Ranh giới mong manh giữa nhạy cảm và phản cảm
Mới đây, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân cho ra mắt MV mới có tựa đề “Nước chảy hoa trôi”, tiếp tục khai thác mô-típ chuyện tình đồng giới, có yếu tố ma mị và kinh dị. Sau hơn 3 ngày ra mắt, MV “Nước chảy hoa trôi” đã thu hút khoảng hơn 2 triệu lượt xem, lọt Top 2 MV thịnh hành trên YouTube.
Bên cạnh những lời khen cho êkip về phần dàn dựng kỳ công, kỹ xảo đẹp mắt, mang đậm phong cách Á Đông… thì MV cũng khiến nhiều người “nóng mặt” với những cảnh “giường chiếu” phản cảm và gợi dục giữa hai nhân vật nam chính. Thậm chí, MV còn xuất hiện “xác sống”, những khuôn mặt máu me rợn người.
Đây không phải lần đầu tiên nam ca sĩ gốc Hà Nội khai thác chủ đề LGBT. Nếu như MV “Màu nước mắt” khai thác tình yêu đồng tính nữ với những cảnh nóng táo bạo, cảnh phẫu thuật chuyển giới trần trụi thì “Tự tâm”, “Canh ba” cũng từng khiến người xem ngại ngùng với những màn ân ái đồng tính nam. Thậm chí MV “Canh ba” khi vừa ra mắt đã vấp phải ý kiến trái chiều, yêu cầu phải dán nhãn MV hạn chế khán giả nhỏ tuổi, bởi ngoài cảnh yêu đồng tính còn có cảnh cưới xác chết, mời pháp sư về hồi sinh cho xác chết, xác chết bị thối rữa… Có lẽ, chính những yếu tố kích thích tò mò đó đã kéo cho các MV của Nguyễn Trần Trung Quân đạt hàng triệu lượt xem chỉ sau vài ngày ra mắt. Bởi về giọng hát và ca từ của sản phẩm đều không được đánh giá cao.
Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại khi con em mình đang ở độ tuổi trưởng thành xem được những MV này. “Trẻ con tuổi mới lớn rất thích bắt chước thần tượng. Các cháu cũng chưa hiểu biết nhiều về cộng đồng giới tính thứ 3, vì vậy, tôi rất lo khi con xem những cảnh ân ái đồng tính thế này sẽ có những suy nghĩ và hành động lệch lạc“, chị Hoàng Hạnh, phụ huynh có con đang học cấp 3 ở Hà Nội chia sẻ.
MV của Khắc Việt từng bị yêu cầu dán nhãn 18+ vì quá nhiều cảnh bạo lực |
Không chỉ Trung Quân, mà ở thời đại làm nhạc công nghệ số này, các ca sĩ vẫn đang đua nhau làm MV phát hành trực tuyến. Để tồn tại được trên không gian mạng và thu được tiền từ YouTube, họ phải dùng đủ chiêu trò để câu lượt thích, lượt xem.
“Đừng yêu lại người cũ” của Bùi Caroon khiến khán giả phẫn nộ khi suốt 1 phút đầu MV là cảnh làm tình của hai nhân vật chính. “Ra vô” của Kay Trần cũng bị cho là câu khách rẻ tiền khi lạm dụng các cảnh quay mô tả làm tình đầy dung tục. “Em muốn cho anh xem này” của Nhã Tiên nhận nhiều chỉ trích khi toàn bộ MV chỉ đơn thuần là tổng hợp những cảnh mặc hở hang, thả dáng, những điệu nhảy sexy và khung cảnh chơi đùa cùng các chàng trai trong phòng ngủ, được nhiều người bình luận là “như bạo dâm”. MV “Sexy Girl” của Linh Miu thậm chí còn gây choáng váng với màn “quan hệ” ngay trong ô tô. MV “Sao em nỡ vậy” của Khắc Việt cũng tràn ngập cảnh nóng, bạo lực đến mức chính các fan phải đề nghị gắn mác 18+ và không phù hợp với những khán giả là học sinh. Nhiều “hàng nóng” như dao, kiếm, súng, cảnh châm xăng đốt cũng có mặt trong MV mà không hề bị làm mờ.
