Orange vừa kết hợp cùng Phúc Du, ra mắt MV Có đau thì đau một mình. Sản phẩm mới của giọng ca sinh năm 1997 hút 2,3 triệu lượt xem sau 3 tuần và vẫn hiện diện ở top thịnh hành âm nhạc trên YouTube. Sự nghiệp của Orange dần có dấu hiệu khởi sắc sau giai đoạn dài vướng lùm xùm với công ty cũ.
Trả lời phỏng vấn Tiền Phong, Orange cho biết sự nghiệp đã bước sang trang mới. Cô đã giải quyết xong vụ kiện, vừa phát hành MV đầu tư nhất trong 3 năm và chuẩn bị tung album đầu tay.
Orange trong MV mới nhất |
Trong 2 năm, đồng nghiệp không ai muốn làm chung trừ Hoàng Dũng
- Orange có thể chia sẻ kỹ hơn tình hình giải quyết với công ty cũ?
- Cuối năm ngoái, Orange đã trả hết tiền đầu tư cho công ty cũ. Bây giờ, đôi bên không còn kiện tụng nữa, ai đi đường nấy và cứ làm việc của mình. Về những ca khúc Orange hát khi còn ở công ty cũ, quyền sở hữu là ở họ. Nếu tôi muốn hát các bài ở công ty cũ, phải xin phép tác quyền. Họ cho phép thì mình được hát.
- Trong giai đoạn căng thẳng nhất của vụ kiện tụng, Orange khó khăn ra sao?
- Khó khăn nhiều chứ! Có thể nói Orange gần như làm lại từ đầu trong 2 năm sau kiện tụng. Việc đầu tiên là Orange làm gì cũng sẽ bị nói là, ‘cô gái này không có người kia, người nọ sẽ mãi mãi chìm xuống đáy, không bao giờ trồi lên được'.
Thực tế, những sản phẩm đầu tiên của tôi sau khi rời công ty cũ, thất bại ê chề thật. Có lẽ đến giờ, nhiều khán giả có khi còn không biết mấy bài hát đó có tồn tại trên đời không. Thế nhưng, không biết bằng một cách nào đó, Orange đã lì lợm tới giờ để vẫn còn hát và ra sản phẩm. Tôi may mắn vì vẫn còn khán giả chờ đợi mình làm nghề và ra nhạc mỗi ngày.
- Hai năm đó, có đồng nghiệp nào đưa tay hỗ trợ Orange?
- Khi Orange khó khăn, anh Hoàng Dũng là người hiếm hoi đồng ý hợp tác với tôi. Lúc đó, Orange vướng kiện tụng nên đồng nghiệp không muốn làm chung gì cả, sợ phiền phức. Orange không quen hay chơi thân anh Hoàng Dũng trước đó. Sau khi nghe demo Khi em lớn, anh nói hay, không cần suy nghĩ, tính toán gì và nhận lời hợp tác. Đến nay, 2 anh em vẫn chơi với nhau, sẵn sàng hỗ trợ và cũng đứng chung sân khấu nhiều lần.
- Sau biến cố, cảm giác Orange trưởng thành vượt bậc. Khán giả đánh giá bạn hát tốt hơn trước và giờ đây còn tự sáng tác ca khúc của mình?
- Orange cũng thấy thế. Tôi nghĩ mình vẫn còn may, vì được đón nhận những bài học từ sớm. Nếu ngay lúc này, Orange có tuổi, ốm yếu, trong tay không có tiền và hết khả năng phòng vệ, tình hình sẽ tệ hơn. Khi bị triệt mọi đường để làm nghề, phải nghĩ ra cách để cứu bản thân và mở ra lối đi mới cho mình.
Lúc trước, tôi có thử sáng tác nhưng chưa tự tin lắm, không tập trung được. Sau này, tôi tự thấy mình cũng có khả năng ở mảng sáng tác và nếu thật sự chú tâm, tập trung nghiên cứu, học tập, có thể làm ra cái gì đấy. Cũng như việc trước đó, tôi không biết gì về luyện thanh, nay vẫn phải học để phục vụ công việc. Tôi tự nhủ cái gì học được, phục vụ được cho nghề hát, phải học và học cho tới.
Orange không muốn bị cuốn theo guồng quay TikTok. |
“Top trending” không nói lên được giá trị bài hát
- MV mới nhất của Orange được đầu tư khá mạnh tay, song hiệu ứng thu về chưa thật sự đột phá như kỳ vọng?
- Có lẽ khán giả chưa quen hình ảnh này của Orange. Thời thế bây giờ cũng khác, khi top trending trên YouTube bị TikTok chi phối rất nhiều. Việc sản phẩm Có đau thì đau một mình không tạo sự đột phá trên top trending là bài học để ê-kíp nhìn lại. Nhưng tôi cũng vui vì bài hát đang leo dần dần. Nó không là hiệu ứng bùng lên ngay ngày đầu, mà dần dần lớn hơn theo thời gian. Tôi nghĩ mỗi sản phẩm đều có đời sống riêng của nó và khán giả sẽ dành tình yêu cho điều mà họ thấy xứng đáng.
