Các tỉnh, thành phía Nam: Không chủ quan, lơ là với dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại TPHCM
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại TPHCM
TP - Trong tuần qua, số mắc mới COVID-19 trong cộng đồng có dấu hiệu tăng. Tình hình trong nước còn nguy cơ diễn biến khó lường, dịch bệnh gia tăng và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, nhất là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp và giao lưu lớn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch hiện nay với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, ngày 26/10 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì.

“Trong 2-3 tuần tới, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất có thể, đặc biệt các địa phương có tỷ lệ bao phủ mũi 1 dưới 70% như Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre… “, Phó Thủ tướng yêu cầu. Ông đồng thời nhận định, về cơ bản khi đã bao phủ vắc xin mũi 1 hoặc bắt đầu tiêm mũi 2, cơ thể đã sinh kháng thể nên trong trường hợp có ca mắc, kết hợp với tăng cường chăm sóc từ sớm, chăm sóc tại nhà, vẫn có thể khống chế được tốc độ lây nhiễm, không để hệ thống y tế quá tải hay có nhiều ca bệnh nặng, tử vong.

“Trước mắt, các địa phương ở miền Tây không được mất cảnh giác, không thể lơ là mà làm mất đi thành quả phòng, chống dịch chúng ta đã rất tốn kém công sức, tiền của trong suốt thời gian qua. Các địa phương này đã rất cố gắng song Bộ Y tế vẫn lưu ý việc nâng cao mức độ cảnh giác và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở các cấp độ cao hơn so với Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Trước bài học kinh nghiệm của nhiều nước có tỷ lệ tiêm vắc xin 2 mũi rất cao nhưng vẫn phải tái phong tỏa do không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải sẵn sàng, linh hoạt, có kịch bản ứng phó sát với thực tiễn khi có ca bệnh.

“Ví dụ, khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong một dây chuyền sản xuất sẽ quyết định dừng hoạt động của cả nhà máy hay chỉ một phân xưởng, một ca, kíp sản xuất, phụ thuộc vào sự lãnh đạo, bản lĩnh của lãnh đạo địa phương phải rất linh hoạt”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Trung ương, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng luôn đặt các địa phương ở miền Tây trong tình trạng “nguy cơ rất cao” và yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nâng cao mức độ cảnh giác.

Đặc biệt, trong thời gian qua, lượng người từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các tỉnh miền Tây rất lớn (khoảng 381.000 người) với tỷ lệ lây nhiễm rất cao với hơn 6.200 trường hợp dương tính (khoảng 1,6%) nên khả năng lây lan ra cộng đồng lớn, đặc biệt đối với địa bàn chưa kịp tiêm phủ mũi 1 vắc xin.

MỚI - NÓNG