Cách mạng 4.0: Vĩnh Phúc đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử

Trong thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc không phê duyệt những dự án có nền tảng khoa học kỹ thuật lạc hậu mà lựa chọn những dây chuyền công nghệ tiên tiến.
Trong thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc không phê duyệt những dự án có nền tảng khoa học kỹ thuật lạc hậu mà lựa chọn những dây chuyền công nghệ tiên tiến.
Trong bối cảnh nhiều thuận lợi đi kèm những khó khăn từ cuộc Cách mạng 4.0, Vĩnh Phúc xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, mục tiêu về đích trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền vì nhân dân và phục vụ nhân dân.

Cơ hội đảo chiều

Tại một diễn đàn cấp cao về tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã vào Việt Nam và đã rất gần chúng ta. Và trong bối cảnh này, bên cạnh nhiều lợi thế, chúng ta vẫn còn những bất cập cần khắc phục. “Công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó", Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội. Đây cũng được coi là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về các lĩnh vực đầu tư thương mại, dịch vụ, giáo dục…

Là một trong những địa phương luôn đi đầu trong cải cách, đổi mới từ khoán 10 trong nông nghiệp cho đến sau này là phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư của các tập đoàn nước ngoài, Vĩnh Phúc hưởng ứng và chuẩn bị ra sao trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 này?

Chia sẻ về điều này, Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc nhìn nhận, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh tại các nước phát triển, mang đến cho nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng cơ hội để thay đổi bộ mặt nền kinh tế, đi kèm với đó là những rủi ro tiềm ẩn. “Vĩnh Phúc xác định, đây là thời cơ, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho hay.

Về cơ hội, Vĩnh Phúc xác định, cuộc cách mạng lần thứ 4 này là ứng dụng các thành quả 4.0 trong việc nâng cao hiệu suất lao động, chất lượng và giá thành sản phẩm, tham gia vào quy trình quản lý, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho xã hội trong tất cả các ngành nghề kinh tế - xã hội như: Nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học, công nghiệp, vật liệu, khoa học và giáo dục…

Còn về thách thức, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể gây ra sự bất bình đẳng, đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. “Đây là vấn đề, thách thức lớn nhất có thể ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và Việt Nam nói riêng. Những yếu tố chủ yếu của Cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Vạn vật kết nối và dữ liệu lớn hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhiều tầng lớp lao động chính từ lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật lao động phổ thông, giá rẻ”, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận.

Xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ

Trong bối cảnh cơ hội đi kèm thách thức, vừa qua Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó có 7 nguyên tắc, 10 nhóm giải pháp và lộ trình cụ thể thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững. Để chuẩn bị, đón đầu các cơ hội, đối phó với những khó khăn, thách thức nêu trên, Vĩnh Phúc định hướng: Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh dựa trên thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải được thực hiện tuân thủ các nguyên tắc, giải pháp và lộ trình cụ thể tại đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam theo Quyết định 950 của Thủ tướng.

“Việt Nam là nước đi sau trong cách mạng công nghiệp 4.0, xuất phát điểm thấp hơn so với những nước phát triển. Do đó chúng ta phải xác định tích cực học hỏi, nghiên cứu các mô hình thành công trong khu vực cũng như thế giới. Từ đó có chọn lọc ứng dụng một cách mềm mại, khoa học vào thực tế hiện trạng của địa phương, nhằm đạt mục tiêu nâng cao hiệu suất lao động, chất lượng và giá thành sản phẩm, tham gia vào quy trình quản lý, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho xã hội trong tất cả các ngành nghề”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc cho hay.

Để đối đầu với các thách thức, Vĩnh Phúc xác định những năm tiếp theo, nguồn lực lao động phổ thông, giá rẻ không còn là thế mạnh mà phải tập trung nâng cao chất lượng lao động, phải đào tạo được đội ngũ lao động làm chủ được những dây chuyền sản xuất tự động với nền tảng vạn vật kết nối, tự động hóa, 3D cũng như trí tuệ nhân tạo.

Trong thu hút đầu tư, tuyệt đối không phê duyệt những dự án có nền tảng khoa học kỹ thuật lạc hậu mà phải lựa chọn những dây chuyền công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người công nhân, từ đó tiệm cận được các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc nghiên cứu áp dụng các quy trình sản xuất nông sản sạch, nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nâng cao năng suất, nghiên cứu các giống mới, nâng cao chất lượng nông sản hướng tới xuất khẩu là bài toán cần được chú trọng, thực hiện.

Đồng thời, chủ động, tiên phong ứng dụng thành quả khoa học trong giáo dục, văn hóa và chăm sóc sức khỏe người dân từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định xã hội. Trong xây dựng chính quyền cần quyết liệt, triệt để ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, mục tiêu về đích trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền vì nhân dân và phục vụ nhân dân.

MỚI - NÓNG