Những dấu hiệu lạ từ Bộ Công Thương
Theo đó, kết luận được đưa ra, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công Thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Dự án TISCO II.
Cụ thể, ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương (giai đoạn 2007 - 2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng này. Hai nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương là ông Lê Dương Quang và Đỗ Hữu Hào cùng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong thông qua các tài liệu cũng như đánh giá của các đơn vị, các cựu lãnh đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng như chuyên gia ngành Thép, chủ trương đầu tư giai đoạn hai là phù hợp tại thời điểm đó. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án TISCO, nhà thầu MCC (Trung Quốc), Tổng Công ty Thép Việt Nam và Bộ Công Thương đã mắc phải nhiều sai phạm khó hiểu trong việc thẩm định cũng như giám sát triển khai dự án. Việc dự án đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng được phê duyệt trong vòng khoảng 1 năm đủ các loại thủ tục cũng khiến nhiều người trong ngành thời điểm đó choáng váng. Ngoài ra, việc buông lỏng đến mức khó hiểu của ông Lê Dương Quang khiến nhiều người trong ngành đặt các câu hỏi nghi vấn.
Ngoài những sai phạm trong đầu tư được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ thời gian qua, câu chuyện vì sao cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và hai thứ trưởng Lê Dương Quang và Đỗ Hữu Hào (những người được đánh giá dày dạn trong nghề) lại bỏ qua hoặc làm lơ những vấn đề nổi cộm khi triển khai dự án đầu tư giai đoạn hai cũng như có ý kiến về việc vẫn đề nghị cho điều chỉnh mức đầu tư, thay đổi các điều khoản thanh toán, chọn nhà thầu trong hợp đồng dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng đắp chiếu đến nay đang trở thành điều khó nói với không ít người từng giữ các vị trí lãnh đạo của Bộ Công Thương và cả ở Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) cũng như ở TISCO.
Theo những thông tin từ nhiều nguồn của PV Tiền Phong, cuối năm 2004, sau nhiều lần báo cáo, trình đề án, Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) được chính thức lập báo cáo nghiên cứu khả thi nâng công suất sản xuất phôi thép của nhà máy từ 250.000 tấn lên 750.000 tấn/năm. Đến năm 2005, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO được phê duyệt với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng.
Theo đề án được trình qua Bộ Công Thương, dự kiến thời gian thực hiện là 2,5 năm, thời hạn thu hồi vốn dự kiến là 6,87 năm. Dự án có 2 gói thầu chính là mỏ sắt Tiến Bộ, tổng trị giá 442 tỷ đồng và gói thầu tổng EPC số 01 dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá, tổng giá trị 143 triệu USD (tương đương gần 2.300 tỷ đồng). Ngoài ra, dự án còn phải thực hiện 22 gói thầu khác.
Đến đầu năm 2007, sau khi hoàn tất các thủ tục về đầu tư, chuẩn bị dự án, TISCO ký hợp đồng 01 EPC với nhà thầu Công ty tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MMC) trị giá 160,8 triệu USD (tỷ giá USD thời điểm này là 1 USD tương đương 15.850 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến là 30 tháng).
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, lãnh đạo TISCO và MMC đã ký với nhau nhiều phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng trong hợp đồng EPC. Các báo cáo sau này của TISCO cho thấy, tính đến 31/12/2016, TISCO phải thanh toán cho đối tác lên tới gần 4.500 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỷ, chi phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng... Các khoản này đều được báo cáo lên Bộ Công Thương nhưng từ thứ trưởng phụ trách ngành Thép đến lãnh đạo bộ không có ý kiến can thiệp gì.
Thực tế, dù chưa hoàn thành các hạng mục nhưng nhà thầu vẫn được thanh toán những khoản nhiều triệu USD lên tới 92% giá trị hợp đồng. Điển hình như phần E dù chưa làm xong nhưng vẫn được thanh toán 2,9 triệu USD trên tổng giá trị 3,1 triệu USD hay như phần P được thanh toán 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD. Ngay cả khi năm 2013 nhà thầu MCC và các nhà thầu đã dừng thi công, TISCO vẫn thanh toán thay MCC tiền thuế lên tới 11,6 triệu USD. Điểm lạ lùng nữa là khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật… nhưng vẫn được thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị….với tổng số tiền 38,8 triệu USD.
