Cách ly 100 người tiếp xúc gần với thầy giáo coi thi mắc COVID-19

Đo thân nhiệt cho thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Quảng Nam. Ảnh H. Văn
Đo thân nhiệt cho thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Quảng Nam. Ảnh H. Văn
TPO - Liên quan đến thầy giáo coi thi tốt nghiệp mắc COVID-19, ngành chức năng địa phương đã tiến hành cách ly y tế 100 trường hợp có tiếp xúc gần

Ngày 19/8, lãnh đạo UBND thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), cho hay, ngành y tế đã tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với 51 trường hợp có tiếp xúc gần với ông N.T.C (34 tuổi; trú thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam). Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực xung quanh Trường THPT Khâm Đức.

Ông C. là giáo viên trường THPT Nông Sơn. Ngành chức năng huyện này cho hay, hiện đã rà soát, xác định có ít nhất 49 tiếp xúc gần với ông C. Trong 49 người, có 32 cán bộ, giáo viên; 17 học sinh trường THPT Nông Sơn. Những người này đã được lấy mẫu xét nghiệm.

Liên quan đến sự việc trên, lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Nam cho biết, ông C đã có báo cụ thể. Từ ngày 13/7 đến 17/7 ông C có đi chăm vợ tại bệnh viện Đà Nẵng. Khi có thông tin dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng, ngày 31/7 vợ chồng ông có đến khai báo y tế tại Trạm xá xã Cẩm Thanh.

Tuy nhiên, sau khi khai báo xong, vợ chồng ông không nhận được thông báo, quyết định nào về việc cách ly tập trung hay cách ly tại nhà và tình hình sức khỏe của vợ chồng ông hoàn toàn bình thường. Nếu tính từ ngày ông đến bệnh viện Đà Nẵng (13/7) đến ngày đi coi thi (8/8) thì đã hơn 20 ngày. Ông NTC thực hiện xong việc coi thi và về lại nhà vào ngày 10/8.

Sau khi đi coi thi về, đến ngày 14/8 vợ ông mới được cơ quan y tế địa phương gọi đi lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày 17/8 mới có kết quả dương tính với SARS –CoV – 2.  

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Nam, trường hợp liên quan đến dịch bệnh xảy ra và phát hiện sau khi tỉnh Quảng Nam tổ chức kỳ thi. Hiện, UBND tỉnh có Công văn về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, giao cho Sở GDĐT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2; đồng thời chỉ đạo các trường THPT làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tâm lý cho các em học sinh để tập trung ôn tập thi đợt 2 đạt kết quả.

Gần 100 điểm cầu kết nối tư vấn khám chữa bệnh từ xa với tâm dịch Đà Nẵng

Bệnh viện Bạch Mai vừa tổ chức buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Tele-Health) chuyên ngành Hồi sức tích cực chuyên đề "Lưu ý trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19" với sự tham gia của các bác sĩ chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Nội và các học viên quan tâm...

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Bạch Mai triển khai buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa trên diện rộng với sự kết nối của gần 100 điểm cầu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Quyết định 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.

Tại buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên ngành Hồi sức tích cực lần này, có các báo cáo viên của BVĐK khu vực Quảng Nam; BV Nhiệt đới tỉnh Hải Dương tại các điểm cầu. Các chuyên gia cũng sẽ cùng thảo luận về các ca bệnh điển hình.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa là một trong những nhóm giải pháp quan trọng khi dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao ở Việt Nam.

Dự án khám, chữa bệnh từ xa sẽ góp phần thực hiện “chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, giúp nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh tuyến dưới và năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện, giảm tỷ lệ chẩn đoán nhầm, chẩn đoán chậm; bệnh viện tuyến dưới được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”.

Các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Củng cố niềm tin của người dân với bệnh viện tuyến dưới, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới lên bệnh viện tuyến trên, giảm thời gian, kinh phí đi lại…

Tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên ở tuyến Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

MỚI - NÓNG