Các diễn đàn trên Tiền Phong: Những thú vị mang tên cuộc sống

Các diễn đàn trên Tiền Phong: Những thú vị mang tên cuộc sống
TP - “Tội ác đến từ đâu”, “Đi theo hay dẫn đường” là 2 trong nhiều diễn đàn ghi dấu ấn với bạn đọc.

> Đường sáng đến bến thiện
> Đường về nẻo thiện thênh thang

Trại giam - tiếng hát - lời thơ và nước mắt

Một sáng đầu tháng 5/2013, Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) có một bầu không khí “bất thường”. Tiếng hát vọng ra từ hội trường. Các trại viên rộn ràng đón khách. Khung cảnh trước giờ khai mạc buổi giao lưu Diễn đàn “Tội ác đến từ đâu” do báo Tiền Phong, phối hợp Cục Giáo dục Cải tạo và Hòa nhập cộng đồng (Tổng cục 8 - Bộ Công an) và Trại giam Thanh Xuân tổ chức - khiến cả chủ lẫn khách có những xúc cảm lạ.

Khách mời là Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục 8; Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An; Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng Lê Thị Bích Hồng, chuyên gia tâm lý... Sự xuất hiện của hai á hậu Việt Nam Hoàng Anh, Tú Anh trong thành phần khách mời khiến khung cảnh trại giam trở nên nhẹ nhõm.

Phút sâu lắng tại buổi giao lưu
Phút sâu lắng tại buổi giao lưu "Tội ác đến từ đâu".

Trước khi diễn ra cuộc giao lưu này, Tiền Phong đã mở diễn đàn cùng tên để bạn đọc thảo luận, hiến kế, qua đó tìm cách hạn chế, triệt tiêu tội ác. Để “mô tả” con đường tội ác (theo nhiều người hiện nay động cơ gây án của một số đối tượng rất khó hiểu), PV Tiền Phong đã đến trại giam gặp gỡ, ghi lại tâm sự sau song sắt của phạm nhân trẻ, người quản giáo, cung cấp tới bạn đọc những thông tin sinh động nhất.

Những người thực hiện diễn đàn muốn chốt lại thông điệp bằng một cuộc giao lưu trực tiếp ngay tại trại giam.

Những tình huống bất ngờ, xúc động đã xuất hiện tại buổi giao lưu.

Cầm micro trò chuyện với các trại viên từ sân khấu, chủ yếu là người trẻ, dừng ánh mắt của mình ở hàng ghế các nữ trại viên, bà Bích Hồng, nói trong nỗi nghẹn ngào: Trước khi có mặt ở đây, tôi và một nhà văn đã đến trại phỏng vấn một nữ trại viên. Chị này tâm sự, ngay khi vào trại, người chồng không đợi được ngày chị về đã đến gặp để đề nghị ký đơn ly dị. “Các bạn ạ, giáo dục một người đàn ông, được một người đàn ông; giáo dục một người phụ nữ, được cả gia đình…”.

Câu kết thúc phần giao lưu như triết lý cùng với sự đồng cảm sâu sắc của bà Hồng, khiến phía dưới hội trường, nhiều đôi mắt nữ phạm nhân rớm lệ.

Thời gian qua, Tiền Phong mở nhiều diễn đàn, cố gắng đi tận cùng sự kiện, từ trang báo tiếp cận với cuộc sống, như: Diễn đàn tuổi teen, Sống đẹp, Lệch lạc thần tượng, Lập thêm những Điện Biên. Các diễn đàn trở thành những điển hình, cách làm sáng tạo trong tuyên truyền được báo cáo tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X và các cuộc hội thảo, hội nghị định hướng giáo dục giới trẻ do T.Ư Đoàn tổ chức, được Qũy Dân số Liên Hợp Quốc in thành sách để truyền thông.

Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn sau khi trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin về sự lan tỏa của diễn đàn, vô tình chạm vào nỗi nhớ nhà, nỗi thèm khát trở về bên những mái ấm của những phạm nhân đang trầm ngâm ở dưới. Ông Sơn đứng dậy, đưa tay về phía phông sân khấu do họa sỹ Trung Hiếu của báo thiết kế, nói: Trên con đường sáng có cỏ, có hoa, phía xa xa là những mái nhà. Đó là đường về cõi thiện và cũng là mong muốn của báo Tiền Phong khi thực hiện buổi giao lưu này.

