Các trường ĐH sẽ tự cấp bằng

Các trường ĐH sẽ tự cấp bằng
TP - Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa-giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, đó là sự đột phá về quyền tự chủ, nếu Luật GD ĐH được thông qua. Khi đó sẽ có một hình ảnh mới của GDĐH ở Việt Nam.

Vì sao ông tin tưởng như vậy?

Vì bản dự thảo lần này giải quyết tương đối thỏa đáng tất cả các vấn đề lớn như: phân tầng GD, xã hội hóa GD, vấn đề tự chủ của các cơ sở GD ĐH, kiểm định chất lượng, hoạt động quốc tế? mặc dù đang ở giai đoạn tiếp thu ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội.

Phân tầng đại học đã được nói đến nhiều lần. Có gì mới không, thưa ông?

Sau khi UB Thường vụ QH nhấn mạnh vào việc cần làm rõ hơn sự phân tầng các cơ sở GDĐH, bản dự thảo có hẳn một điều quy định rõ tiêu chí để phân tầng, phân công các thẩm quyền xếp hạng cho các cơ sở GD ĐH. Có hai tiêu chí mới sẽ làm thay đổi diện mạo hệ thống GD ĐH ở Việt Nam là tiêu chí về chất lượng và tỷ trọng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Một điều đặc biệt nữa là các tiêu chí xếp hạng này không dành riêng cho trường công lập mà cho cả trường tư thục. Trong bảng xếp hạng năm 2005 có 4 Hạng: hạng đặc biệt gồm ĐHQG và học viện chính trị Quốc gia; hạng hai gồm ĐH vùng và ĐH trọng điểm, hạng tiếp theo là các trường ĐH còn lại, tất cả cao đẳng (CĐ) được xếp vào vị trí cuối cùng. Nay, tất cả các trường được bình đẳng trên một “đấu trường”.

Theo các tiêu chí như hiện nay, tôi cho rằng phải thêm một số tầng nữa cho các trường ĐH; ví dụ, ĐHQG, ĐH vùng, ĐH trọng điểm cũng còn phải căn cứ vào chất lượng mà phải phân loại ra nữa. Một trường có thể ở 2 tầng, thậm chí 3 tầng khác nhau căn cứ vào chất lượng đào tạo và tỷ trọng nghiên cứu khoa học. Một ĐH tầng dưới có thể phấn đấu vươn lên tầng cao hơn; hoặc một trường CĐ chắc gì đã thua một trường ĐH dở.?Bảng xếp hạng này sẽ thay đổi bình đẳng hơn, tạo động lực để cho các cơ sở đào tạo phấn đấu lên cao hơn. Nếu làm như vậy, theo tôi, phải có tối thiểu 6 tầng!

Các đại học quốc gia được tự chủ gần như hoàn toàn (trong ảnh: SV ĐHQG Hà Nội) Ảnh: Hồng Vĩnh
Các đại học quốc gia được tự chủ gần như hoàn toàn (trong ảnh: SV ĐHQG Hà Nội) Ảnh: Hồng Vĩnh.

Sau một thời gian các trường đua nhau đòi quyền tự chủ, hiện vấn đề đã đạt đến mức độ nào thưa ông?

Phần lớn các cơ sở GD ĐH ở Việt Nam chưa phải là cơ sở GD ĐH một cách thực thụ. Bởi vậy, chúng ta sẽ đặt ra một ngưỡng, cơ sở nào đạt được chuẩn một cơ sở GD ĐH thực thụ thì được hưởng đầy đủ quyền tự chủ, cơ sở nào chưa đạt được chuẩn chỉ được quyền tự chủ trong một số hoạt động chủ yếu trong khi một số hoạt động khác vẫn phải được giao quyền tự chủ căn cứ vào năng lực để đảm bảo chất lượng và việc thực hiện quyền tự chủ một cách hiệu quả.

Vậy sự đột phá về quyền tự chủ là ở đâu?

Tất cả các trường đều được tự định chỉ tiêu, tự tuyển sinh, tự chủ chương trình và giáo trình… Đặc biệt sự đột phá là ở chỗ tất cả các cơ sở GD ĐH được in phôi bằng và được cấp bằng, quyền này trước chỉ dành cho ĐHQG mà thôi. Ngoài ra, tất cả các cơ sở GD ĐH được giao đào tạo tiến sĩ đều được ký bằng tiến sĩ (trước đây đều do Bộ GD &ĐT ký).

