Các tân Bộ trưởng chia sẻ khi được Quốc hội phê chuẩn

TPO - Bên lề hành lang Quốc hội ngày 9/4, phóng viên Tiền Phong ghi nhận ý kiến của các tân Bộ trưởng, trưởng ngành vừa được Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ trước đó.  

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Vinh dự nhưng trách nhiệm nặng nề

Các tân Bộ trưởng chia sẻ khi được Quốc hội phê chuẩn ảnh 1

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Cảm nghĩ của tôi sau khi được QH phê chuẩn, đây là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề, để hoàn thành sứ mệnh được Đảng Nhà nước và nhân dân giao phó. Con đường phía trước của chúng tôi trong 5 năm tới, tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo của Bộ, làm sao để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Giải quyết ngay những bất cập mà dư luận và ĐBQH nêu

Các tân Bộ trưởng chia sẻ khi được Quốc hội phê chuẩn ảnh 2

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rõ. Trách nhiệm của chúng tôi là phải tổ chức triển khai thực hiện với trách nhiệm cao nhất trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó Bộ Công thương cũng xác định trong năm 2016 nhiệm vụ của Bộ rất phức tạp nặng nề trong bối cảnh còn rất phức tạp. Đầu tiên trong bối cảnh thế giới và khu vực còn chưa thuận lợi để thúc đẩy sản xuất cũng như phát triển thương mại, vì vậy trong năm 2016, Bộ Công thương phải quyết liệt thực hiện nhiệm vụ để đạt được những mục tiêu tăng trưởng vĩ mô như đã đặt ra. Trong đó chỉ tiêu về tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại phải đạt được kết quả khả quan để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Thứ hai, trọng tâm rất lớn còn lại của năm 2016 là chúng ta phải tập trung vào thể chế hóa các cam kết hội nhập của chúng ta. Bởi vì các nội dung cam kết hội nhập của chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới rất quyết liệt với diện rộng và sâu. Vì vậy hàng loạt cam kết hội nhập của chúng ta bắt đầu phải được triển khai ngay trong năm 2016. Vì vậy phải thể chế hóa sớm để hoàn thiện các khung pháp lý cũng như môi trường thúc đẩy các hoạt động hội nhập của doanh nghiệp, của nền kinh tế cũng như của cả xã hội.

Thứ ba, một số tồn đọng đang bộc lộ ra những tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công thương đã được dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông cũng như các ĐBQH, cử tri nêu nên cũng cần được tập thể lãnh đạo của Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu để tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại khung pháp lý, đồng thời có tổ chức thực hiện, khắc phục được những tồn tại này để đáp ứng được những yêu cầu chung của xã hội, của cử tri, nhân dân cả nước cũng như của ĐBQH.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Phiếu cao nhất cũng là tín nhiệm với công tác dân tộc

Các tân Bộ trưởng chia sẻ khi được Quốc hội phê chuẩn ảnh 3

Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến

Là người nhận được số phiếu cao nhất, tôi lấy làm phấn khởi, đồng thời ý thức rằng đây là sự tín nhiệm của QH đối với dự chăm lo của Đảng, Nhà nước và QH đối với công tác dân tộc và đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Được Quốc hội phê chuẩn, cá nhân tôi xác định được trách nhiệm nặng nề của mình. Trong thời gian tới tôi sẽ cùng các thành viên khác của Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung mà nghị quyết ĐH 12 của Đảng đã đề ra, trong đó sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế và nguồn nhân lực để làm sao có biến chuyển rõ nét về kinh tế xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Duyên Hải Miền Trung.

Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đầu tư nguồn lực cho phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ đã tập trung vào chương trình 135, Chương trình 30A và hiện nay là chương trình giảm nghèo bền vững quốc gia. Ngân sách Quốc gia cũng còn nhiều khó khăn, nhưng sự ưu ái và đầu tư của Đảng, Nhà nước như vừa qua là rất đáng kể.

Tôi cũng nhận thức rằng, nguồn ngân sách có hạn nên chúng ta phải thu hút thêm từ xã hội hóa, các tổ chức phi chính phủ của quốc tế, có thể quan tâm đầu tư vào chương trình phát triển KTXH miền núi, vùng dân tộc thiểu số và phải thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện làm sao cho có hiệu quả.

MỚI - NÓNG