Cách nào quản lý thị trường vàng?

Cách nào quản lý thị trường vàng?
TP - Ước tính Việt Nam có 1.000 tấn vàng. Dưới đây là đề xuất một số giải pháp quản lý thị trường vàng, nhất là vàng miếng như là một loại tiền tệ đặc biệt.

Dân làm giàu cho doanh nghiệp vàng?
> Vàng thế giới lao dốc, trong nước đồng loạt giảm

Chỉ nhà nước được đúc vàng miếng

Hiện nay, vàng tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý theo luật định và NHNN cấp quota nhập khẩu, song kinh doanh vàng tiền tệ (vàng miếng), vàng hàng hóa (vàng trang sức) lại rất tự do, gần như vô tổ chức, không chịu qui định nào của pháp luật liên quan kinh doanh tiền tệ do không phân biệt được kinh doanh vàng tiền tệ với kinh doanh vàng hàng hóa.

Tương tự, việc xuất khẩu vàng cũng rất tự do và thậm chí không phải chịu thuế xuất khẩu nếu là vàng trang sức có hàm lượng vàng dưới 80-90%. Kim ngạch xuất nhập khẩu vàng còn được đưa vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong khi ranh giới giữa vàng tiền tệ và vàng hàng hóa còn rất mù mờ, dễ đánh tráo khái niệm, dễ gây ra gian lận thương mại và buôn lậu.

Để thống nhất thực thi vai trò quản lý thị trường vàng, NHNN cần: trực tiếp làm đầu mối nhập khẩu vàng nguyên liệu thay vì cấp quota cho một vài đầu mối nhập khẩu vàng như hiện nay, vừa tạo ra cơ chế xin - cho vừa gây áp lực lên thị trường ngoại hối khi phó mặc nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp đầu mối tự lo.

Bên cạnh đó, để có cơ sở kiểm soát và ngăn chặn hiện tượng nhập lậu vàng, NHNN nên thống nhất đúc vàng tiền tệ tương tự như độc quyền in VND để vừa đảm bảo đúng chất lượng của vàng tiền tệ, vừa phục vụ mục tiêu quản lý thống nhất, tránh tình trạng có nhiều loại vàng tiền tệ cùng tồn tại trên thị trường như hiện nay.

Tách bạch vàng miếng, vàng trang sức

NHNN chịu trách nhiệm cuối cùng và cao nhất về số lượng, chất lượng, giá trị lưu thông của mỗi đơn vị vàng tiền tệ mà NHNN đã đúc ra không chỉ trên thị trường trong nước mà còn trên thị trường vàng quốc tế; tách bạch quản lý hệ thống kinh doanh vàng tiền tệ với kinh doanh vàng hàng hóa (trang sức, gia dụng...) theo hướng một cơ sở (doanh nghiệp, cửa hàng...) không được cùng một lúc kinh doanh cả vàng tiền tệ và vàng hàng hóa.

Cơ sở kinh doanh vàng tiền tệ thuộc loại kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp phép hoạt động. Phương án tốt nhất là giao cho hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay vì hệ thống này có mạng lưới giao dịch, trình độ quản lý và đội ngũ nhân viên thích hợp để thực hiện kinh doanh vàng tiền tệ. Những cơ sở kinh doanh vàng còn lại, kể cả đầu mối nhập khẩu vàng hiện tại mà không được NHNN cấp phép thì chỉ được kinh doanh vàng hàng hóa.

Cùng với đó đưa vàng ra khỏi danh sách hàng hóa xuất nhập khẩu do vàng là một loại tiền tệ đặc biệt chứ không phải là hàng hóa thông thường. NHNN trực tiếp là đầu mối xuất khẩu vàng tiền tệ và kim ngạch xuất nhập khẩu vàng tiền tệ được đưa vào cân đối ngoại tệ của NHNN, vào thay đổi dự trữ ngoại hối do NHNN quản lý.

Vàng hàng hóa được xuất nhập khẩu tự do và phải chịu thuế xuất nhập khẩu, thậm chí cả thuế tiêu thụ đặc biệt nếu cần thiết, tùy thuộc vào chính sách đối với sản xuất kinh doanh và tiêu dùng vàng hàng hóa trong từng thời kỳ. Bỏ qui định về hàm lượng vàng trong sản phẩm phải chịu thuế để tránh tình trạng gian lận thương mại, đánh tráo vàng tiền tệ thành vàng hàng hóa để trốn lậu thuế.