Các văn bản sau này cho thấy, các lãnh đạo Bộ Công Thương thậm chí đã bỏ lọt cả việc TISCO đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đầy đủ cơ sở khi trình lên cấp có thẩm quyền cao hơn để phê duyệt dự án. Việc Bộ Công Thương bỏ qua yêu cầu TISCO lập thiết kế cơ sở để thẩm định theo quy định và thậm chí báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đầy đủ cơ sở cũng là những sai phạm dẫn đến việc dự án ngày càng lún sâu trong khó khăn.
Trả giá vì "lời giới thiệu" sai quy định
Một chuyên gia trong ngành Công Thương cho biết, sự can thiệp của Bộ Công Thương khi đó nếu có thì những hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra về sau. Theo thông tin này, đến khoảng giữa năm 2009 khi MCC có dấu hiệu không thực hiện các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng và Bộ Công Thương (khi đó là Thứ trưởng Lê Dương Quang phụ trách lĩnh vực), quyết liệt giám sát và gỡ khó thì sẽ không có những “vấn đề” xảy ra với bản kế hoạch tổng tiến độ V2.0-20080220 ngày 20/10/2008 của MCC.
Tháng 4/2009, lãnh đạo TISCO, thông qua giới thiệu bằng văn bản của Bộ Công Thương đã ký văn bản mời VINAINCON để thảo luận về phần C của hợp đồng, định giá tăng thêm để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo. Khi đó, VINAINCON đã lập dự toán chi phí phát sinh tăng phần C báo cáo gửi lãnh đạo TISCO. Trước những số liệu dự toán này, TISCO cũng không thẩm định mà sử dụng số liệu chi phí phát sinh phần C (của bản kế hoạch tổng tiến độ) hơn 15,5 triệu USD do VINAINCON lập để trình các bộ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến tháng 9/2009, TISCO và MCC đã ký hợp đồng thầu phụ với VINAINCON để thực hiện phần C với giá tạm tính là gần 43 triệu USD (tương đương khoảng hơn 764,1 tỷ đồng), thời gian thực hiện là 21 tháng.
Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ về sau này đều chỉ rõ việc các lãnh đạo của Bộ Công Thương thông qua chủ trương cho tăng vốn đầu tư, cho thay đổi chi phí thực hiện dự án ở nhiều hạng mục là những vi phạm rất nặng và sai luật. Trong kết luận của mình, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ý kiến của VNS chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện Phần C, cho phép TISCO được điều chỉnh chi phí thực hiện theo đơn giá điều chỉnh không đúng quy định, không đúng thẩm quyền; có ý kiến chấp thuận đề nghị của TISCO, ký hợp đồng với VINAINCON, các nhà thầu phụ khác và thanh toán theo đơn giá không đúng quy định của pháp luật về đầu tư”.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc Bộ Công Thương có văn bản giới thiệu nêu trên là không đúng thẩm quyền được giao, vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn:
Không đổ thêm tiền để giải cứu làm gì!
Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về việc có nên giải cứu bằng cách đổ thêm tiền và cần xử lý thế nào với dự án giai đoạn hai của Thép Thái Nguyên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho hay, dự án là sai lầm có tính chiến lược. Trong đó, sai lầm nằm ở sự ảo tưởng của chúng ta về lòng tốt của Trung Quốc. Ngành thép Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng dư thừa công suất và tồn kho rất lớn nên không có lý gì Trung Quốc lại giúp chúng ta gầy dựng một ngành thép để có thể cạnh tranh với họ trong tương lai.
“Chúng tôi đã tính toán và chứng minh rằng sẽ không tiền nào có thể mang lại hiệu quả cho dự án thép này của TISCO cả. Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì người ta vẫn cứ đề xuất cần phải bỏ thêm tiền. Đây cũng là là hậu quả của cơ chế ràng buộc ngân sách mềm – một nguyên nhân dẫn đến kỷ luật, kỷ cương tài khóa và đầu tư công lãng phí, kém hiệu quả.
Nguyễn Bằng -Thục Quyên