Trong một phút dồn nén cảm xúc, ông Sơn đọc bài thơ của Chử Văn Long (“Tôi trở về nơi mình đã ra đi”), sau khi nghe một người hoàn lương kể chuyện ngày trở về sau 10 năm ở trại đã không nhận ra nhà mình, mọi thứ trở nên lạ lẫm. Tôi trở về nơi mình đã ra đi/Khi mái tóc đã có nhiều sợi bạc/Đất vẫn quê mình nhưng đổi khác/Tôi cố tìm đâu đó dấu ngày xưa…Trong không khí khán phòng mà nỗi lòng mỗi người như giăng tơ ấy, cả ông Sơn và các trại viên không thể ngờ là đã thực hiện một cuộc kết nối lòng người đến bất ngờ. Tôi trở về giữa làng xóm bình yên/Cỏ xanh biếc phủ đầy trên mộ mẹ/Dẫu đã biết có một ngày như thế/Vẫn bàng hoàng nhìn mây trắng như bông… Nhiều bờ vai nữ phạm nhân rung lên kìm nén tiếng khóc.

Trung tướng Ninh được mời lên sân khấu phát biểu. Ông không lên bục mà đứng gần như không còn khoảng cách với hàng ghế khán giả. Ông xúc động nói lời cảm ơn T.Ư Đoàn, báo Tiền Phong. Rồi ông hát. Hành khúc của tuổi trẻ mà ông lĩnh xướng đã khiến nhiều đoàn viên thanh niên, khách mời rời ghế cùng hòa ca. Vị tướng ấy muốn nói rằng, ai cũng có sai lầm và họ đã ở đây trả giá, chỉ có tình yêu mới đánh thức tính thiện ở những người lầm lỡ. Hôm đó ông gọi các trại viên là anh, là chị!

Hãy chứng minh đi, nếu bạn có thể

Ngày 18/8/2013, tại Đại học Sư phạm 2 (Vĩnh Phúc), báo Tiền Phong tổ chức buổi giao lưu chủ đề “Đi theo hay dẫn dường”.

Trước đó, Tiền Phong đã mở diễn đàn “Đi theo hay dẫn đường”, ngay sau kỳ thi đại học, cao đẳng, lấy tứ từ nhận xét của Trần Hùng John (Việt kiều Mỹ) được trích trong đề văn khối D, rằng: Người Việt thụ động, sức ép xã hội khiến những người đi theo chứ không dám tiên phong, khai phá con đường mới. Diễn đàn đánh trúng sự “bức xúc” của dư luận và bùng lên các cuộc tranh luận.

Hùng John tại giao lưu
Hùng John tại giao lưu "Đi theo hay dẫn đường".

Cuộc giao lưu sân khấu hóa này là để nhân vật chính Hùng John “đối mặt” với bạn trẻ. Chúng tôi đã rất khó khăn để liên hệ và mời Hùng John. Một PV sau khi biết Hùng John nhận lời tham gia đã nói vui: “Cậu này ghê thật, không sợ bị “tấn công”, “ném đá”vì dám chê người Việt”.

Khách mời hôm đó có nhiều sinh viên, du học sinh ưu tú ở nhiều lĩnh vực. Tất cả sẵn sàng chất vấn Hùng John. Đặc biệt, sự tham gia của Anh hùng - Trung tướng Phạm Tuân, một biểu tượng sáng tạo của người Việt trong chiến tranh, khiến sinh viên thêm hào hứng.

Trước các chất vấn, dựa vào đâu, vì sao anh lại nhận xét thế này, thế kia về người Việt..., Hùng Jonh lên sân khấu phải đề dẫn bằng một lá thư (do tiếng Việt chưa sõi). Anh nói, dù ở Mỹ nhưng anh không giàu có. Anh sống tự lập từ bé, 14 tuổi đã phải làm đủ nghề kiếm sống. Đáp lại các chất vấn, Hùng John trả lời bằng một câu hỏi và một câu giải thích: + Tôi hỏi các bạn ở đây, có ai học để làm việc và ai học chỉ để học, học do người khác quyết định? + Tôi nói là đa số chứ không phải tất cả (người Việt thụ động). Nếu bạn thấy không đúng, hãy chứng minh. Chứng minh bằng sức lực của mình, đừng mượn thành công của người đi trước…

Với thông điệp ngắn gọn, Hùng John lại khiến nhiều người trẻ giật mình khi chĩa câu hỏi xoáy sâu vào chính người đặt câu hỏi.

Với cách đặt vấn đề ngắn gọn của Hùng John, buổi giao lưu hôm đó trở thành bài học ngoại khóa “ấm ức” của nhiều sinh viên khi không “bật lại” được nhân vật chính. Trong phần phát biểu kết thúc, đại diện báo Tiền Phong đã nói: Câu hỏi này khó có câu trả lời cụ thể. Cần để nó thường trực trong mỗi người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.