Hơn nửa tháng trước, Tiền Phong đã có bài "Dân buôn săn hàng bình ổn", cảnh báo tình trạng rồng rắn xếp hàng chờ mua hàng giá rẻ tại các điểm bán hàng bình ổn để tích trữ hoặc bán kiếm lời. Với mức chênh lệch từ 6 - 7 nghìn đồng/kg, mỗi ngày chỉ cần mua khoảng vài chục ký đường cát đem ra chợ cách vài bước chân bán lại, "cò" có thể đút túi hưởng lợi hàng trăm nghìn đồng.
Việc yêu cầu bán "nhỏ giọt" hàng bình ổn đã góp phần hạn chế tình trạng mua đi bán lại kiếm lời song tiếc thay chỉ có hiệu quả đối với "cò" con. Riêng "cò" bố, "cò" mẹ thì vẫn nhởn nhơ. Mới đây, làm việc với UBND TPHCM, lãnh đạo Sở Tài chính thừa nhận cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cửa hàng tuy treo bảng "điểm bán hàng bình ổn giá" nhưng thực tế lại không có hàng. Một số DN tích trữ, găm hàng chờ đến thời điểm giá tăng mới tung ra bán. Đó là những cửa hàng nào, DN nào thì đến nay chưa được tiết lộ.
Hằng ngày, những chuyến xe vẫn hối hả đưa hàng bình ổn về vùng sâu, vùng xa cách trung tâm thành phố hàng chục ki lô mét, song với địa hình trải dài từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây, cách biệt về không gian, tỷ lệ người nghèo được hưởng chính sách này không nhiều. Không hiểu vì lý do gì, UBND TPHCM và các DN tham gia chương trình không ủy thác việc phân phối hàng hóa cho các HTX, các hội nông dân, trong khi vùng sâu vùng xa đều có hội nông dân và hệ thống các HTX phủ tương đối đều khắp.
Để rồi, đối với nhiều người dân vùng quê nghèo, cơ hội được mua hàng bình ổn đến nay vẫn chỉ là mơ ước xa xôi cùng sự chờ đợi đến mỏi mòn. Dăm chục nghìn đồng đối với nhiều người không là gì song với những người dân quê nghèo, quá nhiều thiệt thòi, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thì đó là mồ hôi, nước mắt tích cóp suốt nhiều ngày liền trên những cánh đồng cỏ cháy.
Bài học về "chảy máu xăng dầu" qua biên giới Tây Nam vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Thực tế cho thấy có chính sách thôi vẫn chưa đủ. Quan trọng hơn, làm thế nào để chính sách ấy đi vào cuộc sống, có hiệu quả và đúng đối tượng.
Liệu có cách nào, đồng tiền từ chính sách bình ổn giá đến được trực tiếp những người dân nghèo bằng con đường ngắn nhất? Thay vì phải đi đường vòng qua các DN hoặc tệ hơn là còn đến nhầm địa chỉ, vào tay tư thương.