Bạn có thể mua các loại mắm nổi tiếng tại nơi mình đến để làm quà, rất thiết thực và ý nghĩa.
Mắm cốt cá
Nổi tiếng nhất với những chai mắm cốt cá được nhiều du khách mua về làm quà là Cát Bà (Hải Phòng), Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mỗi nơi sẽ có những bí quyết riêng làm nên vị ngon đặc trưng cho từng loại mắm.
Tuy nhiên, mắm ngon phải là loại được làm từ các loài cá tươi ở biển, sau quá trình ủ, chắt lọc để cho thứ nước cốt vàng sánh và dậy mùi. Nước mắm cốt cá có thể chấm trực tiếp và ăn cùng nhiều món như cá rán, rau luộc, đậu phụ... để tạo vị đậm đà, hoặc pha chế để xào, nấu tạo hương thơm hấp dẫn.
Xưởng mắm - điểm tham quan thú vị ở đảo Phú Quốc. Ảnh: phuquocnews
Khi du lịch đến các vùng đặc sản, bạn có thể tham quan các xưởng mắm và mua trực tiếp tại đây nhằm đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng. Tùy dung tích, mà giá một chai mắm cốt cá dao động từ 50.000 đến 200.000 đồng.
Mắm tôm
Ở miền Bắc có lẽ không ai là không biết đến mắm tôm, thứ đặc sản có màu sim chín với mùi vị đặc trưng khó lẫn. Nhưng nổi tiếng nhất là mắm tôm Hậu Lộc, Thanh Hóa, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận năm 2010. Không làm từ tôm, tép như nhiều nơi khác, nguyên liệu chính của món mắm này là muối và moi biển, được đánh bắt ở vùng biển Hậu Lộc. Bằng phương pháp truyền thống, mắm tôm làm ra có màu tím đặc trưng, sền sệt, mịn, không còn lẫn muối hạt và có mùi thơm, vị ngọt đằm.
Bún đậu mắm tôm là món ngon phổ biến ở nhiều tỉnh thành. Ảnh: Thảo Nghi
Mắm tôm có thể pha đường và cốt chanh để chấm bún, đậu, lòng, thịt chó... hoặc trở thành gia vị cho món bún riêu, bún thang, giả cầy và rựa mận. Một chai mắm tôm Hậu Lộc 500ml có giá khoảng 30.000-50.000 đồng, tùy loại.
Mắm cáy
Mắm cáy là một đặc sản của Thái Bình, được làm từ thịt cáy, một loại cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Cáy sau khi làm sạch, giã nhuyễn, trộn với muối được ủ kín vào chum, vại 7 đến 10 ngày rồi phơi nắng, phơi sương. Cuối cùng là trộn thêm thính, men rượu để khử mùi hôi và tạo mùi thơm.
Mắm cáy ăn cùng rau lang rất hợp. Ảnh: thebox
Mắm cáy có thể dùng để chấm dưa, cà muối nhưng hợp nhất là rau luộc. Bún mắm cáy với thịt ba chỉ luộc, giò lụa và rau kinh giới cũng rất ngon. Ngoài Thái Bình, đặc sản mắm cáy cũng rất nổi tiếng ở Hải Phòng và Hải Dương. Giá một chai mua về có giá khoảng 100.000-120.000 đồng (loại 1 lít).
Mắm tôm chua
Là đặc sản miền Trung nhưng mắm tôm chua nổi tiếng nhất vẫn là ở Huế. Món mắm này được làm từ tôm rằn tươi, đem ngâm rượu rồi xóc muối, trộn với riềng, tỏi, ớt cùng chút mắm, đường. Sau thời gian ủ kín, tôm sẽ đổi màu đỏ tươi và thơm nức. Khác với mắm tôm mặn mịn và nhuyễn, mắm tôm chua có màu đỏ và con tôm còn nguyên hình. Bởi thế, khi xếp ra lọ bán, những con tôm cũng được xếp khéo léo sao cho đều và bắt mắt.
Mắm tôm chua. Ảnh: Khánh Hòa
Tôm chua Huế có thể ăn với cơm hay bún đều ngon, trong đó không thể thiếu thịt luộc và các loại rau thơm. Nếu muốn mua về, bạn có thể ghé qua chợ Đông Ba với giá 65.000 - 85.000 đồng một hộp.
Mắm nêm
Nếu đã phải lòng món bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng thì chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được hương vị của mắm nêm hay còn gọi là mắm cái. Để làm món mắm này, cá được ướp muối, sau đó ủ khoảng 3 tháng rồi múc ra chén, thêm đường, chanh, tỏi bằm nhuyễn và ớt nguyên trái dằm vào, trộn đều lên là được. Ngoài bánh tráng cuốn thịt heo, mắm nêm có thể ăn với hầu hết các món làm từ bột như bún, bánh ướt... Đến Đà Nẵng, bạn có thể mua mắm nêm về làm quà ở chợ Cồn hoặc chợ Hàn với giá khoảng 50.000 đồng một chai.
Mắm nêm có thể ăn cùng thịt luộc hoặc bún. Ảnh: Cún Khang
Mắm rươi
Nếu ở miền Bắc, rươi được làm thành món chả nổi tiếng thì ở Trà Vinh, loài sên đất này còn được chế biến thành nước mắm đặc sản. Rươi sau khi vớt lên, rửa sạch sẽ được ủ trong lu cùng nước và muối hột, rồi đem phơi nắng khoảng 10-15 ngày. Nước mắm rươi có màu màu vàng óng của mật ong và mùi thơm dịu. Khi ăn chỉ cần vắt thêm chanh, ớt là có thể chấm cùng thịt luộc, rau xanh. Huyện Duyên Hải, Trà Vinh là quê hương của món mắm này, bạn có thể mua về làm quà với giá 20.000-30.0000 đồng một lít.
Cơ sở sản xuất mắm rươi ở Trà Vinh. Ảnh: Điền Quân Media
Mắm còng
Mắm còng phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và là đặc sản nổi tiếng của Long An, Bến Tre, Tiền Giang. Mắm được làm từ con còng - một loại thuộc họ cua, nhỏ. Ở mỗi địa phương, cách thức là mắm sẽ có sự khác biệt nhưng nhìn chung, còng sau khi được tách yếm, có thể phơi nắng rồi cho vào hũ ủ cùng các loại gia vị trong khoảng 45 ngày. Ngoài việc dùng chung với cơm, hay cuốn chấm với thịt luộc, rau sống, bánh tráng, người ta còn dùng mắm còng nguyên chất để tăng vị cho bún riêu. Giá một hộp mắm còng (loại 500 gram) khoảng 80.000-100.000 đồng.
Mắm còng. Ảnh: Lê Huyền Lan
Vy An