Cái tích cực ở sản phẩm Có đau thì đau một mình là Orange được gần cá tính bên trong mình hơn. Ngày trước, tôi có nhiều nỗi sợ. Tôi không biết khán đang nghe gì, cái gì đang trending để mình làm theo. Tôi chạy theo khán giả nhiều hơn cái mình thật sự muốn định hướng cho bản thân. Tôi không định hình được mình sẽ hát cái gì khi đó. Còn bây giờ, mọi thứ rõ ràng, chắc chắn hơn. Tôi đã đủ chín chắn để quyết định làm một cái gì đó mà không phải than thở, hối hận.
- Nhiều nghệ sĩ xem vị trí ở top trending trên YouTube là sự thành bại. Orange nhìn nhận thế nào về chuyện này?
- Ngay lúc này, cảm nhận của tôi là trending đang không nói lên giá trị của một bài hát. Trước đây, tôi rất thích trending, bài nào cũng ra KPI trending, là đạt bao nhiêu lượt xem/tuần. Nhưng bản thân tôi đã chạy theo cái không đúng, chưa tới, nên không xem nó là mục tiêu nữa. Thay vào đó, tôi của bây giờ hướng vào giá trị cốt lõi, là bài hát của mình sẽ mang lại giá trị cho người nghe ở chỗ nào?
Ê-kíp tôi hay giỡn với nhau, biết vậy thôi hồi đầu làm sản phẩm Có đau thì đau một mình, làm nhạc TikTok thôi cho đỡ tốn, sản xuất MV làm gì. Nhưng sâu trong thâm tâm, tôi nghĩ mỗi một nền tảng mạng xã hội chỉ có một giai đoạn hoàng kim. Còn âm nhạc là vĩnh cửu. Vậy, mình làm hời hợt, sau này nhìn lại sẽ hối hận và tiếc lắm, nên hãy cố làm tốt nhất trong khả năng ở bất kỳ thời điểm nào.
- Sau MV Có đau thì đau một mình, Orange làm gì tiếp theo?
- Tôi sẽ phát hành album đầu tay. Lẽ ra tôi tung album từ năm ngoái nhưng phải gom tiền trả cho công ty cũ. Nghệ sĩ nào cũng muốn ra nhạc nhanh nhất có thể, vì sản phẩm âm nhạc rất dễ lỗi thời. Orange luôn cố gắng đảm bảo tiến độ ra nhạc mà mình đề ra, song cái gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó cả. Giờ, Orange bình thản chờ thời điểm phát hành trọn vẹn album.
Thời gian qua, cảm xúc của mình hơi đong đầy, nên muốn kể trọn vẹn trong album nhiều bài, thay vì một sản phẩm đơn lẻ. Bên cạnh đó, tôi làm album để có thêm nhiều bài, tiến gần giấc mơ mở concert cho riêng mình. Nếu mở concert lúc này, Orange không có đủ bài để hát, thì phải đi cover. Tôi thấy chuyện cover ở concert của mình, nhiều quá sẽ bị gượng, nên phải tự chủ động tăng số lượng bài hát.
- Năm nay, rất nhiều nghệ sĩ làm album, tại sao lại có hiện tượng lạ như vậy?
- Một trong những lý do là lịch trình hoạt động của ca sĩ bị ảnh hưởng. Do kinh tế suy thoái, các nhãn hàng cắt giảm rất nhiều ngân sách đầu tư vào âm nhạc. Mọi năm, đây là giai đoạn nhiều ca sĩ đầu tắt mặt tối, rục rịch làm các dự án cho nhãn hàng. Nhưng giờ, ai cũng bị giảm lịch trình làm việc. Có lẽ vì thế mà các ca sĩ tập trung làm sản phẩm âm nhạc, đặc biệt là album để tạo đà cho giai đoạn tới.
Thị trường cũng nên chuyển biến như hiện tại. Orange từng nói chuyện với nhiều ca sĩ, họ rất muốn ra album, đưa âm nhạc Việt đi lên, lớn hơn nữa, nhưng do chạy show mãi nên không làm được album.
- Lấy từ mốc Người lạ ơi, Orange đã đi hát hơn 5 năm. So với giai đoạn Orange bất ngờ thành hiện tượng nhạc Việt và hiện tại, thị trường thay đổi như thế nào?
