Theo dự thảo, về cơ bản năm 2023, Bộ Công an vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh vào các Học viện, Trường Công an Nhân dân (CAND) như năm 2022.
Ảnh: internet |
Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra một số điểm mới thí sinh cần lưu ý.
Trong đó, năm 2023, Bộ Công an dự kiến sẽ hạ tiêu chuẩn học lực, chiều cao đối với thí sinh dự tuyển và thí sinh thuộc đối tượng 01 công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có nơi thường trú trong thời gian học THPT hoặc trung cấp trên 18 tháng tại khu vực I gồm các xã khu vực I, II, III và xã thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc, miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và diện đầu tư của chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Quy định về học lực và sức khoẻ cụ thể như sau: Thí sinh thuộc đối tượng 01 học lực trung bình trở lên theo kết luận học bạ (năm 2022, quy định học lực Khá). Thí sinh thuộc đối tượng 01 theo quy định của Bộ GD&ĐT có chiều cao đạt từ 1m60 đến 1m95 đối với nam; đạt từ 1m55 đến 1m80 đối với nữ (so với năm 2022, giảm 2cm đối với thí sinh nam và 1cm đối với thí sinh nữ).
Điểm ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp năm 2022 và 2023
Về chế độ ưu tiên, đối với thí sinh dự tuyển đào tạo đại học chính quy tuyển mới, áp dụng điểm ưu tiên theo Thông tư số 08/2022 của Bộ GD&ĐT; đối với thí sinh đào tạo hệ trung cấp, áp dụng theo Thông tư số 05/2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Cụ thể, điểm ưu tiên chỉ áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp THPT trong năm 2022 và 2023. Các thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2021 về trước không được cộng điểm ưu tiên khu vực (số chiến sĩ nghĩa vụ và thí sinh tự do).
Thí sinh đạt tổng điểm của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào trường CAND chiếm tỷ lệ 40% và điểm bài thi đánh giá của Bộ Công an chiếm tỷ lệ 60% được quy về thang điểm 30 làm tròn đến 2 số thập phân từ 22,5 điểm trở lên thì điểm ưu tiên của thí sinh được tính như sau: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x (điểm ưu tiên khu vực, điểm ưu tiên đối tượng + điểm thưởng).
Ngoài ra còn có điểm mới khác mà Tiền Phong đã thông tin như bài thi đánh giá tuyển sinh CAND năm nay bỏ 2 mã bài thi CA3, CA4; chỉ còn lại 2 mã là bài CA1 (trắc nghiệm lĩnh vực tự nhiên, xã hội, ngôn ngữ Anh và tự luận Toán) và CA2 (trắc nghiệm lĩnh vực tự nhiên, xã hội, ngôn ngữ Anh và tự luận Ngữ văn). Cấu trúc bài thi gồm 2 phần: Phần trắc nghiệm (lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và ngôn ngữ Anh) và phần tự luận (Toán hoặc Ngữ văn). Thời gian làm bài thi: Tổng thời gian làm bài 180 phút (phần trắc nghiệm 90 phút, phần tự luận 90 phút). Thí sinh chọn 1 trong 2 mã bài thi để dự thi, gồm: CA1 (phần thi trắc nghiệm và tự luận Toán) hoặc CA2 (phần thi trắc nghiệm và tự luận Ngữ văn).
Bổ sung chứng chỉ quốc tế được phép tuyển thẳng
Bộ Công an giữ 3 phương thức xét tuyển như năm 2022 gồm: xét tuyển thẳng thí sinh đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; kết hợp kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an và điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ở phương thức xét tuyển chứng chỉ quốc tế, năm 2023, Bộ Công an dự kiến sẽ bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được phép tuyển thẳng gồm: Tiếng Tây Ban Nha (DELE), tiếng Pháp (DELF C1), tiếng Nga (TRKI 3), Tiếng Đức C1, Tiếng Nhật (JLPT N1), tiếng Hàn (TOPIK II Level 4), tiếng Ý (CELI 4). Điều này nhằm thu hút được những thí sinh có trình độ ngoại ngữ cao, đặc biệt là những ngoại ngữ mà hiện nay Bộ Công an chưa đào tạo được trong các học viện, trường CAND.
Ở phương thức xét tuyển thẳng, năm nay, Bộ Công an cũng dự kiến chỉ lấy thí sinh đoạt giải nhất các cuộc thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế (bỏ giải Nhì, giải Ba so với năm 2022). Giải Nhì, giải Ba dùng để tuyển thẳng đối với hệ trung cấp CAND.