Cách nào chấm dứt tình trạng dự án 'có tiền không tiêu được'?

TPO - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, các dự án đầu tư công hiện nay đều do nhà nước hay một ban quản lý dự án nào đó thực hiện. Các dự án đầu tư công thừa tiền nhưng vẫn nghẽn do cơ chế thủ tục, quy trình, trình tự và việc này đòi hỏi cần giải quyết đồng bộ. 

Ngày 15/8, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên thứ 3 với chủ đề “Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công” do báo Người Lao động tổ chức tại TPHCM, các đại biểu, chuyên gia đã cùng đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy một trong 3 trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.

Cách nào chấm dứt tình trạng dự án 'có tiền không tiêu được'? ảnh 1

TS. Trần Du Lịch trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: BTC.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhìn nhận, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM tiếp tục mở rộng phân cấp, phân quyền về các thủ tục sẽ là yếu tố thúc đẩy tích cực cho đầu tư công, đồng thời cũng góp phần huy động nguồn lực, hạ tầng xã hội.

“Với nghị quyết này, TPHCM thuận lợi khi được quyết định các dự án thuộc nhóm A, rút ngắn được một phần thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi quyết xong đến lúc triển khai thì gặp phải trùng trùng điệp điệp nội dung tiếp theo phải làm như quy định chung”, TS Lịch nêu.

Cũng theo vị chuyên gia, lãnh đạo TPHCM rất tâm huyết và tập trung chỉ đạo giải ngân đầu tư công, gỡ từng điểm nghẽn để bảo đảm đạt mục tiêu từ đây đến cuối năm triển khai nhanh số vốn 79.000 tỷ đồng. Hiện UBND TPHCM và các sở ngành liên quan đã phân loại nhóm dự án giải ngân được trong tháng các tháng cuối năm.

Cách nào chấm dứt tình trạng dự án 'có tiền không tiêu được'? ảnh 2

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho biết các dự án đầu tư công hiện nay đều do nhà nước hay một ban quản lý dự án nào đó thực hiện. Các dự án đầu tư công thừa tiền nhưng vẫn nghẽn do cơ chế thủ tục, quy trình, trình tự và việc này đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ.

Theo ông Hòa, các cơ quan ban ngành cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận. Mặt khác, các dự án đầu tư công cần xã hội hóa để giải quyết điểm nghẽn.

“Tất cả thủ tục và phê chuẩn để tư nhân làm, sau khi hoàn thành chỉ cần nghiệm thu, đây có thể là cách tiếp cận trôi chảy và nhanh hơn”, ông Hòa góp ý.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học quốc gia Hà Nội - cho rằng, vấn đề mấu chốt, quan trọng là đẩy nhanh tiến độ để đưa các dự án vào triển khai và cuối cùng là sử dụng được. Giá trị đầu tư không phải chỉ là những con số để làm đẹp cho mục tiêu tăng trưởng mà điều quan trọng là tính lan tỏa, tính thu hút các đầu tư tư nhân và tính lan tỏa sang các ngành, các lĩnh vực khác.

Cách nào chấm dứt tình trạng dự án 'có tiền không tiêu được'? ảnh 3

TPHCM đang nỗ lực đẩy nhanh các dự án đầu tư công. Trong ảnh: công nhân thi công trên công trường dự án cải tạo môi trường và xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (Ảnh: Hữu Huy)

Theo ông Lê Bách Cương – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam thuộc Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã dành nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên tới năm 2025 cả nước sẽ đạt khoảng 3.000km đường cao tốc. Để hoàn thành mục tiêu, Bộ GTVT phối hợp với các bộ ngành tham mưu, cho phép triển khai một số cơ chế đặc thù để rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư.

Ông Cương nêu rõ, để thúc đẩy đầu tư công, đến khoảng 70% các đầu việc để các địa phương có thể đẩy nhanh, trong đó quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng bởi đây là khâu khó khăn nhất trong quá trình thực hiện.

MỚI - NÓNG