Trung Quốc
Ngoài ngày Valentine 14/2, Trung Quốc còn có ngày tình nhân truyền thống khác, gắn với sự tích về Ngưu Lang – Chức Nữ. Tương truyền, Chức Nữ vốn là tiên trên trời, nhưng lại đem lòng yêu chàng trai loài người Ngưu Lang.
Mối tình của họ bị phản đối và ngăn cách bởi sông Ngân Hà. Mỗi năm, họ chỉ được gặp nhau vào ngày 7/7 âm lịch, nhờ đàn quạ xếp thành cầu bắc ngang sông. Dựa trên câu chuyện đó, người dân Trung Quốc xem 7/7 âm lịch như ngày dành riêng có các cặp yêu nhau.
Vào dịp này, các cô gái chuẩn bị dưa hấu và nhiều loại quả khác dâng lên Ngưu Lang – Chức Nữ để hy vọng tìm được một người chồng tốt. Những cặp đôi tới chùa để cầu hạnh phúc và tài lộc. Đến đêm, họ cùng nhau nhìn lên bầu trời hy vọng sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ có thể gặp nhau.
Valentine Trắng bắt nguồn từ Nhật Bản.
Nhật Bản
Không chỉ đón Valentine Đỏ vào 14/2, Nhật Bản còn tự sáng tạo ra lễ tình nhân riêng, Ngày Đáp trả - Valentine Trắng vào 14/3. Sự tích Valentine Trắng bắt nguồn từ chuyện tình vào năm 1965 tại Nhật. Thời điểm đó, để đáp trả tình cảm của cô gái thầm thương trộm nhớ vào ngày 14/2, một chàng trai bán kẹo dẻo làm tặng nàng một hộp kẹo thật lớn, trắng như tuyết.
Valentine Trắng mang ý nghĩa hồi đáp lại tình cảm của người đã tặng quà vào ngày Valentine Đỏ. Giới trẻ Nhật quan niệm, nếu ai đó tặng bạn bánh quy vào ngày này thì có nghĩa là người đó yêu bạn; tặng kẹo có nghĩa là người đó thích bạn; còn nếu là socola trắng thì có nghĩa là “Chúng ta hãy làm bạn nhé!”.
Hàn Quốc
Nếu Nhật Bản có ngày Valentine Trắng thì Hàn Quốc có ngày Valentine Đen vào ngày 14/4. Khác hẳn với hai ngày lễ trước đó, Valentine Đen dành cho những người độc thân chưa tìm được tình yêu. Vào ngày này, bạn trẻ ăn mỳ đen để kỷ niệm, cũng như “giải xui”.
Philippines
Philippines đón lễ Tình nhân vào ngày 14/2 giống các nước phương Tây. Bên cạnh, sô cô la, hoa hồng và thiệp, ngày này thương được các cặp đôi ưa chuộng để làm đám cưới tập thể tại những khu vực công cộng, trung tâm thương mại…
Đan Mạch
Ở Đan Mạch, các cặp đôi trao nhau những bông hoa xuyên tuyết ép khô, thay vì hoa hồng. Họ in hình bản thân lên các tấm thiệp rồi gửi cho người yêu. Ngoài ra, chàng trai thường tặng những bài thơ ẩn danh hài hước cho con gái. Phong tục này gọi là gekkebrev.
Anh
Phụ nữ Anh ngày trước có phong tục ghim cỏ bốn lá vào các góc của một chiếc gối vào đêm trước lễ Tình nhân với hy vọng sẽ tìm được người chồng lý tưởng trong tương lai; hoặc, họ sẽ làm ướt cỏ bốn lá với nước hoa hồng và đặt chúng khắp gối.
Nam Phi
Phụ nữ Nam Phi sẽ gắn trái tim lên tay áo vào ngày Valentine để người khác phái biết được tình ý của họ.
Kẹo Baci Perugina là món quà phổ biến trong lễ Tình nhân ở Italy.
Italy
Người Italy tổ chức lễ Tình nhân bằng cách tặng quà cho người yêu và cùng nhau thưởng thức bữa tối lãng mạn. Một trong những món quà phổ biến nhất là kẹo Baci Perugina kèm theo một câu nói lãng mạn viết bằng 4 thứ tiếng.
Phụ nữ Italy chưa kết hôn tin rằng, người đàn ông đầu tiên họ gặp vào ngày này có thể là chồng tương lai.
Pháp
Vào ngày tình yêu,người Pháp sẽ tặng nhau những tấm thiệp tình yêu lãng mạn, tổ chức trò xổ số tình yêu (loterie d'amour) hay vẽ cho tình yêu.
Những chàng trai, cô gái đang cô đơn tụ họp, trò chuyện và kết đôi với nhau. Người con trai có thể bỏ và tìm người khác nếu không thích. Người con gái bị bỏ rơi sẽ đốt đống lửa để hủy ảnh về người cũ. Tuy nhiên, về sau phong tục này đã bị cấm.
Wales
Xứ Wales có ngày kỷ niệm tình yêu riêng, là ngày 25/1, ngày Thánh Dwynwe. Bắt nguồn từ thế kỷ 17, các chàng trai sẽ tặng những chiếc thìa xinh xắn được chạm khắc biểu tượng tình yêu lãng mạn, đầy ý nghĩa cho người yêu.
Brazil
Người Brazil lại tổ chức lễ Tình nhân vào ngày 12/6. Vào ngày này, những buổi trình diễn âm nhạc cũng được tổ chức ở khắp nơi. Mọi người còn tặng quà và cùng nhau ăn tối. Vào ngày hôm sau, những phụ nữ còn độc thân sẽ thực hiện một nghi lễ để mong sớm gặp người chồng tương lai.