khác. Tỷ trọng đóng góp vào GDP, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm mới và thị phần ở hầu hết các ngành ngày càng giảm. Đặc biệt ở ngành có mức độ cạnh tranh cao như thương mại, công nghiệp chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng.
“Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) làm giảm hiệu quả đầu tư của DNNN nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung. Điều này dẫn tới việc để tạo ra 1 đồng, doanh thu, DNNN phải sử dụng nhiều vốn hơn DN khác”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM) đánh giá.
Theo nghiên cứu của CIEM, dự kiến, từ năm 2011 đến 2020, sẽ chuyển đổi sở hữu của 750 DNNN thông qua cổ phần hóa. Riêng giai đoạn từ 2016 đến tháng 6/2019, cơ quan chức năng đã chuyển 185 nghìn tỷ đồng cổ phần hóa và thoái vốn DNNN. Tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động cao hơn mức bình quân nhưng số liệu bình quân chưa phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả của phần lớn DNNN. Tổng lợi nhuận của cả khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn trong ngành có mức độ cạnh tranh thấp như khai khoáng, viễn thông, năng lượng.
Ở các ngành có cạnh tranh như thương mại, công nghiệp chế tạo, hiệu quả kinh doanh của DNNN thấp hơn DN khác. Điều này chứng tỏ áp lực cạnh tranh làm bộc lộ nhiều nhược điểm của DNNN.
Theo ông Trung, trên thực tế, DNNN chưa được đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường… Đại diện CIEM cũng chỉ ra thực tế, dù đã thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN nhưng cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn đan xen với cơ quan hành chính nhà nước. Chính sách phát triển ngành đan xen với chính sách chủ sở hữu nhà nước, đầu tư nhà nước phục vụ lợi ích chung đan xen với đầu tư cho DNNN.
“Sự lúng túng giữa việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN theo cơ chế thị trường với việc tăng cường quản lý, giám sát của nhà nước đã dẫn tới sự can thiệp hành chính vào DNNN”, ông Trung nói.
Cần thay đổi vai trò DNNN
Trước thực tế hoạt động của DNNN, CIEM kiến nghị không cần thiết phải xác định DNNN là “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước” bởi vì DNNN không còn chiếm tỷ trọng trong đa số cơ cấu tài sản của kinh tế nhà nước. Về việc sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và điều tiết thị trường cần thay đổi. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội sẽ do nhà nước đặt hàng, giao cho mọi thành phần kinh tế theo nguyên tắc thị trường.
CIEM cũng kiến nghị, cơ quan chức năng cần tách bạch hoàn toàn đội ngũ cán bộ quản lý DNNN ra khỏi chế độ công chức, viên chức nhà nước, thực hiện chế độ lương theo thị trường, hợp đồng lao động với tất cả chức danh điều hành DNNN. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cổ phần hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh nhưng thực hiện chậm.
Là DNNN đang trong quá trình cổ phần hoá, đại diện MobiFone cho rằng, cách thức triển khai cổ phần hoá đang có vấn đề. Cơ quan chức năng cần lập ban cổ phần hoá mời chuyên gia chuyên nghiệp và tư vấn quốc tế hỗ trợ. Doanh nghiệp mong muốn tìm được cổ đông chiến lược có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực, ngành nghề, thay vì nhà đầu tư tài chính.
CIEM kiến nghị, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với DNNN, cơ quan chức năng cần: Chấm dứt mọi hình thức ưu đãi, triệt để áp dụng nguyên tắc tự vay – tự trả; sửa đổi căn bản pháp luật về quản trị DNNN theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu (và cơ quan nhà nước); không quyết định bất cứ quyết định nào thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh của DNNN.