Vì thế bạn cần được khám theo dõi thật sát trong suốt thai kỳ. Đôi khi có triệu chứng phát sinh nên báo cho bác sĩ và cần được chăm sóc đặc biệt.
Thiếu máu
Nhiều phụ nữ bị thiếu máu nhẹ trước khi mang thai do thiếu sắt trong cơ thể. Khắc phục tình trạng này là điều quan trọng để bạn đối phó được các nhu cầu gia tăng của tiến trình thai nghén và mọi nguy cơ thiếu máu lúc chuyển dạ.
Ngoài chế độ ăn là các thực phẩm giàu sắt như các loại thịt nạc, thịt bò, phủ tạng như tim, gan, tiết gia súc gia cầm, trứng sữa, đậu đỗ, rau có màu xanh đậm bạn cần bổ sung viên sắt, nếu vẫn thiếu máu cần được cần nhắc và điều trị nguyên nhân thiếu máu.
Vì thiếu máu ở thai phụ là một yếu tố đe dọa sản khoa, khi sinh dễ gặp rủi ro. Tỷ lệ tử vong khi đẻ ở những người mẹ thiếu máu cao hơn hẳn ở những người mẹ bình thường. Đối với con thiếu máu gây tình trạng đẻ non và tử vong sơ sinh cao. Người mẹ có thai cần được theo dõi các biểu hiện thiếu máu, tốt nhất là thử máu và khám thai chậm nhất là vào tháng thứ 4 sau khi có thai. Sử dụng viên sắt-acid folic theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Bệnh đái đường
Bệnh tiểu đường phải được theo dõi và điều trị cẩn thận trong lúc có thai. Bạn phải giữ mức đường trong máu ổn định. Nếu bạn làm được điều đó thì không có lý do gì mà tiến trình thai nghén không diễn ra một cách êm xuôi. Tuy nhiên cần phần biệt bệnh đái tháo đường có sẵn và đái tháo đường thai kỳ.
Thường thai khoảng 6 tháng nhiều trường hợp chị em từ trước không có tiền sử đái tháo đường nhưng khi mang thai ở giai đoạn này xét ngiệm máu lại có đái tháo đường (gọi đái tháo đường thai kỳ). Những trường hợp đái tháo đường thai kỳ cần có chế độ ăn uống hợp lý, không được kiêng quá mức thai sẽ suy dinh dưỡng nhưng nếu không biết cách thì thai sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi sinh.
Tuy nhiên nếu đái tháo đường thai kỳ thì thường mất đi sau đẻ 1 tháng nhưng cũng có khi trở thành bệnh đái tháo đường. Do vậy cần khám thai định kỳ để theo dõi sát sự phát triển của thai để tiên lượng cuộc đẻ, phòng các biến chứng khi sinh như thai nhi hạ đường huyết hoặc thai to phải can thiệp phẫu thuật…
Hở eo tử cung
Trong tiến trình thai nghén bình thường, cổ tử cung khép kín cho đến khi bắt đầu chuyển dạ. Tuy nhiên trong trường hợp hay bị sẩy thai sau tháng thứ ba, thì hiện tượng này có thể là do cổ tử cung yếu nên không đóng kín (gây sẩy thai).
Đặc điểm sẩy thai do hở eo tử cung là tuổi thai ngày càng nhỏ dần, tức lần sẩy thai sau tuổi thai nhỏ hơn lần trước. Những trường hợp này cần được khám xác định nếu đúng do hở eo tử cung cần được “khâu vòng” trong 3 tháng đầu của thai nghén nhằm vít hẹp lỗ trong của cổ tử cung để bảo vệ túi ối và sẽ cắt chỉ khi có dấu hiệu chuyển dạ hoặc khi thai đủ tháng
Tiền sản giật
Đây là một trong những vấn đề thường gặp trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Các dấu hiệu báo động là: huyết áp tăng cao trên 140/90mmHg, tăng cân quá mức, sưng phù mắt cá chân và tay, và có vết protein trong nước tiểu.
Nếu cứ để huyết áp tăng cao không chữa trị, hiệu chứng này có thể tiến triển thành chứng sản giật, là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể xuất hiện những cơn co giật. Ngoài ra, các bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính có từ trước khi có thai thường nặng nên trong khi thai nghén và cũng có thể gây ra biến chứng sản giật. Đặc biệt sản giật hay gặp ở những người trẻ, đẻ con so, người lao động nặng ít được nghỉ ngơi khi gần đẻ và hay xuất hiện vào mùa rét mỗi khi thời tiết thay đổi.
Thai kém phát triển
Điều này có thể sẽ xảy ra nếu bà mẹ mang thai hút thuốc, uống nhiều rượu, hoặc có một chế độ ăn nghèo nàn, hoặc do bà mẹ mắc phải một bệnh nội khoa tổng quát (như bệnh đái đường, bệnh lao chẳng hạn). Đôi khi một số thuốc mà người mẹ dùng là nguyên nhân làm cho thai kém phát triển.
Nhận biết thai kém phát triển bằng siêu âm để đo vòng đầu, vòng bụng và chiều dài xương đùi. Nếu thai nhỏ cần theo dõi thai bằng siêu âm thường xuyên hơn để theo dõi sự phát triển của thai. Đôi khi cần chọc ối để đánh giá tình trạng thai và tìm nguyên nhân gây kém phát triển (bệnh di truyền, nhiễm khuẩn). Người mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn và thực hành chế độ ăn giàu dinh dưỡng, không uống rượu, không hút thuốc lá là cách giúp cho thai phát triển tốt.
Đa thai
Thời gian thai nghén và lúc chuyển dạ của bạn sẽ diễn tiến bình thường, mặc dù bạn sẽ trải qua hai giai đoạn chuyển dạ, và có thể bạn sẽ bị chuyển dạ sớm hơn dự kiến( sinh thiếu tháng). Bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị biến chứng hơn thí dụ như thiếu máu, tiền sản giật và hai em bé nằm ở vị trí bất thường trong tử cung. Có thể bạn sẽ thấy là các rối loạn thường gặp trong thai kỳ sẽ gia tăng gấp bội, đặc biệt trong các tháng cuối.
Chảy máu ở âm đạo
Nếu bạn thấy có máu chảy từ âm đạo ra ngoài vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ, bạn hãy mời bác sĩ đến ngay không được chậm trễ và nằm yên trên giường. Trước tuần lễ thứ 28, đây có thể là dấu hiệu báo bạn bị sẩy thai.
Nếu chảy máu âm đạo sau tuần thứ 28 có nghĩa là nhau thai bị chảy máu. Hiện tượng này xảy ra là do nhau thai bắt đầu tróc ra khỏi thành tử cung (bong rau), hoặc là trong trường hợp nhau thai bám quá thấp trong tử cung (rau bám thấp), và phủ hẳn, hay phần nào lên cổ tử cung (rau tiền đạo).
BS. Nguyễn Kim Dung