Đòi hỏi của khách hàng hiện đại
Mới đây, tại Đà Nẵng, Diễn đàn về công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành khách sạn đã thu hút sự góp mặt của các diễn giả, chuyên gia, đại diện các đơn vị dẫn đầu ngành sản phẩm công nghệ và các sản phẩm cung ứng dịch vụ - du lịch trên khắp thế giới.
Theo các đại biểu, AI đã hiện diện rất sâu trong ngành du lịch, từ tìm kiếm thông tin, hỗ trợ lên kế hoạch chuyến đi, phục vụ du khách tại sân bay, khách sạn, phòng ngủ… đến các trải nghiệm mang tính cá nhân khác.
Trợ lý ảo hỗ trợ tất tần tật thông tin về du lịch Đà Nẵng cho du khách. Ki-ốt chatbot này được đặt tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hiền |
Ông Benny Wee, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty công nghệ Vendfun cho hay, ở nhiều nước, các khách sạn đều bố trí ki ốt AI để đón tiếp khách, giúp khách nhận và trả phòng, hỗ trợ khách mua đồ ăn, nước uống, hướng dẫn các lối đi, khu vực trong khách sạn…
“Chúng ta cần có AI để phục vụ du khách hiện đại. Họ muốn tìm kiếm và hỗ trợ mọi thứ ở một nơi, ở trên một mặt phẳng, với yêu cầu nhanh, thông minh, chính xác”.
Cũng như nhà sáng lập Vendfun, các đại biểu đều cho rằng cách mạng AI trong lĩnh vực khách sạn nói riêng và du lịch nói chung là điều hiển nhiên phải làm trong thời đại 4.0. Nơi nào bỏ qua, nơi đó tụt hậu, tuột khỏi guồng quay của ngành “công nghiệp không khói”.
“Chúng ta được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh giá là một trong 10 quốc gia có ngành du lịch phát triển nhất thế giới. Cả nước có 38.000 cơ sở lưu trú, vì vậy việc cần đến công nghệ tiên tiến để phát triển trong thời kỳ hội nhập là cực kỳ quan trọng”.
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần trí tuệ Việt Nam AIAIVN cho hay, đơn vị đã phối hợp với Sở Du lịch TP Đà Nẵng thí điểm ki ốt chatbot tại sân bay Đà Nẵng, với trợ lý ảo hỗ trợ tất tần tật những thông tin về du lịch thành phố cho du khách. Du khách chỉ cần đặt câu hỏi, trợ lý ảo sẽ đưa ra câu trả lời, hình ảnh được cập nhật từ kho dữ liệu của ngành du lịch thành phố bằng 10 ngôn ngữ.
Không chỉ vậy, du khách ở các nước khác cũng có thể truy cập để hỏi thông tin về du lịch Đà Nẵng qua “cô trợ lý” này. Theo ông Tuấn, sân bay là cửa ngõ của thành phố, du khách được hỗ trợ ngay từ lúc đặt chân xuống thể hiện sự chu đáo, tiện ích của địa phương.
Robot bồi bàn phục vụ trong nhà hàng, khách sạn thu hút sự quan tâm của các cơ sở lưu trú |
Robot lễ tân, bồi bàn hút doanh nghiệp
Tại Đà Nẵng - thủ phủ du lịch miền Trung, hiện rất “hiếm” khách sạn có robot phục vụ du khách. Các khâu đón tiếp, lễ tân, hướng dẫn, vận chuyển…đáng ra có thể giao cho robot thì nhân viên vẫn phải làm. Ông Phùng Tuấn Anh, Giám đốc kinh doanh quốc tế Công ty Keenon Robotics nêu thực tế, công việc của nhân viên khách sạn tẻ nhạt, lặp đi lặp lại.
Nhiều bộ phận cường độ làm việc cao, áp lực công việc lớn khiến họ xin nghỉ, đẩy khách sạn vào thế thiếu nhân sự. Hơn nữa, chi phí nhân công trong hoạt động khách sạn không ngừng tăng, do đó robot là “phép giải” cho bài toán đau đầu này.