- Ngày trước, MV vươn tầm thành hit, một ngày hút 5 triệu lượt xem bình thường, thậm chí 10 triệu views/ngày cũng có. Còn giờ, một ngày, ca khúc hit lắm hút 500.000 views là nhiều rồi. Đó là sự chuyển biến rất lớn. Giờ mọi người bị ảnh hưởng bởi TikTok hơi nhiều, nên tiêu thụ nhạc nhanh hơn, có thể nói bị “speed up” như các bài trend trên TikTok vậy.
Orange nhận thấy thấy giá trị âm nhạc đang hơi bị nhiễu loạn, nhưng không có cách nào ngăn điều đó. Đây là giai đoạn chuyển giao giữa âm nhạc gen Y và gen Z. Sự thay đổi nhanh của thị trường khiến guồng làm việc, suy nghĩ của nghệ sĩ cũng phải nhanh hơn. Ngày trước, có thể có công thức để tạo hit, làm ra một sản phẩm hot. Nhưng bây giờ, không thể đoán trước vì mọi thứ đến nhanh và đi cũng nhanh.
Orange luyện hát để không hổ thẹn với khán giả. |
Ca sĩ giờ phải sống thật với nghề
- Là một ca sĩ, Orange thấy sao khi ngày càng bị khán giả “soi” khả năng hát, đặc biệt là hát live nhiều hơn?
- Đó là điều tích cực đấy chứ! Ngày xưa, nhiều khán giả có lẽ chưa quan tâm nhiều đến thủ thuật của ca sĩ trên sân khấu như hát đè, hát nhép, nên nghĩ tất cả là live. Giờ, mọi người phân biệt được rồi, thậm chí biết cả kỹ thuật hát qua những video phân tích trên mạng.
Orange nghĩ sự chuyển dịch đó là điều tốt, vì nó thúc đẩy nghệ sĩ phải thật sự nghiêm túc và sống thật với nghề của mình. Mình đang nhận đồng tiền, lợi ích rất lớn từ khán giả, và ngược lại khán giả cũng mong mỏi sẽ nhận lại phần trình diễn chất lượng nhất trên sân khấu. Trong vai trò ca sĩ, Orange và các đồng nghiệp phải cố gắng đáp ứng mong mỏi từ khán giả.
- Orange có thể chỉ ra một điểm nào đó mà khán giả khi nghe ca sĩ hát, sẽ nhận biết ngay đây là giọng “karaoke” hay đã có luyện tập?
- Để phân biệt được người hát live tốt hay không, nhìn cách họ rung, ngân, khả năng bỏ nhỏ, là điểm để phân biệt được ca sĩ biết hát bình thường thôi và kỹ thuật. Nhưng với Orange, không cần kỹ thuật quá cao siêu đâu. Kỹ thuật cao siêu quá thì thành người hát giỏi, chứ hay thì hên xui. Với khán giả âm nhạc thị trường ca sĩ hát hay hay không, đôi khi quan trọng ở chỗ truyền cảm xúc đến người nghe
- Một năm qua, thị trường chứng kiến sự vươn lên nhanh chóng của thế hệ nghệ sĩ gen Z. Orange cũng là nghệ sĩ gen Z, bạn thấy “làn gió” từ nhóm nghệ sĩ trẻ đang tích cực thế nào?
- Orange đang ở lằn ranh vừa là gen Z, vừa không phải gen Z. May mắn của nghệ sĩ gen Z là được tiếp cận mọi thứ từ sớm, học hỏi nhanh chóng. Gen Z cũng như những thế hệ khác khi còn trẻ thôi, là năng lượng dồi dào, làm cái gì cũng nhanh, muốn chứng tỏ, nên đôi khi dễ mắc sai lầm. Đổi lại, khi đã làm thành công một cái gì đó, tư duy mới mẻ của gen Z sẽ tạo ra được khác biệt và thổi làn gió mới vào âm nhạc.
- Nhiều nghệ sĩ gen Z đang đi theo hình mẫu một tay ôm trọn tất cả. Orange có muốn như thế không?
- Với Orange, kết quả là tất cả. Làm nghệ sĩ toàn năng thì ai cũng muốn chạm tới. Nhưng mình phải biết mạnh ở đâu, chứ chăm chăm cố gắng trở thành người đa năng, thì dễ gặp tình trạng mỗi thứ chỉ biết một ít, không có cái gì tới nơi tới chốn. Mình nên tỉnh táo, biết cần trau dồi cái gì để phục vụ cho người hát. Điều quan trọng với nghệ sĩ là liên tục cập nhật bản thân để tốt hơn.
- Chỉ ra 1 cái tên gen Z mà Orange yêu thích nhất ở nhạc Việt hiện tại?
- Tlinh là người mình yêu mến nhất. Gặp Tlinh vài lần rồi. Cô ấy trải qua một số biến cố, quá gay gắt so với độ tuổi. Dù vậy, Tlinh đối diện bình tĩnh hơn tôi nghĩ, cũng là người truyền cảm hứng cho Orange.