Cả thế giới vẫn đau đáu vụ 11-9

Cả thế giới vẫn đau đáu vụ 11-9
TP - Gần 3.000 công dân của hơn 90 nước thiệt mạng tròn 10 năm, nhưng họ không bị lãng quên. Ngay trong ngày kỷ niệm 10 năm vụ khủng bố 11 - 9, bom vẫn nổ, máu vẫn chảy…

New York trong thảm họa 11 - 9 và bây giờ
> Nước Mỹ cùng tưởng nhớ sự kiện 11-9

Lãnh đạo cấp cao đi lại như con thoi

Ngày 11-9, tròn 10 năm sau vụ tấn công khủng bố khiến gần 3.000 người thiệt mạng, Tổng thống Barack Obama thúc giục người Mỹ thắp lại ngọn lửa đoàn kết cháy ngùn ngụt hồi đó.

“Một thập kỷ sau vụ 11-9, cả thế giới thấy một điều rõ ràng là những kẻ khủng bố tấn công chúng ta sáng tháng 9 hôm đó không thể đấu với cá tính của chúng ta, với sự kiên cường của dân tộc, với những giá trị lâu đời của chúng ta”, ông Obama phát biểu trên radio và Internet.

Tổng thống Mỹ đến thăm cả 3 nơi bị những kẻ khủng bố lao máy bay vào 10 năm trước. Hôm qua, ông và phu nhân Michelle Obama bay đến thành phố New York, tham gia lễ kỷ niệm tại Khu vực số không cùng nhiều người, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush.

Tại buổi lễ, ông Obama đọc một đoạn trong Kinh thánh nói về sức mạnh của Chúa và sự nương tựa vào Chúa. Chủ trì buổi lễ ở Khu vực số không, Thị trưởng New York, ông Michael Bloomberg, nói rằng “bầu trời xanh tuyệt hảo” đã biến thành “đêm đen tối nhất” hôm 11-9-2001.

Rời New York, ông Obama tới thăm khu Shanksville (bang Pennsylvania), nơi hành khách chống lại bọn không tặc và để máy bay rơi xuống đất. Người ta tin rằng, bọn khủng bộ định lao chiếc máy bay này vào Nhà Trắng hoặc tòa nhà Quốc hội. Sau đó, Tổng thống Mỹ trở lại Washington để đặt vòng hoa tại Lầu Năm Góc và dự buổi hòa nhạc mang tên Hy vọng, thể hiện ý nghĩa hồi phục, tái sinh.

Ngày 10-9, Tổng thống Mỹ và đội an ninh quốc gia của ông điều tra tin báo rằng, al-Qaeda lập kế hoạch tấn công New York hoặc Washington nhân kỷ niệm 10 năm vụ 11-9. Tuy nhiên, tình báo Mỹ không tìm thấy bằng chứng những kẻ khủng bố đã lọt vào Mỹ để tấn công.

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo chính phủ Mỹ đã thông qua sắc lệnh thành lập Trung tâm Thông tin chống khủng bố chiến lược nhằm đập tan kế hoạch tuyên truyền thánh chiến và ngăn chặn al-Qaeda tuyển mộ thành viên mới. Ngoài ra, cuối tháng này, Mỹ sẽ thành lập Diễn đàn Chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, nhằm giúp các nước dọn sạch nơi trú ẩn của khủng bố trên lãnh thổ của họ, xử lý những nguy cơ liên quan.

Hai ngày trước kỷ niệm 10 năm vụ 11-9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lại kêu gọi thành lập một hiệp ước toàn cầu về chống khủng bố. Nhưng một số nước bất đồng vì chưa rõ tiêu chí xác định tổ chức khủng bố, ông nói.

Tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương mại Thế giới bị không tặc đâm máy bay vào ngày 11-9-2001
Tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương mại Thế giới bị không tặc đâm máy bay vào ngày 11-9-2001. Ảnh: Reuters

Cả thế giới tưởng niệm

Ngày 11-9, lễ tưởng niệm ở New York bắt đầu lúc 8.30 và phút mặc niệm diễn ra sau đó 16 phút, trùng thời điểm tòa tháp đầu tiên của Trung tâm Thương mại Thế giới bị không tặc lao máy bay vào. Sau đó, từng người một đọc tên của 2.977 người thiệt mạng ở New York, Lầu Năm Góc và Pennsylvania.