Như vậy, các cơ sở GD được tự chủ gần như tất cả các khâu chính của quá trình đào tạo, ngoại trừ việc mở ngành và chuyên ngành vì từng trường thì không thể giải quyết được quy hoạch nguồn nhân lực chung của cả nước. Nay, ĐHQG và ĐH vùng các cơ sở GD đạt chuẩn sẽ được thực hiện mở ngành. Đó vừa là sự khuyến khích đối với các trường, vừa là sự ngăn chặn với những trường lộn xộn, không có đủ người, không có nghiên cứu vẫn mở ngành.

Dư luận đang băn khoăn về văn bằng, chứng chỉ. Để các trường tự in và cấp bằng có gây thêm sự hỗn loạn về bằng cấp không?

Chất lượng các trường ĐH, CĐ không đồng đều, nếu chúng ta dùng chung một phôi bằng do Bộ GD&ĐT cấp tức là đánh đồng chất lượng tất cả các trường ĐH như nhau. Nếu trường không ký bằng, Bộ GD&ĐT ký tức là đã vô hình trung hợp pháp hóa chất lượng của các trường. Kể các cơ sở không đạt chất lượng, hoạt động bôi bác, bị phạt, bị đình chỉ, nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm và đứng ra giải quyết . Không nên để nhà nước đứng ra bảo trợ cho tất tật mọi thứ trong khi nhà nước không đủ sức để kiểm soát chất lượng. Giao quyền tự chủ cho các trường về chất lượng và cấp bằng là đúng và sẽ buộc các trường phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng, về tấm bằng mình cấp và về thương hiệu của trường.

Các trường tự quyết định chương trình, giáo trình, tự đào tạo, tự cấp bằng. Trường nào cũng vừa đá bóng vừa thổi còi thế, ai làm trọng tài?

Hiện chỉ có một cơ quan kiểm định chất lượng là Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, đó chỉ là cơ quan quản lý. Việc kiểm định chất lượng phải là cơ quan sự nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ công lập. Trong tương lai, để đảm bảo công tác kiểm định chất lượng có hiệu quả, cần có các tổ chức kiểm định chất lượng có thể là của các hiệp hội đại học. và văn bản lần này đã quy định rõ các tổ chức kiểm định chất lượng có thể là của nhà nước hoặc trung tâm kiểm định độc lập đảm bảo một số điều kiện được phép kiểm định theo hướng độc lập khách quan.

Ông có nói về khái niệm phi lợi nhuận kiểu Việt Nam, xin ông giải thích rõ hơn?

Đó là điều mà văn bản lần này coi như đã đạt được một bước tiến quan trọng cho vấn đề bấy lâu nay gây tranh cãi, bức xúc. Đó là việc xác định một cách rõ ràng thế nào là một trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Chúng ta không rập khuôn khái niệm trường phi lợi nhuận của quốc tế. Quốc tế hiểu khái niệm trường phi lợi nhuận là không chia lợi nhuận cho người góp vốn nhưng ở VN chúng ta phải chấp nhận thực tế là chưa có những người đầu tư đóng góp nên cần đảm bảo một phần quyền lợi chính đáng của người đầu tư. Vì vậy, nếu chia lợi nhuận cho họ phải đảm bảo bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng. Lợi nhuận thu được phải giữ lại 25% để phát triển, phục vụ cho đào tạo và sẽ được miễn thuế phần này.

Tới đây sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ do trường cấp bằng Ảnh: Hồng Vĩnh
Tới đây sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ do trường cấp bằng Ảnh: Hồng Vĩnh.

Có thể hình dung đây là những quyết định đã đi đến điểm nút chưa, thưa ông?

Vào kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 6-2012 sẽ đưa dự thảo Luật ra để đại biểu QH thảo luận, UB Thường vụ lại tiếp tục tiếp thu và giải trình lần nữa. Đến cuối kỳ họp, Luật GD ĐH sẽ được biểu quyết thông qua, vào giữa tháng 6-2012.

Nếu được thông qua, ngày 1-1- 2013 Luật GD ĐH sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Cám ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG