Về phần mình, tôi có may mắn được thơm lây sân chơi này và kịp nhớ lại vài kỷ niệm nhỏ nhân dịp giải Việt dã Tiền Phong bước qua tuổi 57.
Tôi biết giải Việt dã Tiền Phong khi chân ướt chân ráo từ Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc về Hà Nội và học ở Trường Việt Đức khi ấy còn có tên là Trường con em cán bộ (sau đó đổi tên thành trường THPT Việt Đức). Năm 1958 là năm có ý nghĩa đặc biệt, miền Bắc mới hoàn thành chương trình phục hồi kinh tế và sắp bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Năm ấy, Liên Xô vừa phóng thành công vệ tinh nhân tạo và đặc biệt nữa là World Cup vừa kết thúc với những hình ảnh của các ngôi sao Pele, Yachine… nên không khí Hà Nội và các tỉnh miền Bắc rất phấn chấn. Vì thế, khi khai mạc giải Việt dã Tiền Phong lần đầu, bọn trẻ như tụi tôi háo hức lắm. Thầy giáo dạy thể dục trường tôi hồi ấy là Bùi Hợi, cựu tiền vệ đội bóng đá Hoàng Diệu, thầy đã thông báo cho chúng tôi biết về giải và nói em nào thích thì tham gia.
Tôi nhớ như in là mình cùng mấy bạn lớp 7C xếp hàng vào khối chạy Việt dã xung quanh núi Nùng ở Bách Thảo, đứa chân đất, đứa mang bata. Không chỉ lớp tôi, mấy bạn lớp bên cạnh cũng tham gia mà tôi thấy rõ là có cả Văn Hiệp, sau này là nghệ sỹ hài. Lúc ấy nhà vô địch là một thanh niên người dân tộc tên là Hoàng Viết Mông, người mà sau này giữ kỷ lục đến 10 năm. Anh bạn tôi làm ở ngành công an tại Lạng Sơn cho biết, nhà vô đich Hoàng Viết Mông hồn nhiên, yêu đời và chơi đàn tính tẩu khá giỏi. Không chỉ ông Hoàng Viết Mông, hình như các nhà “marathon Việt Nam” đều yêu văn nghệ thì phải.
Tôi quen biết anh Bùi Lương năm 1967, khi chúng tôi cùng ở đoàn TTVN ngót 200 con người qua Thượng Hải, Trung Quốc tập huấn và thi đấu dài ngày để chuẩn bị cho Ganefo II (dự kiến ở Ai Cập nhưng sau đó bị hủy vì chiến tranh). Bùi Lương điền kinh còn tôi bóng rổ, hai đội ở gần nhau trong Học viện thể thao Thượng Hải, cùng các đội bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá, thể dục… Nhân dịp Quốc khánh 2/9, đoàn có ra một tờ báo tường và tôi được phân công tổ chức bài vở, thế nào phát hiện ra Bùi Lương và mấy bạn khác yêu thơ nên vận động các anh viết bài. Tôi không nhớ hết nội dung tờ báo ấy, duy nhớ bài thơ mộc mạc mà Bùi Lương tặng tôi đề sau tấm ảnh anh đang dẫn đầu tốp chạy sức bền ở Trường huấn luyện T.Ư (Nhổn): Vai kề tụ nghĩa dưới cờ/ Dây leo dậu quấn đậm đà tình thân/ Trí trai rực lửa thanh xuân/ Tới Lưu hình bóng thân tình của Lương.
Nhà marathon Bùi Lương có nước rút và sức bền đáng phục. Cuối năm ấy, anh qua Quảng Đông thi đấu ở một giải điền kinh, trong đó có marathon và để lại ấn tượng mạnh khi vượt qua nhiều VĐV cao to đến từ nhiều tỉnh thành của Trung Quốc để về nhất. Về đích đầu tiên được một lúc thì “nhà marathon” Việt Nam mệt quá và xỉu đi. Anh được nhân viên y tế đặt nằm trên chiếc giường đơn. Nhiều người hâm mộ mang hoa tới chúc, họ xếp hoa xung quanh giường một lúc mới có ai đó hô lên “phải để cho Bùi Lương thở”… thì những bó hoa mới được sơ tán. Có lẽ, Bùi Lương là VĐV có số lần vô địch nhiều nhất cũng vì cái sức bền vô song của một nhà thể thao lớn, một VĐV có trái tim yêu đời.
Bùi Lương ngày còn thi đấu.
Những chàng trai của marathon Việt Nam đều có một tâm hồn trẻ trung và lãng mạn!