Ngày 11-9, người dân khắp nước Mỹ tập trung để cầu nguyện trong những nhà thờ, đặt hoa hồng trước các sở phòng cháy chữa cháy. Trước đó một ngày, tại vùng nông thôn ở miền tây bang Pennsylvania, hơn 4.000 người bắt đầu kể lại câu chuyện 10 năm trước.

Tại Đài Tưởng niệm quốc gia chuyến bay 93 gần khu Shanksville, cựu Tổng thống George W. Bush và Bill Clinton cùng Phó Tổng thống Joe Biden hòa mình cùng người thân của 40 hành khách và thành viên phi hành đoàn chống lại bọn không tặc.

Họ đã tặng cả nước một món quà vô giá - cứu Điện Capitol (Tòa nhà Quốc hội Mỹ), cứu vô số mạng người và đập tan âm mưu giành chiến thắng mang tính biểu tượng của al-Qaeda là phá vỡ trung tâm quyền lực của Mỹ, ông Clinton nói.

“Họ là dân thường không có chút thời gian nào để quyết định và họ đã làm đúng”, ông nhận xét. Hôm qua, tại trụ sở Bộ Quốc phòng bên ngoài Washington, Phó Tổng thống Joe Biden khen ngợi những người tiêu diệt Osama Bin Laden ở Pakistan hồi tháng 5. “Chúng ta sẽ không dừng lại, các bạn sẽ không dừng lại cho đến khi al-Qaeda bị phá vỡ và cuối cùng bị đánh bại”, ông Biden nói.

Bên cạnh những hoạt động kỷ niệm quy mô lớn, nhiều lễ tưởng niệm nho nhỏ diễn ra tại nhà riêng hoặc những nơi thường lui tới. Tại bang Connecticut, nhân viên môi giới chứng khoán đã nghỉ hưu Howard Lasher làm lễ dưới tán lá 6 cây thích đứng ven đường rải sỏi. Thân cây được sơn tạo hình quốc kỳ Mỹ. Ông Lasher sơn để tưởng nhớ 9 đồng nghiệp và con trai một đồng nghiệp khác chết trong tòa tháp.

Ở bang Michigan, nhiều lính cứu hỏa đặt 343 bông hồng lên một xà thép lấy từ Trung tâm Thương mại Thế giới để vinh danh những đồng nghiệp New York đã hy sinh. Xà thép và những bông hồng đã trở thành một miếu thờ ở địa phương.

Người dân khắp thế giới cũng tổ chức kỷ niệm 10 năm sự kiện 11-9. Từ Úc tới Pháp, các lễ kỷ niệm chính thức được tổ chức trọng thể để tưởng nhớ gần 3.000 nhạn nhân đến từ hơn 90 nước.

Hôm qua, tại Nhật Bản, nhiều người đặt hoa trước một bình thủy tinh chứa mảnh thép lấy từ Trung tâm Thương mại Thế giới bị phá sập, cùng tưởng nhớ 23 nhân viên Ngân hàng Fuji không thể thoát khỏi tòa tháp đôi.

Một ngôi làng ở Philippines tặng hoa hồng, bóng bay và những lời cầu nguyện cho một phụ nữ Mỹ tên là Marie Rose Abad. Chồng bà đã xây 50 ngôi nhà sơn sáng màu tại làng, theo ước nguyện của vợ mình là giúp đỡ người nghèo Philippines. Từ đó, ngôi làng mang tên Marie Rose.

Vợ chồng Tổng thống Barack Obama và vợ chồng cựu Tổng thống George W. Bush đến Đài Tưởng niệm Quốc gia 11-9 tại khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới
Vợ chồng Tổng thống Barack Obama và vợ chồng cựu Tổng thống George W. Bush đến Đài Tưởng niệm Quốc gia 11-9 tại khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới . Ảnh: AP

Ở Malaysia, bà Pathmawathy Navaratnam tỉnh giấc và như thường lệ 10 năm qua, nói lời chào buổi sáng với con trai - nhà phân tích tài chính 23 tuổi thiệt mạng ở New York. “Nó là ánh sáng đời tôi. Tôi không thể chấp nhận thực tế nó không còn đây nữa. Tôi vẫn sống nhưng lòng tôi đã chết”, bà Navaratnam nói.

