Các nguồn tài chính giúp đảng Bolshevik làm Cách mạng Tháng Mười

Đơn vị Cận vệ Đỏ của nhà máy Vulkan ở thủ đô Petrograd (đế chế Nga) vào tháng 10/1917. Ảnh: Telesurtv.
Đơn vị Cận vệ Đỏ của nhà máy Vulkan ở thủ đô Petrograd (đế chế Nga) vào tháng 10/1917. Ảnh: Telesurtv.
Hoạt động cách mạng không chỉ vất vả, nguy hiểm mà còn rất tốn kém. Đảng Bolshevik đã phải xoay sở để có đủ tài chính cho sự nghiệp cao cả của mình.

Các đảng viên Bolshevik đã phải đấu tranh với chế độ chuyên chế Sa hoàng trong gần 20 năm thì mới thành công. Họ thường xuyên lâm vào cảnh túng tiền. Nhưng cái khó ló cái khôn. Họ vẫn xoay sở được về tài chính để có đủ tiền phục vụ sự nghiệp cách mạng của mình.

Hãy tưởng tượng bạn là một nhà cách mạng Bolshevik vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trong Đế chế Nga. Mục tiêu của bạn là đập tan “nhà tù của các dân tộc”, lật nhào chủ nghĩa tư bản, trao ruộng đất cho nông dân và đưa công nhân lên địa vị làm chủ nhà máy. Toàn những công việc lớn lao, vĩ đại. Thế nhưng, đảng của bạn bị cấm, phải hoạt động ngầm, còn các lãnh đạo của bạn buộc phải lưu vong ở nước ngoài. Bản thân bạn và các đồng chí của mình chịu sự truy lùng gắt gao của mật thám Sa hoàng và có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Tình hình vô cùng khó khăn. Và để giải quyết được các thách thức đó, bạn cần tiền – rất nhiều tiền.

Cụ thể, nhà cách mạng Bolshevik cần tiền cho một loạt hoạt động như in báo, làm giả giấy tờ, chế tạo bom, mua vũ khí để đối đầu với cảnh sát cũng như chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Trong khi đó, giải pháp sau thì gần như là điều không tưởng: Vào ngân hàng và xin “vay tiền” để “hạ bệ nhà nước chuyên chế”. Điều này càng khó khăn gấp bội khi bạn công khai mục tiêu quốc hữu hóa ngân hàng và tạo ra một xã hội bình đẳng.

Dưới đây là một số biện pháp tạo ngân quỹ của đảng Bolshevik:

Truất hữu

Giải pháp này có nghĩa là đột kích vào chính các nhà băng của giai cấp tư sản và tước đoạt nguồn tiền tại đó để phục vụ hoạt động công ích.

Quyên góp từ những người bạn cả nghèo lẫn giàu

Theo sử gia Yevgeni Spitsyn, ngân sách của đảng Bolshevik nhận một lượng tài chính đều đặn từ các công nhân có cảm tình với đảng này. Tiền của các công nhân thì không dồi dào lắm do thu nhập của họ vốn eo hẹp nhưng bù lại rất ổn định.

Ngoài ra, vẫn theo Spitsyn, đảng Bolshevik còn trông cậy vào những người bạn giàu có và hào phóng.

Leonid Krasin, thủ lĩnh Bolshevik phụ trách công tác tài chính, trong hồi ký của mình về giai đoạn 1900-1917 viết rằng thời đó, giới nhà giàu coi việc hiến tiền bạc cho các đảng cách mạng là “mốt”.

Một số người nổi tiếng, như nhà văn Maxim Gorky thì quyên góp tiền vì chân thành có cảm tình với đảng Bolshevik. Số khác, như nhân vật chủ nhà máy Savva Morozov lại thực hiện điều này vì không biết chắc ai sẽ chiến thắng: chính quyền Sa hoàng hay phe Cách mạng. Nhóm này nhìn chung rót tiền vào cả 2 phe cho an tâm.

Chấp nhận hôn nhân

Trong một số trường hợp, các nam đảng viên Bolshevik đã phải chủ động kết hôn để có thể lấy và dùng tiền thừa kế bổ sung cho ngân quỹ eo hẹp của đảng.

Nikolay Schmidt là một chủ nhà máy giàu sang và có cảm tình với sự nghiệp Bolshevik. Trong di chúc của Schmidt, ông để lại khối tài sản của mình cho 2 cô em gái là Yelizaveta và Yekaterina – những người muốn hiến tặng tiền cho đảng Bolshevik. Thế nhưng có một trở ngại lớn là người chú của 2 cô gái lại trực tiếp kiểm soát số tiền đó và ông ta không tin tưởng vào các cô gái trẻ.

Thế là đảng Bolshevik phải khẩn trương mai mối chồng cho hai chị em gái này. Chồng họ chính là người trong hàng ngũ đảng Bolshevik. Chỉ sau khi 2 cô gái đã lấy chồng thì ông chú kỹ tính kia mới chịu trao của hồi môn của Schmidt cho họ. Sau hai đám cưới (vào năm 1908), số tiền trên đã được trao lại cho đảng Bolshevik.

Khôn khéo nhận tiền từ chính kẻ thù

Năm 1917, Lenin và những người thân cận trong đảng Bolshevik đã từ Thụy Sĩ rời về Nga. Trên hành trình này, họ phải đi qua lãnh thổ của Đức. Chính thực tế đó đã khiến các đối thủ của đảng Bolshevik tố cáo họ là gián điệp được Đức thuê để phá hoại nước Nga trong Thế chiến 1.

Tuy nhiên hầu hết các sử gia đương thời đều tin rằng thực tế phức tạp hơn nhiều, không đơn giản và phiến diện như các cáo buộc kia.

Đúng là nước Đức khi đó đã chấp nhận để Lenin đi qua lãnh thổ nước họ để về Nga với hy vọng các lực lượng cấp tiến của Nga sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh của nước Nga với Đức. Và có khả năng đảng Bolshevik cũng đã nhận nguồn tiền mà chính phủ Đức lúc ấy phân bổ cho đảng này. Chẳng hạn, sử gia Anh Jonathan Smele có viết rằng vào cuối năm 1917, Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức đã rót hơn 30 triệu Mark (tiền Đức) cho các đảng đối lập Nga (không riêng gì đảng Bolshevik).

Nhưng ngay cả khi ấy, vẫn chưa có bằng chứng nào về mối liên hệ trực tiếp giữa ban lãnh đạo Bolshevik và chính quyền Đức.

Oleg Budnitsky – giáo sư lịch sử tại Đại học Kinh tế Moscow chỉ ra rằng “các đảng viên Bolshevik là những người thông minh và nhiều mưu kế”.

Hơn nữa, Andrei Sorokin, người đứng đầu kho Tàng thư Lịch sử Chính trị-Xã hội quốc gia Nga cho rằng bản thân việc nhận tiền từ người Đức không có nghĩa là các đảng viên Bolshevik làm gián điệp cho Đức. Theo ông này, nhiều khả năng là những người Bolshevik đã nhận tiền mà không bị một chút ràng buộc nào. Đơn giản là họ đã lợi dụng tiền của Đức để phục vụ mục đích cách mạng của mình, tương tự việc Đức tung tiền cho các đảng đối lập Nga nhằm đạt mục đích kéo Nga khỏi Thế chiến 1.

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG