Cá quý nước ngọt trước nguy cơ tuyệt chủng

Cá quý nước ngọt trước nguy cơ tuyệt chủng
TP - Trong lúc những nguồn gens đắt giá của thủy sản nước ngọt đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, thì nhiều loài cá quý hiếm vẫn tiếp tục bị xâm hại. Các đập thủy điện đang thi nhau băm nát những dòng sông, chặn đường sống, di chuyển và sinh sản của nhiều loài cá quý hiếm.

Không ngăn nổi đập chặn dòng

Từ 9 hệ thống sông chính chia thành 2.360 sông con và kênh rạch lớn nhỏ, người Việt nghìn năm qua ngoài hải sản Biển Đông còn có những món thủy sản nước ngọt tươi ngon.

Trong 9 hệ sông này, nguồn lợi lớn nhất thuộc về hệ thống sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua 6 nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Việc chính phủ các nước thuộc lưu vực Mê Kông cho xây nhiều đập thủy điện chắn ngang dòng sông đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái, ngăn chặn đường di cư của cá, hạn chế nguồn thức ăn và cũng là nguồn thu nhập của gần 70 triệu ngư dân sống dựa vào sông.

Trong đó, vùng thượng lưu Mê Kông thuộc Trung Quốc riêng 4 đập thủy điện khổng lồ Mãn Loan, Đại Chiếu Sơn, Cảnh Hồng, Tiếu Loan với tổng công suất 8.550 MW đã gián tiếp tác động khiến nước mặn xâm lấn, giảm lượng phù sa và nguồn lợi thủy sản ở hạ lưu.

Đó là chưa kể dưới hạ lưu, Xayaburi công suất 1.260 MW ở Bắc Lào là đập thủy điện chắn dòng đồ sộ nhất trong số 12 đập lớn sẽ lần lượt xây trên dòng chính hạ lưu Mê Kông dự kiến hoàn tất vào năm 2019.

Chậm hành động, kém hiệu quả

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam khẳng định: Con cá sấu Xiêm cuối cùng trên đất Việt đã bị giết chết tại bàu Hà Lâm huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vào ngày 30/9/2012.

Còn nhớ trong Danh mục 16 khu bảo tồn cấp quốc gia công bố kèm Quyết định số 1479 được Thủ tướng Phê duyệt năm 2008 Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, Tây Nguyên có mỗi một địa chỉ được xếp mức ưu tiên “rất cao”, đó là Hồ Lắk (tỉnh Đắk Lắk) rộng gần 600 hecta để bảo tồn loài cá sấu Xiêm.

Dí điện giữa thác Đray Náo
Dí điện giữa thác Đray Náo.

Cho đến nay, sau 5 năm kể từ khi QĐ 1479 ban hành, việc xây dựng Khu bảo tồn cá sấu Xiêm hồ Lăk vẫn chưa hoàn tất, mà trên mặt hồ rộng lớn ngày càng cạn nước này đã từ lâu không còn tí dấu vết tồn tại của con cá sấu Xiêm nào nữa.

Một cán bộ huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tiết lộ lâu nay đặc sản cá bống sông Trà nhỏ bằng nửa mút đầu đũa, kho keo rất tốn cơm của xứ này do đẻ không kịp với đà xúc nên thường bị đánh tráo bằng...?cá bống Quảng Nam.

Còn trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lắk (Đắk Lắk) công nhận, do hồ Lắk ô nhiễm và bị đánh bắt ráo riết quá, nên đặc sản chả cá thát lát hồ Lắk bây giờ toàn làm bằng cá thát lát nuôi nhập từ các nơi khác về.

Từ Luật Thủy sản và các Nghị định số 128, số 31 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, nhiều tỉnh thành đã ban hành các quy định về khu vực, ngư cụ, thời điểm, giống loài, kích thước được phép đánh bắt trên các vùng nước tự nhiên.

Thế nhưng, rất ít tỉnh có lực lượng thanh tra chuyên ngành nên rất nhiều nơi các hành vi đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên sông suối bằng chất nổ, kích điện vẫn xảy ra mà không bị xử lý.

Không ít chuyên gia thủy sản thú thực nhiều loài cá quý chỉ nghe tên chứ chưa được thấy, thì trong một số nhà hàng đầu mối lại dồi dào hàng ướp lạnh “loài gì cũng có” miễn chưa tuyệt chủng.

Mới đây, trong một “bếp nướng” đường Nguyễn Khuyến giữa phố núi, tôi chụp được loạt ảnh hội tụ một lúc cả 4 con cá quý cỡ lớn đặc sản Srepok- chi lưu sông Mê Kông trên Tây Nguyên: Cá lăng đỏ đuôi, Mõm trâu đen, Mõm trâu vàng, và cá Sọc dưa.

Dưới chân cầu Krông Nô bên quốc lộ 27 đi từ Buôn Ma Thuột sang Lâm Đồng, những cụm nhà bè của dân sông nước miền Tây neo đậu bên mấy chiếc thuyền gắn bộ kích điện đầu mũi - Một hình thức đánh bắt tận diệt vẫn ngang nhiên tồn tại.

Xơi nhanh, sinh khó !

Về lý thuyết, các công trình thủy lợi, thủy điện chặn dòng đều phải xây thêm đường cá đi hoặc đào dòng chảy phụ cho những loài cá mang tập tính sinh sản ngược dòng có cơ may bảo tồn nòi giống. Còn trong thực tế, việc xây dựng các đường cá đi thường rất tốn kém mà hiệu quả chẳng bao nhiêu nên rất ít nơi trên thế giới thực hiện.

Việt Nam tới nay thậm chí còn chưa có đập chặn dòng nào làm đường cá đi. Vậy nên cứ thêm mỗi đoạn sông cạn hay ô nhiễm, mỗi đập ngăn sông làm thủy điện, lại có thêm vài loài cá đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.

Hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều đã thành lập Chi cục thủy sản với nhiệm vụ quản lý và phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt, cung ứng cho thị trường chủ yếu các loại cá phổ biến như trắm, trôi, rô, phi, mè, chép, lươn, trê, lóc, diêu hồng, lăng nha, ba sa ?và cả những loài mới du nhập như cá hồi, cá tầm. Nhiều tỉnh mỗi năm chi vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng thả cá giống ra sông cho cộng đồng cùng hưởng lợi theo nguyên tắc phát triển bền vững.

Tuy nhiên, đối với những loài cá hiếm quý thì quy mô và thành quả nghiên cứu nhân giống vẫn rất nhỏ bé, chậm trễ so với nhu cầu hưởng thụ và tốc độ tuyệt chủng.

Việc nhân giống thành công cá Anh Vũ (còn gọi là cá Tiến Vua) vốn chỉ sống trên lưu vực một số sông lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã kích thích mạnh giới nghiên cứu thủy sản phía Nam. Song, dù đã được sinh sản nhân tạo, giá thương phẩm cá Anh Vũ hiện vẫn gần 1 triệu đồng mỗi ký, cho thấy sản lượng còn ít, và cung chưa đáp ứng nổi cầu.

Cũng có cái mõm loe chuyên ăn rêu đá như cá Anh Vũ, chất lượng thịt thơm ngon tương đương nhưng kích thước lớn hơn nhiều, là cá Mõm trâu ở các dòng nhánh cuối nguồn Mê Kông.

Chưa đắt bằng cá hô, cá sủ vàng, nhưng những con cá Mõm trâu đánh lưới từ sông Srepok nặng từ 5-7 kg, giá trên dưới 500.000đ/ kg đang ngày càng trở nên quý hiếm.

Ngư dân các huyện Buôn Đôn, Ea Súp nơi Srepok cuộn mình đầy ghềnh thác trước khi đổ sang Campuchia mỗi lần bắt được cá Mõm trâu lập tức điện thoại ngay cho mối quen. Có lần tôi được chị Sen bếp trưởng nhà khách tỉnh Đắk Lắk mời đến để chụp ảnh đôi cá Mõm trâu quý hiếm vừa mua được, trước khi chị...?đóng thùng xách đôi cá ra sân bay để tiến “vua” nào đó ở Thủ đô !

Đôi cá Mõm trâu vàng
Đôi cá Mõm trâu vàng.

Tiến sĩ Phan Đình Phúc, giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung cho biết: Trung tâm đang thực hiện đề tài khai thác nguồn gen cấp nhà nước về cá Ngựa xám (thuộc họ cá chép) trong 4 năm từ 2012-2016, hiện đã lưu giữ được một số cá thể khai thác từ sông Srepok. Loài cá Ngựa xám này sống ở vùng thác đá nhiều rêu như cá Mõm trâu, đánh bắt bằng lưới bị sây sát nên dễ chết khi lưu giữ.

Sắp tới Trung tâm sẽ dự thầu đề tài nghiên cứu tập tính sinh học và sinh sản của cá Mõm trâu do Sở KH&CN Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Việc nghiên cứu loài cá này vấp trở ngại đầu tiên về nguồn cá bố mẹ, vì ở sông Srepok chỉ có cá Mõm trâu lớn 5-6 ký trở lên lại rất hiếm khi mua được cá sống, nếu mua được mà để cá chết lại mất ngay mấy triệu mỗi con...?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk xác nhận: Chi cục đang phối hợp với Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung thực hiện đề tài nghiên cứu đặc tính sinh học và ứng dụng thử nghiệm sản xuất giống cá Mõm trâu, tổ chức đấu thầu năm 2013 nhưng có thể một vài năm sau đề tài mới được triển khai .

Tới lúc đó, liệu có còn con cá Mõm trâu nào không mà nghiên với cứu ? Tôi băn khoăn tự hỏi !

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG