Ca mắc tăng nhanh, dịch sởi diễn biến phức tạp ở Đắk Lắk

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận hơn 700 ca mắc sởi, tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh đang gia tăng. Nhiều trường hợp xuất hiện biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, viêm kết mạc mắt hoặc rối loạn tiêu hóa.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 764 ca mắc sởi.

Thành phố Buôn Ma Thuột là địa phương có nhiều ca bệnh, với 366 trường hợp. Đáng chú ý, người mắc bệnh sởi đang có sự gia tăng đáng kể ở người trưởng thành (từ 20-40 tuổi) chiếm tỉ lệ cao.

Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm 2024 đến nay đã tiếp nhận gần 90 ca mắc sởi là người lớn. Nhiều trường hợp xuất hiện biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, viêm kết mạc mắt hoặc rối loạn tiêu hóa.

Ca mắc tăng nhanh, dịch sởi diễn biến phức tạp ở Đắk Lắk ảnh 1

Ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh sởi.

Bác sỹ chuyên khoa II H’Nuen Hđơk, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, nhiều trường hợp người lớn mắc sởi là do virus lây lan qua đường hô hấp. Những người chưa từng mắc sởi, chưa tiêm vắc xin hoặc đã tiêm nhưng miễn dịch suy giảm đều có nguy cơ cao mắc bệnh.

Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả thông qua tiêm vắc xin. Vì vậy, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt cần tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch.

Ngành Y tế theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh, giám sát chặt chẽ ổ dịch để xử lý triệt để, ngăn ngừa lây lan.

Đặc biệt, việc tiêm chủng vaccine phòng sởi cho nhóm đối tượng nguy cơ cao được nhấn mạnh là biện pháp cốt lõi nhằm bảo vệ cộng đồng và giảm nguy cơ bùng phát dịch.

MỚI - NÓNG