Trà là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất trên toàn cầu. Trà thật, như trà đen, trà xanh và trà ôlong, được làm từ lá của cây trà. Trà thảo dược hoặc trà hãm, được làm từ nhiều loại cây. Cả hai loại trà thật và trà thảo dược đều giàu hóa chất thực vật tăng cường sức khỏe và không chứa calo, do đó bạn không phải ngần ngại khi muốn thưởng thức một tách trà.
Dưới đây là một số loại trà và những lợi ích của nó đối với sức khỏe của bạn.
Trà đen
Để làm ra trà đen, lá của cây trà sẽ được làm cho héo thâm lại. Khi lá bị ôxy hóa, chúng sẫm màu và có mùi thơm. Trà đen có chứa nhiều chất chống ôxy hóa chống lại bệnh tật, bao gồm theaflavin, thearubigin, và catechin. Một nghiên cứu gần đây cho thấy uống trà đen có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Trà xanh
Trà xanh được làm bằng cách hấp và làm khô lá trà, không để chúng bị ôxy hóa. Trà xanh rất giàu chất chống ôxy hóa catechin. Nó làm tăng sự tỉnh táo, có lẽ là do thành phần caffeine có trong trà, và có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim và tiểu đường. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy trà xanh giúp giảm nguy cơ ung thư, nhưng các nhà khoa học cho biết những nghiên cứu này chưa thực sự thuyết phục.
Trà Ôlong
Để làm trà ôlong, lá trà bị ôxy hóa một phần. Trà ôlong chứa hỗn hợp chất polyphenol, bao gồm cả catechin, có tác dụng như chất chống ôxy hóa.
Trà trắng
Trà trắng được làm bằng cách hấp và làm khô lá trà non và chồi búp cây trà. Thành phần catechin của trà trắng là tương tự như trong trà xanh, khiến trà trắng là một sự lựa chọn thức uống đặc biệt có lợi cho sức khỏe.
Trà Matcha Nhật Bản
Trà Matcha là bột trà xanh. Giống như trà xanh thông thường, nó chứa hàm lượng cao các hợp chất chống ôxy hóa. Để pha nước uống, chỉ cần trộn một lượng nhỏ trà matcha vào nước thật nóng. Trà Matcha cũng được sử dụng để làm bánh kẹo, cà phê sữa, nhưng đôi khi phải cho nhiều đường vào những loại thực phẩm này.
Trà dâm bụt
Hoa dâm bụt làm tăng thêm hương thơm, hương vị chua cho nhiều hỗn hợp trà thảo dược. Loài hoa nhiệt đới này chứa flavonoid và anthocyanin - các hợp chất có đặc tính chống ôxy hóa. Trong một nghiên cứu ở người lớn bị tăng huyết áp nhẹ, uống 3 tách trà dâm bụt hàng ngày giúp hạ huyết áp rõ rệt.
Trà Rooibos
Rooibos là một loại cây họ đậu được trồng ở Nam Phi. Nó còn được gọi là "trà đỏ". Trà Rooibos không chứa caffein và giàu chất chống ôxy hóa flavonoid. Một nghiên cứu lâm sàng cho thấy uống trà Rooibos thường xuyên làm tăng nồng độ các chất chống ôxy hóa trong máu và giảm LDL-cholesterol.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc được ủ từ những bông hoa nhỏ của cây hoa cúc. Theo truyền thống, trà hoa cúc được dùng như một phương thuốc dân gian để trị lo âu và khó ngủ. Khi dùng với các loại thảo dược khác, trà hoa cúc cũng có thể giúp giảm đau bụng và tiêu chảy ở trẻ em.
Trà bạc hà
Uống trà bạc hà có thể giúp cơ thể ấm vào mùa đông và hạ nhiệt trong mùa hè. Pha tươi để uống trà nóng hoặc trà đá. Dầu lá bạc hà có thể cải thiện buồn nôn, khó tiêu và các triệu chứng khó chịu ở tiêu hóa của hội chứng ruột kích thích.