Theo Tân Hoa xã tối 30/7, Hội nghị Bộ Chính trị trung ương ĐCS Trung Quốc họp xem xét và thông qua “Báo cáo của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Quân ủy Trung ương về tình hình tổ chức điều tra và xin ý kiến xử lý đối với Quách Bá Hùng”; đã quyết định khai trừ đảng tịch Quách Bá Hùng và chuyển giao vấn đề cùng các manh mối phạm tội nghiêm trọng nhận hối lộ cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cơ quan Viện Kiểm sát quân sự xử lý theo pháp luật.
Hai người chỉ huy cao nhất trong quân đội bị trừng trị
Bản tin cho biết: Ngày 9/4/2015, Trung ương ĐCS Trung Quốc quyết định tiến hành điều tra nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng và thấy ông ta đã “lợi dụng chức vụ, mưu cầu lợi ích cho người khác như việc thăng cấp, trực tiếp hoặc thông qua người nhà nhận hối lộ, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, liên quan phạm tội nhận hối lộ, tình tiết nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu”.
Hội nghị Bộ Chính trị khẳng định “việc điều tra xử lý Quách Bá Hùng vi phạm kỷ cương pháp luật thể hiện quyết tâm kiên định và ý chí kiên cường, kiên định trừng trị tham nhũng của trung ương Đảng, nhất là trong quân đội… Như vậy, Quách Bá Hùng đã thế chỗ Từ Tài Hậu trở thành “quân trung Đệ nhất lão Hổ” bị hạ bệ bởi ông ta là Phó chủ tịch Quân ủy thứ nhất, chỉ đứng sau Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy; Từ Tài Hậu là phó thứ 2. Việc Quách Bá Hùng bị điều tra và sẽ bị xét xử cho thấy hai người chỉ huy cao nhất trong quân đội Trung Quốc thời kỳ 2002 - 2012 đều đã bị trừng trị. Đó là điều chưa từng có trong lịch sử nước này.
Mặc dù Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đều chính thức nghỉ hưu từ tháng 3/2013, nhưng cả hai đều không thoát khỏi bị trừng trị vì những tội phạm phải trong thời gian đương chức.
Mua quan, bán tước
Theo Tân Hoa xã, Quách Bá Hùng phạm hai tội chính là “lợi dụng chức vụ, mưu cầu lợi ích cho người khác như trong việc thăng cấp” (nói nôm na là bán chức, bán lon) và nhận hối lộ.
Về tội nhận hối lộ, mặc dù báo cáo kết quả điều tra không được công khai hóa, chỉ lưu hành trong nội bộ cán bộ cao cấp, nhưng trong “Thư ngỏ thứ hai gửi cán bộ, chiến sĩ toàn quân của một số cán bộ cơ quan Tổng bộ Chính trị tố cáo gia tộc Quách Bá Hùng tham nhũng” đề ngày 8/4/2014, được đăng tải khá rộng rãi trên một số báo điện tử và được coi là cơ sở để điều tra Quách Bá Hùng thì: “khi con gái là Quách Vĩnh Hồng tham gia kinh doanh, Quách Bá Hùng đã nói với Cốc Tuấn Sơn (Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần): “Anh phải giúp cháu có bước khởi đầu tốt đẹp”. Cốc nhanh nhảu đem tặng 3 triệu tệ tiền mặt (10,5 tỷ VNĐ) và chuyển vào tài khoản thêm 20 triệu tệ (70 tỷ VNĐ) nữa. Về sau, Cốc Tuấn Sơn thấy người bên Tổng bộ Trang bị làm ăn với Quách Vĩnh Hồng, một lần cô ta đã kiếm được mấy trăm triệu, bèn cam kết sẽ tạo điều kiện để con gái sếp kiếm được 30 triệu tệ mỗi năm”.
Năm 2013, một vị Phó hiệu trưởng Đại học quốc phòng bỏ 6 triệu tệ mua một tảng ngọc Phỉ Thúy tặng Quách Bá Hùng. Quách đã chi gần 1 triệu tệ thuê chuyên gia điêu khắc hàng đầu Trung Quốc Úy Trường Hải chạm khắc thành một chiếc ấn lớn, cho đưa lên Bạch Vân Quan để 1 ngày 1 đêm, không biết dùng phép thuật gì, rồi đem về cả nhà gọi đó là “Trấn Long ấn”, nói là có thể trấn yểm được “bên trên”, đảm bảo cho bản thân ông ta bình an, thế nhưng rốt cục vẫn không thể bình an vô sự.
