Cách mạng công nghiệp 4.0: Hãy thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới

Các khách mời tại buổi hội thảo “Cuộc sống thông minh trong kỷ nguyên 4.0”.
Các khách mời tại buổi hội thảo “Cuộc sống thông minh trong kỷ nguyên 4.0”.
TP - “Chúng ta đang sống trong một thế giới rất nhanh. Thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới. Khuyến khích thay đổi giáo dục, thay vì hình thức gọi dạ bảo vâng thì các thầy cô, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ học cách tranh luận. Hãy sẵn sàng làm công việc mới, sáng tạo hơn chứ không phải đợi người máy nghiền nát như trong những bộ phim”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương nói tại buổi tọa đàm “Cuộc sống thông minh trong kỷ nguyên 4.0” được tổ chức nhân sự kiện ký kết hợp tác chiến lược giữa MoMo và Uber ngày hôm qua, 29/11.

Nhìn nhận về làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế quốc hội cho rằng, CMCN 4.0 là khái niệm sử dụng đầu tiên tại Đức. Nó có nhiều cách thể hiện, đi từ nghiên cứu vào sản xuất, từ nghiên cứu vào ứng dụng đời sống. Việt Nam có 52 triệu tài khoản mạng xã hội không có nghĩa là chúng ta đã bước vào 4.0.

Ba năm trước, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam bắt đầu cho thí điểm hình thức đặt xe mới. Đến bây giờ, chúng ta thấy có hai nhóm phản ứng chính: người dùng thấy tiện lợi, nhưng taxi truyền thống thấy bị cạnh tranh. “Điều này đòi hỏi cơ quan nhà nước có chính sách tạo sân chơi bình đẳng giữa các bên, đặc biệt là các bên mới cần làm truyền thông tốt hơn”, ông Kiên nói.

Theo ông Lê Đăng Doanh, đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là sự kết nối, sử dụng công nghệ thông tin. Cho phép kết nối cá nhân với cơ quan doanh nghiệp, với ngân hàng, hình thành chuỗi giá trị. Nhờ có kết nối một cửa hàng bán phở hay bún chả có thể bán cho rất nhiều người ở khắp nơi. Trung Quốc đưa ra trí tuệ nhân tạo vào robot, gọi là tiểu y - bác sĩ nhỏ, có khả năng chẩn đoán bệnh. Công nghệ 4.0 giúp kết nối, tăng năng suất lao động, thay đổi phương thức kết nối giữa người dân với
chính quyền.

“Từ Uber và Momo sẽ mở ra tiềm năng về xe không người lái, thanh toán không dùng tiền mặt. Việt Nam đã bắt đầu và đã có kết quả ban đầu dựa trên CMCN 4.0”, ông Lê Đăng Doanh nhận định.

Có dự đoán cho rằng, 86% công nhân ngành may mặc, da giày có thể sẽ bị thay thế bởi robot, người lao động sẽ mất việc làm. Tuy nhiên, theo ông Doanh, các giáo sư Đức lại cho rằng nếu vận dụng sáng tạo và linh hoạt CMCN 4.0, con người sẽ không mất việc làm, họ sẽ buộc phải học tập, nâng cao trình độ để làm những công việc với trình độ cao hơn.

Về xu thế thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, TS Nguyễn Đức Kiên cho biết, sáng kiến sử dụng ví Momo được triển khai cách đây 10 năm. Thanh toán qua thiết bị di động sẽ tạo ra dòng tiền liên tục, không còn dòng tiền chết nhờ đó mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các doanh nghiệp. Về phía chính phủ, đã nhận thức được tầm quan trọng của thanh toán không tiền mặt. Từ đó đưa ra văn bản, hành lang để tiến hành chi trả không dùng tiền mặt. Hy vọng trong thời gian tới không dùng tiền mặt trở thành điều bình thường. “Dĩ nhiên, nó cũng đặt ra thách thức về an ninh mạng, bảo mật… phải có biện pháp để tăng thêm độ an toàn cho người sử dụng, thêm niềm tin cho xã hội”, ông Kiên lưu ý.

Ngày 27/11 tại Hà Nội, Uber và MoMo ký kết hợp tác chiến lược, theo đó, ví điện tử MoMo sẽ trở thành một trong ba phương thức thanh toán chính của dịch vụ Uber tại Việt Nam. Sự hợp tác này là cột mốc đánh dấu việc Uber - công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải tại hơn 70 quốc gia và MoMo - công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech (Financial technology – công nghệ tài chính) của Việt Nam cùng tiên phong trong công cuộc định hình cuộc sống thông minh cho người Việt. Dự kiến, ứng dụng trên sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam từ 1/1/2018.

MỚI - NÓNG