1. Tỏi
Theo BS. Nguyễn Quang Tuấn (Khoa C4, Viện Tim mạch Quốc gia): Tỏi là gia vị thực phẩm có vai trò phòng bệnh rất tốt. Thành phần chính trong tỏi là chất kháng sinh allicin (C6H10OS2) có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh nên nếu mỗi bữa dùng từ 3-5 tép tỏi nhỏ có tác dụng phòng bệnh nói chung.
Còn với hệ tim mạch, những nghiên cứu mới cho thấy, tỏi có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, không cho kết tụ thành cục máu đông nên có tác dụng ngừa tai biến tim mạch và làm hạ huyết áp.
Đông thời, chất allicin có trong tỏi sẽ tác động tới các hồng cầu và tạo ra hydrogen sulphide có khả năng làm giãn nở các huyết mạch, giúp dòng chảy trong các huyết mạch trở nên dễ dàng hơn không bị tắc nghẽn giúp huyết áp giảm xuống, máu sẽ mang nhiều oxy hơn tới các tế bào giúp giảm áp lực cho tim. Từ đó, làm giảm các cơn đau tim do tắc động mạch.
Tuy nhiên, chỉ nên ăn tỏi 2 lần/ngày (1 thìa cà phê) không nên dùng nhiều sẽ có hại khiến hơi thở hôi, rối loạn dạ dày, ức chế tuyến giáp... Đặc biệt, nếu uống nhiều rượu tỏi lại gây hại cho tim như loạn nhịp tim, giãn các buồng tim, giảm sức co bóp của tim và suy tim.
2. Ớt
Trong một nghiên cứu của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS), các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, chất capsaicin có nhiều trong ớt tươi giúp đem lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe tim mạch, bao gồm tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu và cân bằng huyết áp.
Ngoài ra, chất capsaicin trong ớt còn có đặc tính khác là giúp chống sưng, tiêu viêm giảm đau rất hiệu quả. Vì vậy, nhiều loại thuốc giảm đau và chữa viêm khớp được bán trong các hiệu thuốc có chứa các thành phần được chiết xuất từ quả ớt.
Tiến sĩ Chen thuộc nhóm nghiên cứu cho biết, chất capsaicin trong ớt mang những tác động có lợi cho cả trái tim và mạch máu. Chúng giúp làm giảm lượng LDL cholesterol- loại lipoprotein gây hại, trong khi không ảnh hưởng đến HDL cholesterol- loại lipoprotein mật độ cao có lợi cho tim mạch.
Một số tài liệu thống kê cho thấy nếu lượng LDL trong cơ thể giảm 1% thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim sẽ giảm 2%, và nếu lượng HDL tăng lên 1% thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim sẽ giảm 3-4%.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng capsaicin thậm chí còn có tác dụng loại bỏ hay giảm bớt các mảng bám tồn tại trong thành động mạch. Máu sẽ lưu thông dễ dàng hơn, nhờ đó giúp cải thiện các triệu chứng của các bệnh về động mạch vành hiện nay. Đồng thời, hợp chất này giúp ngăn chặn một loại enzyme có hại cho mạch máu.
Nếu bạn thích ăn cay, hãy đưa ớt vào chế độ ăn uống hàng ngày để cải thiện sức khỏe tim mạch. Phát hiện mới cho thấy capsaicin trong rất nhiều loại ớt khác nhau đều tốt cho sức khỏe tim mạch.
3. Hành
Trong y học hiện đại, nhiều nghiên cứu đã cho rằng, hành có tác dụng trị bệnh tim mạch rất hiệu quả. Hành là loại gia vị thông dụng chứa nhiều chất như protit, mỡ, đường, vitamin, caroten, canxi, phospho, sắt... giúp làm giảm sự lắng đọng cholessterol trên thành mạch máu và có thể phá hủy các chất gây tắc nghẽn trong mạch máu giúp giảm các cơn đau tim, xơ cứng động mạch vành. Có thể dùng hành tây, hành ta, hành tăm đều có tác dụng.
Hành tây ngâm dấm: Lấy một củ hành tây bóc bỏ vỏ ngoài rồi ngâm trong dấm 4-5 ngày có thể ăn được, mỗi ngày ăn khoảng 50-100g. Dùng trong 1-2 tháng sẽ có hiệu quả. Tác dụng giảm cholessterol, chữa bệnh động mạch vành, tắc mạch máu não, cơ tim hoại tử, xơ cứng động mạch, tăng huyết áp.
Cháo hành: Khoảng 2 cây hành tươi, kiệu trắng 10-15g, bột gạo 100g. Tất cả cho vào nấu cháo chia 2 lần ăn trong ngày.
4. Quế
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Chăm sóc Bệnh Đái tháo đường, Mỹ thì dùng một thìa quế mỗi ngày có thể giảm lượng cholesterol trong máu, giúp chống lại quá trình ôxy hóa ngăn chặn sự phá hủy các tế bào bởi các gốc tự do có trong máu tạo nên các mảng mỡ tích tụ trên thành động mạch. Từ đó, giúp các bệnh nhân tim mạch giảm được các cơn đau, khó thở và có một trái tim khỏe mạnh.
Trong Đông y, quế còn là một vị thuốc quý có vị cay ngọt, tính đại nhiệt, hơi có độc, vào 2 kinh can và thận. Có công dụng bổ hoả, hồi dương, ấm thận, tỳ, tán hàn hoạt huyết. Có tác dụng chữa thũng, kinh bế do hàn, giải biểu tán hàn, hoá khí, trị kinh giản, chân tay co quắp, lưng gối đau, tê, tiểu tiện không thông. Vì vậy, bạn đừng ngần ngại bổ sung quế vào trong những gia vị hàng ngày.
5. Dầu ôliu
Nghiên cứu của các nhà khoa học Italia cũng chỉ ra rằng, những phụ nữ ăn ít nhất 3 thìa dầu ôliu mỗi ngày giảm được 40% nguy cơ hình thành bệnh tim mạch. Một người nếu tiêu thụ 25ml dầu ôliu/ ngày, trong vòng 1 tuần sẽ có tác dụng làm giảm cholesterol có hại và tăng cường khả năng chống ôxy hóa. Bởi các axit béo, chất chống ôxy hóa và silicium có trong dầu ôliu giúp cân bằng hàm lượng cholesterol và bảo vệ động mạch.
Ngoài ra, dầu ôliu còn có thể phòng ngừa các chứng bệnh như xơ cứng động mạch, cao huyết áp, thận suy yếu, xuất huyết não. Trong thành phần của dầu ôliu có chứa axit béo omega-3 làm tăng thêm lượng nitric oxide giúp làm giãn nở động mạch, giúp ngăn ngừa thương tổn động mạch do cao huyết áp gây ra.
Axit béo omega-3 còn có thể phòng chống máu vón cục nhờ khả năng làm giảm mức độ kết dính của máu, làm cho máu cục và chất xơ protit không bị vón cục vào nhau, làm giảm nguy cơ hình thành các khối u máu.
Hãy thay thế dầu ăn hằng ngày bằng dầu ôliu kết hợp với nhiều loại khác nhằm đa dạng hóa nhu cầu của cơ thể.