Một đệ tử khác của Quách Bá Hùng có cách nhận hối lộ khác người. Cũng theo thư tố giác trên, Phạm Trường Bí thuộc hạ thân thiết (đã bị bắt, điều tra từ tháng 12/2014), khi là Chính ủy Quân đoàn 47 (đơn vị cũ nơi Quách Bá Hùng từng làm Tư lệnh từ 1990-1993) một lần về Bắc Kinh mời Cốc Tuấn Sơn ăn cơm, Cốc nói “anh uống 1 ly tôi cấp 1 triệu tệ” (Cốc quản việc cấp ngân sách cho các quân đoàn). Phạm Trường Bí uống được 38 ly rượu, sau đó quả nhiên Cốc Tuấn Sơn cấp 45 triệu tệ cho Quân đoàn 47. Phạm Trường Bí đã trích ra 10 triệu tệ đem biếu Quách Chính Cương (con trai Quách Bá Hùng). Chỉ ít lâu sau, Phạm Trường Bí được đưa lên là Chủ nhiệm Chính trị QK Lan Châu.
Ngoài ra thư của “cán bộ, chiến sĩ bộ đội không quân sân bay Tây Giao” gửi lãnh đạo trung ương cũng tố giác: Quách Bá Hùng đã đút túi hàng trăm tỷ tệ nhờ bán chức, bán đất quốc phòng và mua sắm vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự. Cuối tháng 12/2014, trên mạng xã hội Wechat và báo chí hải ngoại lan truyền “Thư tố giác gửi Tập chủ tịch và trung ương Đảng” vạch tội Quách Bá Hùng tham ô hàng trăm tỉ quân phí và chỉ rõ đường dây rửa tiền thông qua một con đường nhập khẩu bí mật miễn thuế của Văn phòng Trung Nam của một cục thuộc Bộ Tổng Tham mưu, không những thế còn làm lộ bí mật quốc gia.
Ngày 30/7, sau khi tin Quách Bá Hùng bị khai trừ đảng và chuyển Viện kiểm sát quân sự điều tra xử lý theo pháp luật, một viên tướng giấu tên đã cho báo chí biết: Khi khám nhà Quách Bá Hùng, nhân viên tổ công tác của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương đã tìm thấy một túi xách đựng đầy tiền, trong đó có bản lý lịch tóm tắt của Đổng Minh Tường ở QK Bắc Kinh. Đây được coi là chứng cứ của một vụ mua chức tước.
Theo Tài Tân, trong số mấy chục tướng bị đấu tranh gần đây, có rất nhiều người liên quan đến việc đưa hối lộ cho Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Khi là Phó chủ tịch Quân ủy, Quách Bá Hùng được giao quản hai mặt quan trọng là tham mưu và trang bị. Có những thông tin tố giác về giá cả cho lon tướng: Muốn được đề bạt Thiếu tướng phải mất từ 5 đến 10 triệu tệ; từ Thiếu tướng lên Trung tướng, phải “cúng” cho Quách Bá Hùng từ 10 đến 30 triệu tệ (70 đến 100 tỷ VNĐ), ai nhiều hơn, người đó được. Có một Thiếu tướng ở QK Nam Kinh biếu Quách Bá Hùng 10 triệu tệ, Quách đã gật, nhưng không ngờ một người khác cống 20 triệu tệ để vào vị trí đó, thế là Quách trao lon Trung tướng cho người đến sau.
Năm nay 73 tuổi, quê Thiểm Tây, Quách Bá Hùng trưởng thành từ binh sĩ, công tác lâu năm tại Quân khu Lan Châu, từng giữ các chức Tham mưu trưởng quân đoàn 19, Tư lệnh Quân đoàn 47, Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, Tư lệnh Quân khu Lan Châu... Năm 2002, tại Đại hội 16, Quách Bá Hùng được TBT Giang Trạch Dân giới thiệu và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quân ủy thứ nhất. Suốt 10 năm từ 2002 đến 2012 (Đại hội 18) Quách Bá Hùng chịu trách nhiệm xử lý công việc hàng ngày của Quân ủy, trong thời gian đó, Từ Tài Hậu chịu trách nhiệm quản lý công tác chính trị, tổ chức của quân đội; hai người giống như Tư lệnh và Chính ủy.