MV “Ơ sao bé không lắc” của Emily và BigDaddy lại chơi trò đánh lận tên bài hát, nhập nhằng với ca khúc thiếu nhi “Ồ sao bé không lắc” mà các trường mầm non vẫn mở trong lúc tập thể dục. Và nếu phụ huynh không kiểm tra trước khi mở chắc hẳn sẽ tá hoả khi phát hiện xuyên suốt MV “Ơ sao bé không lắc” là hình ảnh vũ công lẫn nữ ca sĩ trong trang phục bikini, lắc và uốn éo phản cảm trên bãi biển.
Dán nhãn vẫn gây tranh cãi
Không ít nghệ sĩ trước khi đưa sản phẩm của mình lên YouTube đã phải tự gắn nhãn giới hạn độ tuổi để tránh ồn ào dư luận. Tuy nhiên, các MV vẫn gây tranh cãi bởi phản cảm quá đà, trong khi giá trị âm nhạc và nghệ thuật lại nghèo nàn.
Ngay từ đầu MV “Nước chảy hoa trôi” dù có dòng chữ cảnh báo đối tượng trẻ em là người xem dưới 13 tuổi nhưng lại ghi bằng tiếng Anh: “Parents strongly cautioned – PG13” nên nhiều người cho rằng không có tác dụng mấy nếu như các em nhỏ vô tình thấy và tò mò ấn vào để xem. Thậm chí với những cảnh nóng đồng tính táo bạo, MV đáng lẽ phải được gắn mác 18+ thay vì 13+ như hiện tại.
“Fabulous” dù được Trang Pháp dán nhãn 18+ nhưng vẫn được đánh giá là bước đi thất bại của nữ ca sĩ khi cả MV không có bất cứ một câu chuyện nào ngoài những cảnh quay khoe thân được ghép vào nhau lộn xộn từ bể bơi đến phòng ngủ, phòng tắm. Thậm chí, ở nhiều cảnh còn xuất hiện mẫu nam khoả thân 100%, lộ hết vòng ba khiến người xem không khỏi nhức mắt. “Mời anh vào team em” của Chi Pu dán nhãn 16+ vẫn không ngăn được những chỉ trích từ cộng đồng mạng khi cảnh gợi cảm giới tính ngập tràn. Nhiều cảnh quay còn mang ẩn ý bạo dâm và mô tả về tình dục.
MV “Nếu ngày ấy” của Soobin Hoàng Sơn từng bị YouTube gỡ bỏ khỏi hệ thống khi chứa nhiều cảnh bạo lực gia đình, cảnh tự sát gây ám ảnh… Tuy nhiên, những pha xử lý mạnh tay này chưa thực sự nhiều. Vì thế, trên không gian mạng vẫn còn tồn tại nhan nhản các MV ca nhạc câu lượt xem bằng mọi giá, bất chấp phản cảm, phi nghệ thuật.
Đánh giá về tác động của các MV ca nhạc đến người xem, tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân nhận định: “Những người của công chúng phải hiểu bản thân có tác động tới nhiều người, nên cần lựa chọn nội dung để đưa lên, nhằm lan tỏa thông điệp và tạo hiệu ứng tích cực”. Anh cho rằng MV là một sản phẩm truyền thông nên chắc chắn sẽ có sự tác động nhất định tùy đối tượng và nhóm tiếp cận. Các sản phẩm video âm nhạc không giới hạn độ tuổi lại càng có khả năng tiếp cận với trẻ em, đối tượng chưa đủ trình độ phân biệt đúng sai, dẫn đến việc bắt chước theo cách đơn thuần.