Trong số nạn nhân 11-9 có ông Jupiter Yambem người Ấn Độ, quản lý nhà hàng Mái nhà Thế giới ở Trung tâm Thương mại Quốc tế. Hôm qua, khoảng 100 người thân và bạn bè của ông Yambem tập trung ở nhà ông tại bang Manipur (Ấn Độ) để cầu nguyện. “Osama bin Laden đã chết, linh hồn em tôi cuối cùng được yên nghỉ. Tuy nhiên, nguy cơ al-Qaeda tấn công vẫn còn đó”, anh trai của ông là Yambem Laba nói.

Thông điệp của bạn và thù

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama, chuyển lời chia buồn sâu sắc nhất đến nạn nhân thảm kịch 11-9, gia đình họ và toàn thể dân chúng Mỹ. Ông Lee nói rằng, vụ tấn công là “không thể tha thứ” và khen ngợi nỗ lực chống khủng bố của Mỹ 10 năm qua. Hàn Quốc là một trong những đồng minh mạnh nhất của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo ở Pakistan, nước là nạn nhân của khủng bố al-Qaeda nhưng bị chỉ trích không làm hết sức để dẹp phiến quân, nói rằng, họ hòa cùng nhân dân Mỹ tưởng nhớ những người bị giết 10 năm trước. “Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa khủng bố, chúng tôi tái khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác quốc tế để diệt trừ khủng bố”, Bộ Ngoại giao Pakistan tuyên bố.

Vụ tấn công khủng bố 11-9 “có thể dễ dàng xảy ra ở Paris, có thể dễ dàng xảy ra ở Sydney và có thể xảy ra dễ dàng ở bất kỳ đâu. Đó là lý do tại sao, giá của tự do là cảnh giác không ngừng”, Ngoại trưởng Úc phát biểu sau khi đặt vòng hoa ở Đài Tưởng niệm Chiến tranh Úc ở thủ đô Canberra.

Taliban đánh dấu kỷ niệm 10 năm sự kiện 11-9 bằng cách thề tiếp tục tấn công các lực lượng của Mỹ ở Afghanistan và nói rằng, họ không có vai trò gì trong vụ khủng bố 10 năm trước.

“Mỗi năm, ngày 11-9 nhắc người Afghanistan về một sự kiện họ có vai trò gì. Chủ nghĩa thực dân Mỹ đã làm hàng chục nghìn người Afghanistan vô tội và nghèo khổ đổ máu”, Taliban viết trong một tuyên bố gửi các cơ quan báo chí ngày 11-9.

Vài giờ sau, một chiến binh Taliban đưa xe tải chở 9 tấn thuốc nổ tới cửa một tiền đồn chiến đấu của NATO ở miền đông Afghanistan rồi kích nổ. Vụ đánh bom liều chết khiến 2 dân thường thiệt mạng, 102 người bị thương, gồm 77 quân nhân (trong đó có 50 lính Mỹ) và 25 thường dân Afghanistan.

Mỹ và đồng minh đổ quân vào Afghanistan hôm 7-10-2001, sau khi Taliban (lúc đó nắm quyền cai trị) từ chối giao trùm khủng bố Osama bin Laden. Lãnh đạo al-Qeada lúc đó sống ở Afghanistan, nơi mạng lưới khủng bố có nhiều trại huấn luyện và lập kế hoạch tấn công Mỹ cùng nhiều nước khác.

Giáo hoàng kêu gọi khước từ bạo lực

Hôm qua, Giáo hoàng Benedict XVI cầu nguyện cho các nạn nhân 11-9 và người thân của họ, đồng thời kêu gọi thế giới chống lại cái ông gọi là “sự cám dỗ dẫn tới hận thù”. “Tôi đề nghị lãnh đạo các quốc gia và những người có thiện chí không bao giờ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, luôn luôn chống lại sự cám dỗ dẫn tới hận thù và làm việc trong một xã hội hoạt động theo nguyên tắc đoàn kết, công bằng và hòa bình”, Giáo hoàng nói trước đám đông tín đồ ở thành phố Ancona của Ý.

Minh Long
Theo AP, Reuters, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.