Nên cho NHTM huy động vàng

Việt Nam không nên hạn chế hay cấm các NHTM huy động vàng, bởi sẽ làm lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội, tuy việc không cho phép NHTM tự chuyển hóa vốn huy động vàng thành tiền VND là đúng để tránh hiện tượng vàng hóa trong khi tình trạng đôla hóa nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục.

Cần tìm được phương án khả thi để huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vàng. NHNN có thể ủy quyền cho các NHTM huy động tiền gửi dưới dạng vàng từ dân cư, song không được phép cho vay vàng để tránh rủi ro cho NHTM do giá vàng biến động mà phải chuyển số vàng đó cho NHNN để NHNN kinh doanh trên cả thị trường vàng trong nước và quốc tế. NHNN chịu trách nhiệm đảm bảo tính thanh khoản, mức độ an toàn và tính hấp dẫn người gửi cho số vàng đã huy động đó.

Người gửi vàng vào NHTM được cấp chứng chỉ gửi vàng do NHNN thống nhất phát hành và quản lý. Chứng chỉ gửi vàng này được sử dụng như một công cụ tài chính trên thị trường tài chính tiền tệ. Thị trường giao dịch chứng chỉ vàng sẽ góp phần giảm bớt những phức tạp do giao dịch vàng vật chất gây ra, đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực và công cụ tài chính cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể huy động vàng tạo vốn cho đầu tư phát triển tương tự như huy động VND và ngoại tệ hiện nay thông qua phát hành trái phiếu vàng. NHNN đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi lấy ngoại tệ hay chuyển thành nội tệ tùy theo yêu cầu của chủ thể phát hành trái phiếu vàng. Phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân vừa tăng thanh khoản của vàng, vừa giúp ngân sách nhà nước có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng. Trái phiếu Chính phủ bằng vàng cũng được lưu thông trên thị trường tài chính, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp tương tự như trái phiếu chính phủ phát hành bằng VND hay USD hiện nay.

Lập sở giao dịch vàng quốc gia

Song song với các giải pháp trên, nhà nước cần lập Sở Giao dịch vàng quốc gia, đi đôi với tái lập hoạt động kinh doanh vàng tài khoản đồng thời từng bước phát triển các sản phẩm phái sinh trên thị trường vàng. NHNN sẽ chịu trách nhiệm tạo dựng khuôn khổ pháp lý, tổ chức và quản lý thị trường vàng nói chung, Sở giao dịch vàng quốc gia nói riêng.

Sở giao dịch vàng hoạt động tương tự như Sở giao dịch chứng khoán, nghĩa là trên cơ sở khớp lệnh liên tục, giá vàng sẽ do cung cầu quyết định, tất cả các nhà đầu tư không phân biệt tổ chức hay cá nhân đều được mở tài khoản kinh doanh vàng tại Sở, các thành viên tham gia thị trường gồm cả tự doanh và môi giới, sự tham gia của các quĩ đầu tư vàng, và hàng hóa giao dịch bao gồm cả vàng vật chất, vàng tài khoản và các giấy tờ có giá liên quan đến vàng như chứng chỉ gửi vàng, trái phiếu chính phủ bằng vàng, sản phẩm phái sinh liên quan đến vàng như đã nêu trên.

Điểm khác biệt cơ bản giữa Sở Giao dịch vàng và Sở Giao dịch chứng khoán là NHNN không chỉ đóng vai trò tổ chức, thành lập, giám sát và quản lý vận hành Sở Giao dịch vàng tương tự như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với thị trường chứng khoán mà NHNN còn trực tiếp tham gia như một người chơi trên Sở giao dịch vàng, thông qua cung cấp các sản phẩm hàng hóa cho thị trường, can thiệp điều hòa cung cầu và giá cả trên thị trường dựa trên quyền xuất nhập khẩu vàng miếng cũng như thay đổi dự trữ ngoại hối của NHNN.

Các sàn giao dịch vàng có thể được thành lập tại các NHTM dưới dạng công ty tương tự như công ty chứng khoán của các NHTM hiện nay. Tuy nhiên, do bản chất tiền tệ đặc biệt của vàng nên không cho phép công ty kinh doanh vàng độc lập nằm ngoài hệ thống NHTM như đối với trường hợp của công ty chứng khoán.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.