Thử nghiệm tính năng “bồi bàn” của robot, chị Hoài Thu (45 tuổi, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bày tỏ rất hài lòng khi được phục vụ nhanh chóng, chính xác nhu cầu. “Đây là lần đầu tiên tôi thao tác trực tiếp trên robot, để nó phục vụ mình. Một trải nghiệm rất mới mẻ và thú vị, hy vọng các khách sạn trang bị sản phẩm công nghệ này để khách hàng được gia tăng trải nghiệm”, chị nói.
“Robot luôn ở chế độ chờ 7x24 giờ, sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào, đó là điều mà con người khó có thể. Có robot sẽ tiết kiệm nhân công, thời gian làm việc.
Hơn hết là thu hút khách hàng bằng sự mới lạ, tạo sự khác biệt và điểm nhấn marketing trong thị trường khách sạn cạnh tranh khốc liệt”, ông Tuấn Anh phân tích.
Theo đó, trong lĩnh vực khách sạn có 3 loại robot ứng dụng phổ biến là robot lễ tân, robot phục vụ bàn và robot vận chuyển hàng. Robot lễ tân đứng ở mặt tiền - là bộ mặt thể hiện cơ sở này đã ứng dụng công nghệ ở mức độ nào.
Khi có khách, robot chào hỏi và giới thiệu về khách sạn, đồng thời đề nghị được hỗ trợ, sau đó hướng dẫn khách đến quầy lễ tân, thang máy hoặc phòng theo nhu cầu.
Robot lễ tân được sử dụng thường xuyên tại Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hiền |
Khi dàn robot từ khắp nơi hội tụ tại Đà Nẵng, các khách sạn, doanh nghiệp bị cuốn hút bởi sự nhạy bén cùng các tính năng vượt trội. Càng thú vị hơn vì họ tận thấy sản phẩm công nghệ ngay trước mắt, có thể “sai khiến” chứ chẳng còn trầm trồ ao ước như trước.
Một đơn vị ở miền Bắc mang tới robot bồi bàn có 3 ngăn, màn hình cảm ứng, có thể thay thế nhân viên phục vụ bàn trong khách sạn, nhà hàng. Khách hàng muốn gọi món sẽ chọn thực đơn trên màn hình, robot lập tức chuyển thông tin về trung tâm xử lý, sau đó đến khu vực bếp hoặc quầy ăn nhận món và trở lại đúng vị trí nơi khách ngồi giao món.
Đại diện đơn vị cho hay các nước Trung Quốc, Hàn Quốc… đã sử dụng robot này phổ biến, hầu như đi khách sạn nào cũng gặp. Tuy nhiên ở Việt Nam và Đà Nẵng còn rất hạn chế.
Một robot khác gây ấn tượng khi đảm nhận công việc “shipper” ngoài trời lúc nắng mưa. Robot có 4 bánh xe chắc chắn, trên lưng là khoang chứa hàng khá to được đậy kín. Người sử dụng chỉ cần nhập địa chỉ đến dựa trên hệ thống định vị cài đặt, robot sẽ giao hàng chính xác. Các doanh nghiệp cũng bị hấp dẫn bởi robot lễ tân có giá khoảng 15.000USD của Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng.
Trên sân khấu, robot nói lời chào, vẫy tay với mọi người, mang tài liệu cho đại biểu. Ngày thường, “nhân viên” này sẽ chào đón, hướng dẫn khách để giúp tiết kiệm nhân lực, đồng thời thể hiện khách sạn luôn cập nhật, ứng dụng công nghệ tốt nhất để phục vụ khách hàng.
Các robot phục vụ trong khách sạn hội tụ tại Đà Nẵng |
Ở lĩnh vực y tế du lịch, Bệnh viện 199 – Bộ Công an mang tới robot vận chuyển mẫu máu, mẫu nước tiểu. Robot này thường đứng nhận mẫu ở cửa thang máy, nhân viên mang mẫu tới đây sẽ được robot vận chuyển đến phòng xét nghiệm, giúp nhân viên y tế tiết kiệm thời gian, quãng đường di chuyển. Bệnh viện cho hay sẽ mở rộng thêm các ứng dụng phát thuốc, phát cơm, đón tiếp người bệnh tại sảnh…
Các cơ sở lưu trú thừa nhận, robot mang lại một làn gió mới cho khách sạn, nhất là trong thời đại 4.0. Đại diện khách sạn Furama Đà Nẵng bày tỏ rất hứng thú với robot bồi bàn và đang tìm hiểu để mua robot này về phục vụ trong khách sạn.